Không con chiên nào bị mất, chỉ có con chiên phải được tìm lại

24/06/2022

“Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc!”.

Con chiên lạc của dụ ngôn Tin Mừng là một con chiên trưởng thành, không thể là con cừu non, vì cừu non thường quấn quýt mẹ! Vì thế, người chăn chiên quyết tâm tìm nó bằng được. Tại sao? Vì nếu nó đi lạc, những con khác sẽ lạc theo nó; và những con cừu non sẽ phải trả giá khủng khiếp! Bạn còn nhớ câu chuyện “Con Cừu của Panurge”; nó lao xuống biển, cả đàn cừu lao theo! Vì thế, với người chăn chiên, bất cứ giá nào, nó phải được tìm lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, đối với Chúa Giêsu, “Bất cứ giá nào, nó phải được tìm lại!”. Phụng vụ Lời Chúa lễ Thánh Tâm hôm nay cho thấy tấm lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa; Ngài yêu thương chúng ta với một trái tim nhân ái hiền hoà; nhưng thật bất ngờ, cũng là một trái tim đầy quyết đoán! Với Ngài, ‘không con chiên nào bị mất, chỉ có con chiên phải được tìm lại!’.

Trong tầm nhìn của Thiên Chúa, ‘không con chiên nào bị mất, chỉ có con chiên phải được tìm lại!’. Chúng ta cần hiểu rõ điều này! Với Chúa, không ai bị hư mất một cách dứt khoát. Không bao giờ! Đến phút cuối, Thiên Chúa vẫn tìm kiếm mỗi người. Hãy nghĩ về anh trộm lành! Ngài đeo đuổi, tìm kiếm, chờ đợi; và phút cuối, Ngài tìm được anh! Với Chúa Giêsu, không ai hư mất một cách dứt khoát. Trái tim mục tử luôn thôi thúc Ngài; giục giã Ngài tìm, cứu và đem về. Không có khoảng cách nào có thể giữ chân người mục tử; cũng không con chiên nào, đàn chiên nào, mà lại có thể từ chối một người anh em, một người bạn, một mục tử như Chúa Giêsu!

Bài đọc Êzêkiel hôm nay tiết lộ sự thật đó. Thiên Chúa hạ mình, ví mình như một mục tử, “Ta sẽ tìm con chiên đã mất, đem về con chiên lạc, băng bó con chiên bị thương tích, chữa lành con chiên ốm đau!”. Ngài không nhắc đến vất vả, xa xôi, nắng mưa. Hình ảnh Thiên Chúa như một mục tử từ tâm lại bộc lộ qua Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!”. Giêsu Kitô là Thiên Chúa Mục Tử trong hình hài con người; là sứ giả của tình yêu và lòng thương xót của Cha trên trời. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác tín, trong Chúa Giêsu, “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta!”.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, trái tim mục tử Giêsu luôn hướng về niềm vui, ‘niềm vui tìm được!’. Với Ngài, đó là ‘niềm vui thiên đàng!’. Niềm vui này lớn hơn nhọc mệt, sức khoẻ và thời giờ. Vì thế, Ngài đi theo chúng ta một quãng đường dài để đưa chúng ta về; Ngài sánh mình với một người lao động thấp hèn, hy sinh, xả thân. Ngài coi mạng sống của chiên trọng hơn mạng sống Ngài; Ngài hy sinh nó trên thập giá cho đoàn chiên. Không một đoàn chiên nào, dù lớn hay giá trị đến đâu, lại có thể đáng giá hơn một người chăn chiên; vậy mà, Mục Tử Giêsu đã không ngại cắm lều giữa chúng ta; Ngài không hề xa cách nhưng muốn xuống “sa mạc” của chúng ta để giải cứu mỗi người. Ngài không đòi sống xa hoa nhưng lại dựng lều giữa chiên, vì với Ngài, ‘không con chiên nào bị mất, chỉ có con chiên phải được tìm lại!’. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kỷ niệm sự gần gũi của Chúa Con, một mục tử vừa là người thật, cũng là Thiên Chúa thật!

Anh Chị em,

“Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc!”. Lời Chúa thật ủi an! Tình yêu của Ngài vô ngần vô hạn, đến nỗi Ngài ‘không có khả năng rời xa’ chúng ta. Nếu một ai đó trốn thoát Ngài, thì “Trái tim Ta thổn thức trong Ta, ruột gan Ta bồi hồi”. Chúng ta tin chắc, không ai trong chúng ta dù khổ đau, cùng cực, hèn mạt đến đâu mà không gặp thấy hình ảnh Con Thiên Chúa làm người ngay tại hoàn cảnh của mình. Mục tiêu của Ngài khi xuống thế không phải để luận phạt nhưng là để tìm, để cứu. Và Ngài thật lạc quan và kiên định, ‘không con chiên nào bị mất, chỉ có con chiên phải được tìm lại!’. Như vậy, nơi Chúa Giêsu Mục Tử, chúng ta tìm lại được một sứ giả, một người bạn, dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót vô biên bền bỉ của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con vui thoả giữa những lối mòn lầm lạc; đừng để bất kỳ sự vô tâm hay tội lỗi nào làm giảm giá trị tình yêu ‘quyết đoán và bướng bỉnh’ Ngài dành cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)