“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa cả hai bài đọc hôm nay nói đến việc gióng tiếng. Hôsê gióng tiếng cho Israel, làm sao họ trở về, nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa; Chúa Giêsu trong Tin Mừng lại gióng tiếng để Nước Thiên Chúa và lòng xót thương của Người được rao giảng.
Ngôn sứ Hôsê nóng lòng để dân quay về với Chúa, nhận ra tình yêu của Người. Ông lên tiếng với giới lãnh đạo thời bấy giờ vốn đã chạy theo một đường lối chính trị thế tục, làm cho Israel xuống hàng chư dân, các tư tế thì dốt nát lại tham tàn, “Chúng cai trị chớ không phải Ta. Chúng đã làm thủ lãnh, và Ta không nhận biết”. Chúa Giêsu thì thao thức một điều tương tự; Ngài trăn trở cho công cuộc loan báo Tin Mừng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói, “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về”.
Tin Mừng nói, “Ngài rảo qua các thành phố”, nghĩa là chịu mất thời giờ đi qua các phố lớn phố nhỏ, qua hẻm nặng mùi, qua ngõ xôn xao; Tin Mừng nói, “Ngài rảo qua các làng mạc”, nghĩa là Ngài xuống làng chài, lên làng thượng, về miền xuôi, là leo lên núi, tụt xuống đồi, băng qua nương, tắt qua rẫy, tạt ra biển, dạm sang hồ… Lang thang nhưng không ngơi nghỉ, gặp gỡ nhưng chẳng dừng chân; Ngài đi nhiều nơi cốt để Tin Mừng và lòng thương xót Chúa được nhiều người hưởng nhận. Ngài thanh thản, tự do, không bịn rịn, chẳng bồn chồn cũng không quyến luyến… nhưng dứt khoát kịp mang dép trái ra đi. Trong toàn bộ Tin Mừng, chẳng thấy ở đâu rước xách rềnh rang rộn ràng, trừ một lần Ngài vào Giêrusalem nhưng chỉ với lá lay, cũng là lần Ngài đi nộp mạng.
Ngài thao thức những gì phải làm trước một đoàn chiên tất tưởi bơ vơ không người chăn, một đoàn người đang đói, một đồng lúa chín đang thiếu thợ. Ngài rao giảng, chữa lành không mệt mỏi, chẳng có thời giờ nghỉ ngơi ăn uống đến nỗi bà con Ngài bảo, ‘Ngài mất trí’.
Chuyện xưa cũng là chuyện nay, Chúa Giêsu ấy vẫn đang thấy bao nhiêu người lầm than vất vưởng như chiên không người chăn; ngay cả những người giàu có hay cả những người xem ra học thức nhất, đấng bậc nhất… họ cũng rất đáng thương.
Sau mười ba năm ở tù, trong đó, chín năm cách ly, Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận kể lại một kinh nghiệm khá thú vị. Các nhà chức trách thường xuyên thay đổi những người canh gác ngài vì sợ rằng, đặt họ ở đó, họ sẽ bị “lây nhiễm” bởi ngài. Sau đó họ dừng hẳn việc đổi người, vì sợ ngài sẽ làm lây nhiễm tất cả. Ngày kia, một trong những người canh gác hỏi ngài, “Ông có yêu thương chúng tôi không?”, ngài trả lời, “Có, tôi yêu các người”. Người ấy không tin, “Nhưng chúng tôi bỏ tù ông nhiều năm, không một phiên toà, không một bản án và ông vẫn yêu thương chúng tôi? Không thể có điều đó”. Người ấy nói với ngài, “Khi ông được tự do, ông không phái giáo dân tới đốt nhà chúng tôi và giết gia đình chúng tôi chứ?”; “Không! Ngay cả nếu các người muốn giết tôi, tôi vẫn yêu thương các người”; “Nhưng tại sao?”; “Bởi vì Chúa Giêsu dạy tôi yêu thương mọi người, yêu thương ngay cả những kẻ thù của tôi. Nếu tôi không yêu thương, tôi không đáng được gọi là người công giáo”.
Anh Chị em,
Sống trong một thế giới duy vật tục hoá hơn bao giờ hết, chớ gì mỗi người chúng ta cũng can đảm trở thành một chứng nhân Kitô trong thời đại vắng bóng Thiên Chúa này.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đến với con, người ta sẽ được lây nhiễm hay bị lây nhiễm? Lây nhiễm cái sáng hay cái tối?”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)