Giá phải trả

23/11/2022

“Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con, nộp các con cho các hội đường và bỏ tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy!”.

Một nhà thần học nói, “Giá phải trả đối với ba nhà đạo sĩ là cuộc hành trình dài với những món quà đắt tiền và cuộc sống họ đã thay đổi. Giá phải trả của các sứ đồ đầu tiên là bắt bớ và đôi khi là cái chết. Giá phải trả của các vị tử đạo trong mọi thời là mạng sống của họ. Và hơn tất cả những điều này, giá phải trả của Thiên Chúa Cha là Con Một của Ngài để cứu cả nhân loại!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với các giá cả ở trên mà giá Thiên Chúa Cha phải trả là đắt nhất, thì trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, sự chống đối và bắt bớ của thế gian là ‘giá phải trả’ của người môn đệ cho việc họ đi theo Ngài.

Tại sao điều đó làm chúng ta ngạc nhiên? Nếu dễ dàng sống theo Phúc Âm, cả thế giới này đã đầy ắp các vị thánh. Tin Mừng thì đòi hỏi; vì lẽ, Tin Mừng cọ xát với bản chất con người sa ngã của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta, đòi hỏi đến độ khiến người khác không ưa chuộng. Tại sao? Bởi vì những người làm điều tốt là một lời nhắc nhở gai góc cho những người không làm điều tốt. Sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta bị những hàng xóm coi thường vì nhà chúng ta có quá nhiều trẻ em; hoặc rằng, chúng ta gặp phải sự chế nhạo những thầy cô trong nhà trường vì chúng ta là những giáo viên nghiêm túc; hoặc khi tăng lương và khen thưởng, ông chủ bỏ qua chúng ta vì chúng ta đã không đóng góp cho nhóm ủng hộ phá thai. Tôi có nhận ra rằng, trở thành người Công Giáo là phải chịu bắt bớ và chịu thiệt?

Vậy mà, Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng chống lại họ! Khi dạy đừng chống lại cũng đừng kháng cự, Ngài không bảo chúng ta cứ ngồi một chỗ và không làm gì cả; đúng hơn, Ngài muốn chúng ta vận dụng tài năng của mình để mở rộng Vương Quốc dù thuận tiện hay không thuận tiện; mời gọi chúng ta tin tưởng, cuối cùng, sự chiến thắng của điều thiện trước điều ác luôn thuộc về Ngài. Thiên Chúa có thời gian và vị trí cho mọi thứ. Trong khi chờ đợi, chúng ta được kêu gọi xây dựng Nước Trời ở bất cứ nơi nào có thể – trong gia đình, ở văn phòng, trường học, nơi cộng đồng mình. Tôi đang xây dựng Vương Quốc tại môi trường Chúa đã đặt tôi như thế nào?

Đọc tiếp Tin Mừng, chúng ta còn nghe Chúa Giêsu căn dặn, mỗi khi bị bắt bớ và ra trước mặt quan quyền, đừng sợ phải nói gì và nói làm sao; Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan từ trên, “Chính Thầy sẽ cho các con ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của các con không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. Một khi chúng ta ở gần Chúa Kitô trong cầu nguyện và hành động, Ngài sẽ tiếp quản cuộc sống của chúng ta từng chút một; và điều này thật khích lệ! Tính ích kỷ sẽ mất dần; trái tim của chúng ta ngày càng triển nở khi dám chết cho cái tôi của mình, “Ngài phải lớn lên, còn tôi nhỏ lại”. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải tuyệt đối tin vào Tin Mừng và tin rằng, chính Lời Chúa sẽ giúp chúng ta biết cách đáp lại cái nhìn không mấy thiện cảm của những người không tin.

Anh Chị em,

“Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con”. Chúa Giêsu là mẫu gương chịu bắt bớ và ngược đãi. Suốt ba năm rao giảng và thi ân giáng phúc, Ngài không ngừng bị rình rập và mưu hại, mặc dù vô tội, như Ngài từng nói, “Nào ai bắt Tôi được lỗi nào!”. Ấy thế, Ngài đã nhẫn nhịn đến cùng; thậm chí, chấp nhận một cái chết tủi nhục trên thập giá. Thế nhưng, nhờ đó, Ngài đã chiến thắng các tâm hồn, chinh phục hàng triệu con tim. Phần chúng ta, nếu kiên trì sống như con cái Thiên Chúa, nhẫn nhịn như Thầy Chí Thánh của mình, một ngày nào đó, ác cảm của những người chung quanh sẽ biến thành thiện cảm, khi họ thấy sự khoan dung và hiền hậu của chúng ta; ngày nào đó, họ phải nhìn nhận có ‘một Ai đó’ đang ở trong chúng ta. Và như Chúa Giêsu, chúng ta có quyền hy vọng sẽ chinh phục được trái tim của những người anh em chung quanh mình. Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con hiểu những cảm giác cô đơn Chúa đã trải qua khi đi ngược lại các tiêu chuẩn của thế gian. Cho con luôn chung thuỷ với Chúa bất kể phải trả một giá cao nào!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)