Giũ cả bụi chân lại

23/09/2020

“Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó,

hãy giũ cả bụi chân lại”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Giũ cả bụi chân lại” là một trong những tuyên bố mạnh mẽ của Chúa Giêsu, cũng là tuyên bố giúp người môn đệ của Ngài kiên định mỗi khi phải đối mặt với sự phản đối trên bước đường tông đồ; vì cuối cùng, như Thầy mình, một đôi khi, họ cũng phải “giũ cả bụi chân lại”.

Chúa Giêsu sai các môn đệ lên đường, rảo khắp các làng mạc để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật. Ngài dặn các ông đừng mang theo gì, kể cả cây gậy, bánh và tiền; cũng đừng mặc hai áo nhưng chỉ dựa vào lòng hảo tâm của những người mà họ sẽ rao giảng. Ngài cũng thấy trước thực tế nghiệt ngã, một số người sẽ không chấp nhận họ; với những ai thực sự từ chối những người được sai đi và thông điệp họ mang đến, người môn đệ Chúa Giêsu sẽ “giũ cả bụi chân lại” để rời đi.

Điều đó có ý nghĩa gì? Trước hết, khi bị từ chối, người môn đệ tổn thương; hậu quả là chúng ta rất dễ hờn dỗi và khắc khoải. Thật dễ dàng để ngồi xuống và tức giận; và như thế, chúng ta để cho sự từ chối gây cho mình những thiệt hại lớn hơn. “Giũ cả bụi chân lại” là một cách nói rằng, chúng ta sẽ không để cho những thương tổn tác hại đến mình; người môn đệ Chúa Giêsu không dễ bị điều khiển bởi dư luận và ác ý của bất cứ ai. Đây là một chọn lựa quan trọng để thực hiện trong cuộc sống khi người môn đệ đối mặt với sự từ chối. Thứ đến, “giũ cả bụi chân lại” cũng nói lên rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước; không chỉ vượt qua những tổn thương, người môn đệ còn phải tiến lên, tiếp tục tìm kiếm những con người sẽ đón nhận tình yêu và sứ điệp Tin Mừng. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, khuyến dụ của Chúa Giêsu trước hết không phải là việc phải đối phó làm sao trước sự từ chối; thay vào đó, là ưu tiên tìm kiếm những ai sẽ đón nhận chúng ta và đón nhận được sứ điệp của Thiên Chúa mà với lý do đó, chúng ta được sai đi.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, “giũ cả bụi chân lại” sẽ giúp người môn đệ khiêm tốn tìm về nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa và Lời của Người; chỉ một mình Người là nơi nương tựa duy nhất trong sứ vụ; để từ đó, nhờ gia tăng cầu nguyện, họ có thể nhảy vào cõi vô bờ, sống trong tin yêu vào Lời Thiên Chúa và chính Người. Khi sai các môn đệ đi, Chúa Giêsu trang bị cho các ông hành trang của trời, điều mà trần thế không có; đó là quyền năng và Lời. Như thế mỗi người là một bình chứa sức thiêng và Lời. Bất cứ điều gì làm cho lòng người môn đệ bớt chỗ rỗng để chứa Lời, hãy giũ đi; nếu phải bận tâm mang theo gì thì tâm của họ đã bớt một chỗ của Lời; cũng thế, nếu người môn đệ quá bận tâm với lời ra tiếng vào, tim họ cũng bớt chỗ của Lời. Tóm lại, người môn đệ cần giũ bỏ bất cứ điều gì có hơi hám thế tục dính vào tâm mình; Lời Chúa là ngọn đèn rọi bước chân họ là vậy.

Sách Châm Ngôn hôm nay cũng nói đến Lời, “Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người”; người môn đệ sẽ tuyệt đối đặt mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa, “Xin chớ để con ăn mày, cũng đừng để con giàu có; xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng nói đến tầm quan trọng của việc người môn đệ phải đặt trọn niềm tin vào Lời, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước”, là ánh sáng chỉ đường con đi.

Anh Chị em,

Như vậy, trên bước đường sứ vụ, người môn đệ của Chúa Giêsu không thể tránh khỏi thực tế bị từ chối, thất bại, tổn thương và cô đơn. Cha Ron Rolheiser khuyên, đừng chạy trốn thất bại, cô đơn; đừng coi đó là kẻ thù; đừng tìm kiếm ai khác để chữa chạy ngoài một mình Thiên Chúa; hãy coi thất bại và cô đơn là cách thức dẫn chúng ta tới chiều sâu và lòng lân mẫn của Cha trên trời. Cha Ron Rolheiser đã tặng chúng ta một lời khuyên của Hafiz, một nhà thơ cổ xứ Ba Tư:

“Đừng hàng phục nỗi cô đơn nhanh đến vậy;

Hãy để nó cứa sâu hơn,

Hãy để nó lên men và làm cho bạn thêm dày dạn.

Vì rất ít người phàm và ngay cả hương vị thần thánh có thể làm được điều đó.

Một điều gì đó thiếu vắng trong trái tim tôi đêm nay, đã làm cho mắt tôi nên mềm mại,

Giọng nói tôi dịu dàng, và rõ ràng, tôi tuyệt đối cần đến Thiên Chúa hơn lúc nào hết”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con phó dâng cho lòng thương xót Chúa những ai từ chối con và sứ điệp con mang đến; con sẽ tiếp tục cầu nguyện cho họ. Phần con, mỗi khi bị từ chối và thương tổn, xin giúp con hiền lành và khiêm nhượng; cho con biết tìm về nguồn cội của mình là Lời Chúa và chính Chúa, để con cũng có thể đứng lên và đi tới”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)