“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Spurgeon nói, “Có vẻ lạ lùng khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho chính họ, nhưng lại nghĩ rất ít về những gì Ngài đã làm cho người khác. Hãy vui với người khác, nói về những ơn lành tha nhân lãnh nhận; hãy ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng!’. Đó cũng là những gì chúng ta gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Người anh cả tỏ ra bất bình trước bữa tiệc cha mình dành cho đứa con hoang đàng trở về. Như vậy có công bằng không khi người cha đó dường như chưa bao giờ cho anh ta một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học cách mừng vui như cha anh vui mừng!’.
Chúng ta dễ sống theo cách luôn muốn mọi thứ phải “công bằng”. Và khi nhận thấy người khác nhận được nhiều hơn mình, chúng ta có thể tức giận và cay đắng. Nhưng hỏi liệu điều này có công bằng không, thì đây không phải là câu hỏi đúng! Lòng quảng đại và lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt xa những gì được coi là công bằng; và nếu bạn muốn chia sẻ lòng thương xót bao la của Ngài, bạn phải học cách mừng vui như Ngài vui mừng trong lòng thương xót hải hà đó.
Trong câu chuyện này, hành động thương xót dành cho đứa con ương ngạnh của người cha chính là điều mà người anh cả cần. Anh cần biết rằng, bất kể con thứ đã làm gì trong quá khứ, cho dẫu nó đòi chia gia tài, khác nào nó mong cha chết, vì tài sản thừa kế chỉ được ban tặng sau khi cha mẹ của một người qua đời; cho dẫu nó coi mình là trung tâm dẫn đến việc cố gắng tìm kiếm hạnh phúc ở bất cứ đâu, ngoại trừ một nơi mà nó thực sự được tìm thấy: Cha! Dẫu vậy, cha nó vẫn yêu nó và vui mừng khi nó trở về. Vì vậy, nó rất cần lòng thương xót, không chỉ của cha, nhưng của anh mình nữa, để có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.
Người anh cả đã chung thủy suốt bao năm cũng không bị đối xử bất công chút nào! Sự bất mãn của anh đến từ việc bản thân anh thiếu lòng thương xót dồi dào như cha mình. Anh không thể yêu thương đứa em ở mức độ tương tự; và do đó, đã không thấy được sự cần thiết phải đưa ra lời an ủi cậu em như một cách giúp nó hiểu rằng, nó đã được tha thứ và được chào đón trở lại. Lòng thương xót rất đòi hỏi, vượt xa những gì thoạt đầu chúng ta có thể coi là công bằng. Nếu muốn nhận được sự thương xót dồi dào, chúng ta cũng phải sẵn sàng và sẵn lòng trao tặng cho ai cần đến nó nhất, bằng việc ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’.
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”, cũng là Đấng mà ngôn sứ Mikha trong bài đọc một xác tín, “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Đấng sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển”.
Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân từ và rộng lượng như thế nào, đặc biệt là đối với những người dường như không xứng đáng với điều đó. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, cuộc sống ân sủng không phải là công bằng; ân sủng hào phóng đến mức gây sốc! Hãy dấn thân vào lòng quảng đại sâu xa này đối với tất cả mọi người, nhất là những ai đang bị tổn thương; đồng thời, tìm cách thức mà bạn có thể ủi an người khác bằng lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu bạn làm thế, ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’, tình yêu thương quảng đại đó cũng sẽ ban phước dư dật cho lòng bạn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con biết ơn mãi mãi về lòng nhân ái của Chúa, cho con ‘học cách mừng vui như Thiên Chúa vui mừng’, và tỏ bày lòng thương xót đó cho những ai đang cần nhất!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)