Gọi tên những ân sủng

09/10/2022

“Còn chín người kia đâu?”.

Một bà mẹ quê ở tuổi 85, rất hiểu biết. Vào một buổi chiều, con trai bà điện thoại thăm bà. Như mọi khi, trước khi gác máy, bà không quên nói, “Cám ơn con!”. Vậy mà, ba tiếng “cám ơn con” chiều ấy cũng là lời cuối bà dành cho đứa con trai yêu. Và cho đến nay, mỗi ngày dâng lễ, đọc đến chỗ cầu cho các linh hồn, con trai bà không bao giờ quên cầu cho ba mẹ mình. Cũng công bằng thôi! Cậu ấy là Linh mục, một người luôn được mẹ dạy ‘gọi tên những ân sủng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Gọi tên những ân sủng!’, đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thì thầm với chúng ta. Vì nhiều lúc, chúng ta nhìn mọi sự ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ gần như là đương nhiên. Ấy thế, trong cuộc đời, không có gì là đương nhiên cả; mọi sự là hồng ân!

Một đôi khi, chúng ta có thể chậm chạp để ‘gọi tên những ân sủng’ đến với mình; chúng ta có thể hài lòng nhại lại với những gì mình thiếu hơn là những gì đã nhận được. Người ta thường viết trên cát những ân phúc và những xúi quẩy thì khắc vào cẩm thạch! Thật là xót xa, nhưng đó là một thực tế và cách nào đó, đây cũng là thái độ của chín người phong cùi được lành sạch vốn quá vô tình trong Tin Mừng hôm nay. Trước thái độ của họ, Chúa Giêsu tỏ vẻ ngạc nhiên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?”.

Chín người phong cùi được lành không đủ khả năng biểu lộ chí ít một chút biết ơn; có chăng cũng chỉ hời hợt, chiếu lệ và nông cạn không sâu quá làn da của họ. Dường như chỉ những lở loét bên ngoài nơi họ biến mất, còn bên trong, xem ra chẳng có gì thay đổi. Sau kinh nghiệm đắng cay của những năm tháng tật bệnh mà nay được lành, có lẽ họ sẽ quay về nếp cũ, thói cũ và thái độ cũ. Họ không rút ra một bài học nào từ những đớn đau quá khứ, và đây mới là điều tệ hại, nó tệ hơn cả chứng bệnh gớm ghiếc trước đó; tệ hại này có tên là “Vô ơn!”. Như tướng quân Naaman trong bài đọc thứ nhất, người Samari ngoại giáo đã quay lại để cám ơn và tôn vinh Chúa. Không chỉ lành lặn bên ngoài, anh được hồi phục bên trong; không chỉ thân xác, nhưng cả linh hồn; không chỉ thể lý, nhưng cả lòng tin. Đọc được điều đó nơi anh, Chúa Giêsu nói, “Anh hãy đứng dậy mà về, lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”.

Thánh Bênađô nói, “Sự vô ơn là bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và các tạo vật, là đập ngăn chặn suối nguồn với dòng sông”. Và chúng ta biết, “những lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta”; nuôi dưỡng nơi chúng ta lòng biết ơn. Vì thế, càng sống trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen, chúng ta càng được Chúa ban ơn. Và vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn!

Anh Chị em,

“Còn chín người kia đâu?”. Sao họ không trở lại cám ơn Chúa? Vậy nếu quả hai tiếng cám ơn đã trở thành hiếm hoi trên môi miệng chúng ta, thì đây hẳn là một báo động đáng sợ; nó có thể là dấu hiệu của sự cạn kiệt tình Chúa, khô khốc tình người. Bởi lẽ, khi ơn nghĩa bị chối bỏ, thì sự ràng buộc và tình liên đới cũng trở nên mong manh; tình người bị coi thường, niềm tin tôn giáo chỉ còn là một cái gì bên lề vốn còn thua cả thời trang. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta biết ơn trời, biết ơn người, hãy ‘gọi tên những ân sủng!’. Giữa bao hồng ân, hành động ngợi khen và tạ ơn tuyệt vời nhất đối với chúng ta là Thánh Lễ. Trên hết, trong Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành và ân sủng Chúa ban; đặc biệt, ân phúc lớn lao từ quà tặng của Con Thiên Chúa và tất cả những gì tuôn chảy từ đó. Việc chúng ta tham gia vào hành động tạ ơn tuyệt vời này, giúp duy trì trong chúng ta khả năng nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin với một lòng biết ơn sâu sắc nhất định ngay cả trong những nghịch cảnh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con hối tiếc về những gì người khác có mà con không có; cho con biết ‘gọi tên những ân sủng’, những gì đang dẫy đầy mà Ngài đã ban tặng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)