“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay tường thuật một thách thức khác người ta đặt ra cho Chúa Giêsu. Từ sách Ngũ Thư, người Sađốc không đọc thấy một câu nào nói đến sự sống lại, nên dựa vào một khoản luật Môisen, họ đặt ra một câu chuyện lố bịch nhằm đặt bẫy hại Ngài. Khoản luật đó nói nếu một người đàn ông chết không có con nối dòng, thì một trong các anh em trai của y phải cưới lấy người vợ goá đó; và họ đặt vấn đề ngày sau sống lại, người đó sẽ là vợ của ai?
Mỉa mai thay, Chúa Giêsu lại cao cơ trích Ngũ Thư để giải thích sự sống lại bằng chính shema họ đọc mỗi ngày, “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob” là Thiên Chúa hằng sống cũng là lời kinh tuyên xưng niềm tin độc thần của người Hồi Giáo.
Ngài khôn khéo giải thích cho họ hiểu rằng, tình trạng của kẻ sống lại là tình trạng của một cuộc sống khác hẳn cuộc sống dương thế, không còn cưới vợ lấy chồng; cuộc sống ấy thánh thiện như các thiên thần. Ngài cũng chứng minh sống lại là điều hợp lý, vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống và chỉ kẻ sống mới hưởng được tình yêu Người. Để có thể hiểu những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta được mời gọi “Hãy thả mình vào trong cung lòng của Thiên Chúa” một cách vô điều kiện như cha Karl Rahner nói.
Theo Chúa Giêsu, niềm tin vào sự sống lại của chúng ta được đính, được móc… tận chóp đỉnh trên chính bản tính hằng sống của Thiên Chúa; vì Người hằng sống, đời đời, nên tình yêu của Người cũng sẽ đời đời như Người, “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” như Thánh Vịnh đã tuyên xưng. Vì thế, chính tình yêu đời đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi cho dù phải chết. Người yêu thương chúng ta, đang yêu thương và sẽ yêu thương chúng ta mãi mãi. Từ đó chúng ta hiểu được những lời mạnh mẽ đầy thuyết phục của Chúa Giêsu hôm nay, “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”.
Một bà mẹ mang thai đôi, một gái, một trai. Ngày tháng trôi mau, chúng lớn dần. Càng lớn, chúng càng vui mừng hát ca, “Có được sự sống thật là tuyệt vời”. Thám hiểm lòng mẹ, chúng tìm thấy chiếc nhau nên sung sướng la lên, “Mẹ thương chúng ta biết bao đến nỗi đã thông chia cho chúng ta sự sống”. Không lâu, hai đứa bắt đầu đặt vấn đề. Đứa trai hỏi, “Chúng ta có thể ở mãi đây được không?”; “Chắc không, cuộc sống này hẳn sẽ chấm dứt”, đứa gái trả lời. “Nhưng mình không muốn rời lòng mẹ, mình muốn ở đây mãi”; “Mình đâu có lựa chọn, biết đâu sẽ có đời sống sau khi sinh”, đứa gái trả lời. “Làm sao tách khỏi cái nhau của mẹ mà sống nổi? Hơn nữa, có những chứng cớ rõ ràng là có những đứa đã sống ở đây trước mình và chưa đứa nào trở lại đây nói cho mình biết là có sự sống sau khi sinh. Không được đâu, đến đây là chấm dứt” và đứa trai tuyệt vọng… “Ôi, nếu đời sống trong bụng mẹ chấm dứt bằng cái chết, thì mục đích và ý nghĩa của đời sống đó là gì? Có lẽ mình không có mẹ, có lẽ mình chỉ bịa ra người mẹ để cảm thấy an tâm”. Đứa gái bình tĩnh nói, “Phải có mẹ, vì làm thế nào chúng ta vào đây được? Làm thế nào chúng ta sống được?”. Những ngày sau hết trong dạ mẹ là những ngày chúng đầy thắc mắc và lo sợ. Sau cùng, giây phút chào đời đã đến. Hai đứa mở mắt nhìn, chúng oà khóc vì sung sướng. Những gì chúng thấy còn hơn cả ước mơ.
Anh Chị em,
Câu chuyện của hai hài nhi cũng là câu chuyện của chúng ta hôm nay khi nghĩ đến đời sau.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để ai bảo rằng, con duy vật. Xin cho con sống làm sao để ai gặp con, họ không chỉ biết có Chúa nhưng còn biết rằng, có cả đời sau”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)