“Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc hôm nay nói đến sự nóng lòng. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy sự nóng lòng của Phaolô khi ngài muốn giới thiệu sự thật về Thiên Chúa cho những người Hy Lạp vốn rất sùng mộ thần minh. Đến Athêna thủ đô, Phaolô thấy các bàn thờ kính thần vô danh, ngài nói, “Đấng quý vị thờ mà quý vị không biết, tôi xin loan báo Người cho quý vị”.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng nóng lòng muốn các môn đệ nhận ra vai trò của Thánh Thần trong đời mình, “Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.
Thiên Chúa, Đấng vô cùng, nghĩa là không bao giờ cùng; vô cùng thì làm sao con người có thể hiểu thấu. Càng đến với Người, con người càng cần sự soi dẫn của Người; càng được soi dẫn, lại càng phải kiếm tìm Người hơn. Ai sẽ giúp chúng ta làm công việc đó nếu đó không phải là Chúa Thánh Thần.
Chúng ta chỉ có thể viết nên cuộc đời mình trong “bàn tay viết lách và luôn làm trổ sinh” của Chúa Thánh Thần. Hãy dành chỗ cho Ngài, chính Ngài sẽ thổi, sẽ hoạ nên những kiệt tác, những nét rồng bay phượng múa mà chúng ta sẽ không bao giờ ngờ tới. Nhưng trước hết, chính Ngài sẽ giúp chúng ta chỗi dậy và sống lại từ những gì chết chóc, những gì hạn hẹp của mình; bởi lẽ, trong mỗi người, có quá nhiều thứ hoại tử trong đời sống và nơi linh hồn.
Vai trò kín đáo của Chúa Thánh Thần trong đời sống sẽ giúp người Kitô hữu hoàn thành công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và hoàn thiện bản thân; đồng thời, trợ lực để họ khám phá những chân trời mới, ở đó, Ngài cũng muốn chúng ta thổi vào những làn gió mới của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần cũng rất nóng lòng để làm sao mọi việc lành phúc đức của chúng ta có một giá trị thật, giá trị mang tính cứu độ vĩnh cửu. Khi chúng ta cầu nguyện, hy sinh; khi chúng ta ngợi khen, làm chứng; khi chúng ta thực thi bác ái, thương người; nhịn nhục hay tha thứ; xua tan bất hoà, xây dựng hiệp nhất… thì chính Chúa Thánh Thần là tác nhân và là động năng giúp cho những công việc đó hoàn thành và mang một chiều kích cứu độ vĩnh cửu.
Chuyện kể về một thiếu nữ công giáo nghèo có tên là Sophie Berdanska. Cô được một gia đình Do Thái thuê về chăm sóc cho mấy đứa con của họ. Nhưng ngay ngày đầu tiên, khi biết cô là người công giáo, ông chủ đặt điều kiện là “Cô không được giảng đạo” cho các trẻ. Cô nhận lời và bắt đầu công việc của mình với hết khả năng và tình thương. Trên cổ cô luôn đeo một chiếc huy chương của cha cô, bên trong có một bí mật mà cô nhất định không cho ai biết. Ngày kia, lũ trẻ lâm bệnh, cô ra sức chăm sóc, phục vụ và ngay lúc chúng lành thì cũng là lúc cô ngã bệnh và từ trần. Giờ đây người ta có thể đọc được bí mật trong tấm huy chương, “Khi người ta cấm tôi nói về đạo, tôi quyết sống đạo như một chứng từ hùng hồn nhất”. Bàng hoàng và cảm phục, cả gia đình Do Thái xin trở lại.
Anh Chị em,
Gió muốn thổi đâu thì thổi; cũng thế Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Hội Thánh, trong thế giới, trong môi trường Chúa đang đặt để mỗi người, dù đó là một môi trường khiêm tốn; thế nhưng, cũng là môi trường không ai có thể thay thế.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa thật đáo để khi vừa chữa lành vừa sai con đi; cho con làm được điều này điều kia nhưng nhìn lại, hoá ra Chúa làm tất cả. Xin cứ dùng con như một khí cụ của Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)