“Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật những giờ cuối đời của thánh Têphanô. Trước khi bị hành hình, vị tử đạo tiên khởi đã nói với những người Do Thái sẽ ném đá ngài như thế, “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Vị phó tế đã ngước mắt lên trời, thấy trời mở ra, chiêm ngưỡng Con Đức Chúa Trời ngự bên hữu Người, Chúa Trời hằng sống.
“Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” là Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đang nói với những người đương thời khi họ thách thức Ngài, yêu cầu Ngài làm một dấu lạ như dấu lạ manna Môisen làm thuở xưa. Xem ra họ muốn nói, ‘Ông hãy làm như Môisen đã làm đi’ và Chúa Giêsu khẳng định, không phải Môisen đã cho cha ông họ bánh bởi trời nhưng chính Chúa Cha đã ban cho dân bánh bởi trời. Người sẽ ban cho họ một bánh bởi trời khác; bánh đích thực hơn, vĩnh cửu hơn là chính Con Một Người, Đấng đang nói với họ. Manna, bánh cho sự sống tạm thời thuở Cựu Ước là hình bóng của Giêsu, bánh cho sự sống đời đời thời Tân Ước, “Chính Cha tôi sẽ cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực”, bánh cho trần gian được sống và sống dồi dào. Bánh mới này không là bánh vật chất để tránh cái đói, nhưng là bánh làm no thoả cơn khát sâu thẳm nơi trái tim, nơi linh hồn, trong tâm can mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tặng ban.
Nghe đến đó, những người thời Chúa Giêsu liền mở miệng xin cho được bánh ấy, “Xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Một lời khẩn xin đáng cho chúng ta ao ước.
Một trong những ký ức không chịu ngủ yên của tôi về tuổi thơ đó là trò chơi làm lễ. Tôi còn nhớ đó là một trò chơi thánh thiện dễ thương được lặp đi lặp lại nhiều lần vào thời thơ ấu với các anh chị em trong nhà. Có lẽ vì nhà tôi ở nông thôn không có gì nhiều để chơi, cũng có thể do bầu khí tốt lành được dưỡng dục; vì thế, thánh lễ là một trò chơi tuyệt vời. Tôi không biết lúc ấy mình mấy tuổi nhưng vẫn nhớ rất rõ, tôi đã khoác lấy chiếc khăn trùm của bà ngoại hoặc khăn quàng cổ của mẹ để làm áo lễ; và hấp dẫn nhất đó là những gì sẽ được dùng để làm Mình Thánh Chúa. Nào chuối, nào khoai, nào mướp, nào cà… chín càng tốt mà sống cũng không sao; tất cả được xắt lát tròn tròn như bánh lễ; những lúc kẹt ‘bánh lễ’, tôi phải cắt đọt chuối lú nhú trắng phêu dài thườn thượt ở những gốc chuối có sẵn trước hiên nhà mà ngày nào cũng có sau khi mẹ hay các chị đã xắt dở, vằm ra, trộn với cám để nấu cho heo ăn. Và thánh lễ bắt đầu. Tôi không nhớ thánh lễ của các thiên thần thuở xa xưa ấy đã mở đầu ra sao, đọc kinh gì, có sách hay không có sách; nhưng tôi nhớ rất rõ phần rước lễ là phần trang trọng nhất. Mỗi khi tôi cung kính đưa chuối, đưa khoai lên và đến trước mặt từng người đang có mặt rồi nói “Mình Hánh Úa I Ô” chớt chát ngọng nghịu thì người ấy phải lập tức thưa Amen và rước trên lưỡi như thật; ngon thì nhờ, ít ngon thì chịu; cố nhai mà nuốt. Những ai cười và nói chuyện là ‘cha’ nghiêm khắc đưa ngón tay nhỏ lên quơ quơ bảo, “Nói uyện, công được ước Úa”. Ôi, đẹp như tranh vẽ, trò chơi thần tiên của các thiên thần.
Anh Chị em,
Liệu các thiên thần nhỏ hôm nay có được những trò chơi tương tự thay cho những chiếc điện thoại mà người lớn dấm dúi vào tay các em để chóng yên cửa yên nhà. Và trong những ngày không đến nhà thờ, liệu chúng ta có khao khát thánh lễ để được rước Chúa không.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết đói Chúa; và biết rằng, Chúa cũng đang khát cả linh hồn con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)