Không biết mình được viếng thăm

16/09/2020

Nhiều người phi thường bị coi là tầm thường trước khi được chấp nhận. Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh những 40 năm trên truyền hình, truyền thanh Mỹ, viết 73 cuốn sách, từng bị một giáo sư chê bai, “Anh đúng là diễn giả tồi nhất mà tôi từng gặp”; Ernest Hemingway, một tiểu thuyết gia bậc thầy, từng bị thầy giáo miệt thị, “Hãy quên việc viết lách đi! Anh không đủ khả năng để làm việc đó”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Hồng Y Fulton Sheen và Ernest Hemingway thoạt đầu phải thất vọng vì những định kiến của các thầy mình, Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy nỗi thất vọng của Chúa Giêsu trước những định kiến của người đương thời khi họ cứng lòng không đón nhận sứ điệp của Gioan Tiền Hô, cũng như không chấp nhận sứ vụ của Ngài. Ngài ví họ như lũ trẻ ngoài chợ vốn bất nhất, thất thường, điều mà các nhà tâm lý thời nay gọi là ‘thái độ bạo chúa của trẻ lên hai’; họ cho Gioan là bị quỷ ám, và gọi Chúa Giêsu là mê ăn uống. Họ đã không nhận biết ‘giờ được Thiên Chúa viếng thăm’.

Thói quen thường xuyên sàng lọc thực tế thông qua những định kiến của bản thân có thể khiến chúng ta từ chối sứ điệp của Thiên Chúa và ngày giờ Người viếng thăm. Thay vì để mình được định hình theo tiêu chí của Người, chúng ta lại khéo tìm cách đặt Thiên Chúa ngay ngắn trong thế giới tự tạo và thiết định trước của mình.

Trong đời sống ơn gọi hay ngay cả trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, chính sự bất nhất nơi mỗi người dẫn chúng ta đến việc chối từ Thiên Chúa khi Người viếng thăm. Thành kiến khiến chúng ta mất kiên định, định kiến khiến chúng ta mất khả năng đi trọn con đường thiêng liêng của mình; chúng ta sẽ xa rời mục tiêu hoặc thậm chí, gãy gánh giữa đường. Không quan trọng việc đi theo con đường khổ chế của các môn đệ Gioan hay sự phóng khoáng dễ thấy của các môn đệ Chúa Giêsu; điều quan trọng là liệu chúng ta có đi trọn con đường mà Thiên Chúa đã định cho đấng bậc của mình không. Bao lâu chúng ta còn tiến tới, bấy lâu Thiên Chúa còn dẫn bước; nếu chúng ta không dịch chuyển, Thiên Chúa không có gì để dẫn dắt. Trong thực tế, việc chúng ta chỉ muốn ngồi chờ một số “điều kiện hoàn hảo” như thần thoại, điều đó chỉ cho thấy sự bất nhất và thiếu cam kết nơi mỗi người.

Sự khôn ngoan là quà tặng của Thánh Thần; nhờ Thánh Thần, chúng ta biện phân để nhận biết và thấu hiểu các thực tại thiêng liêng cũng như các sứ giả được Thiên Chúa gửi đến; qua đó, chúng ta nhận biết chính Thiên Chúa đang viếng thăm mình. Sự khôn ngoan của Thánh Thần giúp chúng ta vô tư và quân bình trong các phán đoán và đánh giá; từ đó, đưa ra những quyết định đúng đắn và sống theo chúng; đó cũng là những gì Thiên Chúa đang chờ mong. Người chờ mong những con người đầy tình mến, đầy sức sống và luôn kiên định. Đó cũng là điều Thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay, “Đức mến thì kiên tâm, nhân hậu; bác ái, không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả”.

Chúa Giêsu đã sống trọn tình yêu với tất cả phẩm tính mà Thánh Phaolô nêu ra; Ngài say mê Chúa Cha và say mê con người đến nỗi hoá mình trở thành người và hoà mình với con người khi đồng bàn với phường tội nhân. Thế nhưng, Ngài đau đớn vì sự cứng lòng, bất nhất của những người ‘đạo đức’ đương thời, những kẻ không nhận ra vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và giờ ngày họ được viếng thăm. Đây không phải là một vở kịch vốn chỉ xảy ra trong lịch sử và kết thúc với Chúa Giêsu; đây là một bộ phim truyền hình nhiều tập, bộ phim cuộc đời mỗi người. Mỗi chúng ta có thể tự hỏi, “Làm thế nào tôi nhận biết thời gian tôi được Thiên Chúa viếng thăm?”, vì rằng, mỗi chúng ta đều có thể rơi vào sự cứng lòng như Israel, như Giêrusalem, như người đương thời với Chúa Giêsu vì đã không nhận biết ‘giờ được viếng thăm’. Mỗi ngày Chúa đến thăm chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta qua Thánh Lễ, qua cầu nguyện, qua các biến cố, qua những con người… Tôi có cảm nhận được lời mời nào, nguồn cảm hứng nào để gần Chúa hơn, sống bác ái hơn hay cầu nguyện nhiều hơn một chút không?

Anh Chị em,

Mc. Kenzie nói, “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính; người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi”. Với một tâm hồn chân thật, một con tim mềm mại, một ý hướng ngay lành và một ý chí kiên định, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm; đồng thời, dễ dàng nhận biết sứ điệp của Người qua mọi con người, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, kể cả các tai nạn và cái chết.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ơn Chúa qua đi, không bao giờ trở lại; xin đừng để con không múc được một ân huệ nào vào giờ Chúa viếng thăm”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)