“Hỡi những người lãng quên Thiên Chúa, gắng mà hiểu cho tường!”.
Thánh Augustinô nói, “Sự hiểu biết là phần thưởng của niềm tin. Vì vậy, đừng tìm cách hiểu tại sao bạn có thể tin; nhưng hãy tin rằng, bạn có thể hiểu!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đừng tìm cách hiểu tại sao bạn có thể tin; nhưng hãy tin rằng, bạn có thể hiểu!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay đặt cho chúng ta một câu hỏi từ ý tưởng của Augustinô, ‘Vậy tại sao bạn không tin?’. Như Israel thời Amos, hoặc như viên luật sĩ thời Chúa Giêsu, thật khó tin, nhiều lúc, dường như chúng ta không biết Thiên Chúa là ai; đúng hơn, chúng ta lãng quên Ngài! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nói, “Hỡi những người lãng quên Thiên Chúa, ‘gắng mà hiểu cho tường!’”.
Qua bài đọc thứ nhất, Amos lưu ý dân, ‘gắng mà hiểu cho tường’ những việc Thiên Chúa làm. Sự quan tâm và chăm sóc Ngài đã dành cho họ giờ đây phải được phản ánh trong sự quan tâm và chăm sóc của họ đối với cộng đồng, nhất là với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vậy mà, đáp lại, những hành vi bất nhân của họ vẫn xảy ra nhan nhản, và điều đó khiến Thiên Chúa nổi giận; Ngài lên tiếng, “Các ngươi sẽ rên siết như tiếng rít của một chiếc xe chở đầy cỏ bị kẹt”. Vì vậy, đừng như Israel, bạn và tôi ‘gắng mà hiểu cho tường’ việc Chúa làm cho mình!
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy quá trình chuyển tiếp để trở thành một môn đệ của Ngài thật không dễ! Đang khi người môn đệ cần quảng đại giao phó ý chí của mình cho Chúa một cách vô điều kiện, thì viên luật sĩ lại cậy vào ý chí riêng của bản thân một cách cao cả nhất có thể, “Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo Thầy!”. Chúa Giêsu không lạnh lùng bỏ qua con người tự tôn này; Ngài tìm cách lôi cuốn ông vào một lối sống khác, một lối sống nghèo khó đơn sơ. Tuy nhiên, điều mà sự nghèo khó tự làm rỗng chính mình của Ngài không phải là sự khốn khổ; đúng hơn, nó hấp dẫn và cuốn hút, vì nó là dấu chỉ không thể sai lầm về sự giàu có của Thiên Chúa. Gương nghèo khó của Chúa Giêsu cho phép bạn và tôi rời bỏ thế giới riêng của mình để tìm một điều gì đó tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn với cuộc sống đã được ban tặng!
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn cho thấy, một môn đệ trở nên đồng nhất với Đấng Kitô không phải chỉ bằng ý chí, hoặc nhờ tích luỹ giáo lý, kiến thức và sự hiểu biết; nhưng bằng cách sống một cuộc sống chung với Ngài, vốn được sinh ra từ sự kết hợp với ý muốn của Ngài, nên giống Ngài. Ai muốn làm môn đệ Giêsu, ‘gắng mà hiểu cho tường’ rằng, Ngài đang thiết lập một nhịp độ nên thánh trong đời họ, mời họ bỏ lại ý chí của mình vì cuộc sống mới mà Ngài giới thiệu!
Tin Mừng còn nói đến một người khác được Chúa Giêsu gọi, “Thưa Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”; Ngài đáp, “Hãy theo Ta, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!”. Có một âm sắc nào đó gần như tàn nhẫn trong phản ứng của Ngài trước những ngụy biện bào chữa của những ai tránh đi theo Ngài. Chúa Giêsu muốn nói, ‘gắng mà hiểu cho tường’, việc dứt bỏ khỏi những ước mong và khát vọng của bản thân là con đường dẫn đến sự đơn giản của trái tim; sự đơn giản này đòi hỏi chúng ta phải thành thật một cách khá khắc nghiệt với chính mình!
Anh Chị em,
“Hỡi những người lãng quên Thiên Chúa, gắng mà hiểu cho tường!”. Như vậy, đi theo và đồng hành với Chúa Giêsu, ở lại với Ngài… đòi hỏi bạn và tôi phải ‘ra khỏi chính mình’, ra khỏi cái tôi, thoát khỏi lối sống đức tin tẻ nhạt vốn đã trở thành thói quen, hoặc duy ý chí. ‘Ra khỏi chính mình’ là ra khỏi cám dỗ rút lui vào kế hoạch riêng của mình; bởi lẽ, tất cả những điều đó sẽ dập tắt không thương xót hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không có một nơi gối đầu, vì nhà của Ngài chính là những trái tim con người; chính chúng ta là nơi cư ngụ của Ngài. Sứ mệnh của Ngài là mở cửa lòng thương xót cho mọi người; và mỗi chúng ta, sẽ là những nhà tạm di động, trở thành nơi hiện diện thường xuyên của tình yêu đầy lòng xót thương đó.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin biến trái tim con nên đơn sơ và quảng đại; hầu mỗi ngày, con thấu hiểu tường tận thánh ý nhiệm mầu của Chúa đang thực hiện trên con và trên anh chị em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)