“Phaolô bị ném đá, người ta tưởng ngài đã chết nên họ lôi ngài ra ngoài thành”;
“Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sách Công Vụ Tông Đồ kể chuyện sống chuyện chết của Phaolô mà mới nghe qua, người ta tưởng như bỡn cợt. Tưởng ngài đã chết, họ lôi Phaolô ra ngoài thành; ngài bò dậy, lết vào thành. Và như không có chuyện gì xảy ra, hôm sau, cùng Barnaba, Phaolô sang Đerbê rao giảng, rồi qua Lystra, Icôniô, Antiôkia, Pisiđia, Pamphylia… củng cố các giáo đoàn. Sau khi giảng dạy tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó lấy tàu về Antiôkia. Vậy thì phải có một sức mạnh tâm linh nào đó khiến vị tông đồ có thể thanh thản và bình an một cách lạ thường đến như vậy. Công Vụ Tông Đồ nói, Hội Thánh sống trong bình an của Chúa dù vẫn bị bắt bớ và bách hại.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến bình an, một bình an khác với bình an thế gian ban tặng, “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”.
Trong tiếng Tàu, bình an được viết thế này 平安. Ở đây, “bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hoà, hoà hợp; “an”, theo cách viết tượng hình là “một người nữ ở trong nhà”, một phụ nữ dưới hai mái nhà có nghĩa là được bảo vệ, an toàn. Như thế, bình an nói lên một cái gì bên trong, một tình trạng nội tâm, một trạng thái tâm hồn; hoà bình, chỉ nói lên trạng thái bên ngoài như không còn chiến tranh, xung đột, gươm giáo và súng đạn. Vì thế, có hoà bình, chưa chắc đã có bình an.
Cuộc sống con người đan dệt bởi yêu thương và thử thách; ở đó, nước mắt hòa lẫn tiếng cười. Thế nhưng, những khoảnh khắc của thất tình lục dục ấy lại là cái làm nên cuộc sống, một cuộc sống gian trần vốn chẳng mấy lý tưởng như Nguyễn Công Trứ đã mỉa mai, “Thoắt sinh ra thì đà khóc choé, trần có vui, sao chẳng cười khì?”.
Đức Thánh Cha Phanxicô thì nói, “Bình an đích thực là bình an mà chúng ta không tự có nhưng đó là quà tặng của Thánh Thần. Vắng bóng thập giá, sẽ không phải là bình an của Chúa Giêsu. Bình an của thế gian chỉ là thuốc gây mê khiến chúng ta không nhìn thấy thập giá. Bình an thế gian mê hoặc chúng ta, khiến chúng ta không còn nhìn thấy thực tế của cuộc sống. Cuộc sống là thế, có đau khổ, có bệnh tật, có nhiều điều xấu, có chiến tranh… nhưng giữa những điều ấy, có bình an như là quà tặng. Cùng với bình an ấy, chúng ta vác lấy thập giá và tiếp tục tiến bước”.
Nhà thơ Pháp, Paul-Marie Verlaine thì nói, “Tuổi thơ con hân hoan vui mừng. Chào đời, con được chúc phúc, yêu thương và chiều chuộng; con tín thác, hồn nhiên, không thoáng bận tâm cho đến khi muôn vàn cay đắng phủ trùm… khác chi giông bão húc càn và con tý chút nữa sa xuống vực thẳm. Phần con, phải nói rằng, những cảm giác sợ hãi đó đã làm con ngã quỵ. Thế mà, lạy Chúa từ nhân, khi Chúa đến, mọi sự lại đâu vào đó, Ngài đặt con vào chỗ an toàn. Đem cho con gian nguy khốn khó nhưng cũng chính Ngài cất khỏi con những đoạn trường lao đao. Ngài trừng phạt con với cực hình cùng tột. Vâng, linh hồn đáng thương của con đã nghĩ như thế. Nhưng không, vì Ngài đã kịp ném cho con cây sào, cứu con khỏi dòng nước cuốn trôi”.
Anh Chị em,
Thánh Phaolô quả quyết, “Chúng ta phải vào Nước Thiên Chúa với rất nhiều gian khổ”. Bình an của Chúa là bình an của một Giêsu Phục Sinh với lỗ đinh ở tay và dấu đòng ở sườn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ngày con giọt vắn giọt dài, hay cả lúc con tàn hơi, chớ gì môi con vẫn mấp máy, ‘Chúa vẫn mãi mãi yêu thương con’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)