“Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay toát lên một cảm nhận kép của ‘hiệp nhất và yêu thương’ cùng lúc với ‘gây sốc và khó chịu’. ‘Hiệp nhất và yêu thương’ khi Chúa Giêsu nói, “Thầy là cây nho, các con là cành”; nhưng ‘gây sốc và khó chịu’ khi Ngài thêm, “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”. Vậy mà suy cho cùng, đây là một lời nhắc nhở tuyệt vời! Và còn hơn cả lời nhắc nhở, đây là một chân lý sống còn của người môn đệ Chúa Kitô; chân lý này bất ngờ đưa chúng ta đến hai tâm tình quý hơn vàng, đó là ‘khiêm hạ và tạ ơn’.
Để diễn tả mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh thân nho và cành nho, một hình ảnh trìu mến và không ít lãng mạn. Thế nhưng, thoạt nghe, “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”, thì dường như có một điều gì đó gây tổn thương; một sự tổn thương ở lòng tự ái của chúng ta và tổn thương này lại dẫn đến những phản ứng tiêu cực với lời nhắc nhở. Chúng ta không làm gì được nếu không có Chúa, có phải là một sự thật không? Nói như thế, có quá lắm không? Rõ ràng, câu trả lời cho điều này là “Có”; vì Chúa Giêsu không bao giờ nói dối, và Ngài cũng không khoác lác. Chúng ta không thể làm gì được nếu không có Chúa! Để minh hoạ, Ngài đưa ra một ví dụ tượng hình dễ hiểu, “Cũng như cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy”.
Trên thực tế, nếu Thiên Chúa lãng quên chúng ta trong một khoảnh khắc, nào ai sẽ có thể tồn tại. Ngay cả sự tồn tại cũng phụ thuộc vào Thiên Chúa; khi Ngài tiếp tục trong ý chí của Ngài rằng, chúng ta tồn tại; vì thế, chúng ta tồn tại. Đó là chưa nói đến việc làm điều lành, tạo nên một sự khác biệt, sống một cuộc sống hữu ích… chúng ta lại càng không thể đạt được, nếu không có ân sủng của Ngài. Vì thế, dẫu “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!” có thể khó nghe, nhưng nếu ngẫm nghĩ thường xuyên một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ xác tín và nắm bắt sự thật này. Và hậu quả sẽ là hai tâm tình tốt lành xảy ra bên trong chúng ta, đó là ‘khiêm hạ và tạ ơn’.
Trước tiên, chúng ta sẽ trưởng thành trong sự khiêm hạ. Khiêm hạ hay khiêm nhường là “Mẹ của các nhân đức”; bởi lẽ, từ nhân đức này, các nhân đức khác sẽ trào tuôn. Khiêm hạ giúp chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa là tất cả và chúng ta cần Ngài với 100% nhu cầu. Khiêm nhường cho phép chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự và mời Ngài đi sâu vào mọi ngõ ngách đời mình.
Tâm tình thứ hai sẽ xảy đến khi chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa, đó là chúng ta sẽ lớn lên trong lòng biết ơn. Khi biết Thiên Chúa là tất cả ‘và lúc ấy’, chúng ta bắt đầu cảm nhận, chính Ngài đang tuôn đổ liên lỉ ân sủng này đến ân sủng khác trong cuộc sống của chúng ta; bấy giờ, tâm tình thích hợp duy nhất của chúng ta sẽ là “Tạ ơn”. Chúng ta sẽ biết ơn Chúa về mọi điều vì chúng ta nhận ra rằng, mọi sự tốt đẹp đều là quà tặng đến từ Ngài.
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ và thư thánh Gioan hôm nay cũng cho thấy điều đó. Hội Thánh sơ khai sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’ khi nhận ra ân huệ Thánh Thần và bình an của Chúa Phục Sinh đang ở với họ. Trong niềm kính sợ Chúa, các Kitô hữu đón nhận nhau trong yêu thương; các tông đồ đón nhận Phaolô nhờ sự giới thiệu của Barnaba… Và Hội Thánh bình an hoan hỷ như Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ, “Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội”.
Trong những ngày hôm nay, bao nhiêu anh em Ấn Độ đang chao đảo vì dịch bệnh. Họ đang đứng bên bờ vực tử thần; có người bi quan nói, “Không ai trong chúng tôi mà không dương tính với Corona”. Ranh giới giữa sống và chết của họ thật mong manh. Biết bao nhiêu người đang chạy khắp các thành phố để tìm mua bình Oxy; lý do, một số bệnh viện chỉ đón bệnh nhân khi người nhà mang theo Oxy. Vậy Oxy chúng ta đang hít thở từng giây đến từ đâu nếu không phải từ Thiên Chúa! Khí trời nuôi dưỡng thể xác cần đến thế, phương chi là Thần Khí nuôi dưỡng tâm linh!
Anh chị em,
Cành nho chỉ tồn tại và sinh trái khi được gắn liền với thân nho. Mỗi người chúng ta cũng chỉ tồn tại khi biết gắn liền với Chúa Kitô; nói cách khác, sự sống của Chúa chính là sự sống của chúng ta. Chúng ta là người phàm nhưng đang sống cùng, sống cho, sống với và sống nhờ sự sống thần linh của Ngài. Sống bởi sự sống của Ngài, chúng ta sinh hoa kết trái, đó là các tố chất thuộc phẩm tính thần linh. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa cho con nhận thức được sự bất lực của con. Xin cho con luôn sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’ và đừng bao giờ để mình bị bứt ra khỏi Chúa, bởi Chúa là nguồn sống của đời con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)