“Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống;
Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất thú vị khi cùng với các nhân vật của cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’ với lời Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.
Sách Các Vua tường thuật câu chuyện tướng quân Naaman ao ước gặp Êlisê, ông khát khao được chữa lành; thoạt đầu, ông thất vọng và không tin. Ông quá cao ngạo, ông nghĩ, với vai vế của ông, vị ngôn sứ sẽ ra đón gặp và chữa bệnh cho ông; ông vẽ ra trước mắt mình một vị ngôn sứ theo ý ông. Nhưng về sau, nhờ người khác thuyết phục, ông không chỉ được chữa lành nhưng còn nhận biết và quy phục Thiên Chúa, “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”. Qua Êlisê, Naaman đã ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, người cùng quê với Chúa Giêsu đã quá kỳ vọng vào những phép lạ Ngài làm, nhưng Ngài không chiều họ. Họ mong chờ một Đấng mang lại lợi lộc; thế nhưng, điều quan trọng là nhận biết Ngài, Đấng được sai đến. Qua Chúa Giêsu, họ phải ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’.
‘Một Ai đó’ chính là Chúa Trời mà lời đáp ca tuyên xưng, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”. Tuyệt làm sao nếu cơn khát Chúa Trời được no thoả! “Khao khát” ở đây, một từ ngữ ít được sử dụng, nhưng bản thân nó rất đáng để suy gẫm. Nó cho thấy một cơn khát không chỉ bị dập tắt bởi Chúa Trời, mà còn bởi “Chúa Trời hằng sống!”; và được “bệ kiến tôn nhan”, nghĩa là được ‘nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Trời’.
Chúng ta thường khao khát một điều như vậy được bao lâu; chúng ta có thường để lòng khao khát Thiên Chúa bùng cháy trong tâm hồn mình không? Chưa có điều đó, chắc chắn chúng ta phải cầu xin để ‘học khát khao’ cho bằng được. Trong cuộc sống, chúng ta khát khao điều gì? Chúng ta sẽ hoàn thành câu hỏi đó như thế nào? “Linh hồn con khao khát…?”. Để làm gì? Chúng ta thường khát khao những thứ giả tạo và tạm bợ; cố gắng rất nhiều để được hạnh phúc, nhưng rất thường xuyên, chúng ta hụt hẫng. Nhưng nếu có thể ‘học khát khao’ ‘điều cốt yếu’, nghĩa là để cho trái tim mình bùng cháy với cơn khát ‘điều cốt yếu’, điều mà vì nó, chúng ta được tạo thành, thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. ‘Điều cốt yếu’ ấy chính là Thiên Chúa, là “Chúa Trời hằng sống’.
Nếu Thiên Chúa được đặt ở trung tâm của mọi khát khao, chúng ta sẽ thực sự bắt đầu “bệ kiến tôn nhan” ở đây và ngay bây giờ. Chỉ cần nhìn thoáng vinh quang Người, chúng ta sẽ no thoả đến mức nó biến đổi toàn bộ cách nhìn của chúng ta về cuộc sống; cho chúng ta một hướng đi rõ ràng và vững chắc trong tất cả những gì chúng ta làm. Mọi mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, mọi quyết định sẽ được điều khiển bởi Thánh Thần, mục đích và ý nghĩa của cuộc sống sẽ được khám phá.
Một linh mục già sống đời ẩn dật, linh hướng cho một dòng nữ. Vị ẩn sĩ này đã sống một cuộc đời rất thầm lặng trong cô tịch, chay tịnh, cầu nguyện, nghiên cứu và làm việc suốt cả cuộc đời. Cuối đời, người ta hỏi ngài đã tận hưởng cuộc sống làm sao. Không chút do dự, với khuôn mặt rạng rỡ, tràn ngập một niềm vui sâu lắng, ngài chia sẻ, “Vinh quang cuộc sống Chúa ban! Mỗi ngày, tôi đang chuẩn bị chết”. Trọng tâm cuộc đời vị ẩn sĩ là tập trung vào khuôn mặt của Thiên Chúa và không có gì khác thực sự quan trọng. Điều ngài ngóng trông mỗi ngày là khoảnh khắc được Phúc Kiến và nhìn thấy Chúa Trời mặt đối mặt. Chính ý nghĩ về điều này đã giúp ngài vui sống ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác; ngài dâng lễ, kinh nguyện và thờ phượng Thiên Chúa để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ vinh quang này.
Anh Chị em,
Những ngày Mùa Chay, chúng ta ‘học khát khao’, tưởng nghĩ về ‘cơn khát’ của mình. Như vị linh mục già, Giáo Hội mời chúng ta dừng lại để chiêm ngắm khuôn mặt đầy máu, rách nát của Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu ra, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ là Đấng đang yêu chúng ta đến như thế. Hãy khao khát được cung chiêm khuôn mặt Ngài; chiêm ngắm Ngài trong Thánh Thể; lắng nghe Ngài trong Tin Mừng; nên giống Ngài trong việc làm và chúng ta sẽ không bao giờ muốn rời khỏi hướng đi mà khao khát này đã dẫn chúng ta đến.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con ‘học khát khao’, cho con thoáng thấy sự rạng ngời vinh quang Chúa; và ước gì thánh nhan Ngài là trung tâm đời sống của con. Chớ gì mọi sự đời con được cuốn hút vào cơn khát cháy bỏng này và con có thể đắm chìm trong niềm vui của hành trình này”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)