Không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng

16/10/2021

“Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”.

Trong một tác phẩm của mình, G. Sweeting viết về một tù nhân. Năm 1949, Currier bị kết tội giết người với án chung thân. Sau đó, được giảm án, anh lao động tại một trang trại. Năm 1968, bản án kết thúc, một bức thư mang tin tốt lành được gửi cho anh; nhưng Currier không bao giờ thấy nó, cũng như không biết gì về nó. 10 năm trôi qua, một sĩ quan tìm gặp anh, nói với anh, bản án của anh đã chấm dứt, anh được tự do! Tác giả kết thúc bằng cách hỏi, “Liệu bạn có lấy làm quan trọng nếu ai đó gửi cho bạn một lá thư quan trọng và năm này qua năm khác, sứ điệp không bao giờ được chuyển? Chúng ta đã hưởng nhận đức tin, trải nghiệm sự tự do của con cái Chúa, có trách nhiệm tuyên xưng và rao truyền niềm tin đó cho những người vẫn bị nô lệ bởi tội lỗi. Chúng ta có làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng, mọi người nhận được thông điệp không?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu hỏi của G. Sweeting đặt cho chúng ta thật phù hợp với bối cảnh của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đó là đức tin, trung tâm và là trái tim của sự sống làm con cái Thiên Chúa; một điều gì đó vừa riêng tư, vừa công khai; vừa cá nhân, vừa cộng đồng; và nhất là ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’. Chúa Giêsu nói, “Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”.

Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô nói đến đức tin của Abraham, một đức tin thời Cựu Ước. Chúa gọi Abraham; niềm tin của Abraham vào Chúa mang tính cá nhân, riêng tư; nhưng Ngài còn nói với ông, “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc!”. Đức tin Abraham, bấy giờ, trở nên cộng đồng. Ai tin vào Thiên Chúa là con cháu Abraham. Là con cháu Abraham, chúng ta lãnh nhận đức tin như một ân ban, đức tin đó định hình chúng ta là ai; cốt lõi của nó là mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa. Trải qua năm tháng, chúng ta cố gắng sống mối quan hệ đó một cách trọn vẹn; quan hệ này lại định hình mọi mối quan hệ khác, tất cả những gì chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm. Abraham đã tin vào giao ước của Chúa, một giao ước không chỉ cho ông, nhưng còn cho cả chúng ta. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

Với Chúa Giêsu, một ‘Abraham mới’, đức tin thời Tân Ước, đòi hỏi ở một cấp độ vượt trội; cấp độ tuyên xưng! Với Ngài, giờ đây đức tin ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’, “Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”. Ở nơi khác, Ngài còn hứa đưa chúng ta đến dự tiệc vĩnh cửu trong nhà Chúa Cha; và một trong những lời hứa quan trọng nhất của Chúa Giêsu là ban cho chúng ta quà tặng đức tin: chính Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dạy chúng ta điều phải nói, việc phải làm, ngay cả khi chúng ta phải công khai tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt người đời, vua chúa và quan quyền. Rõ ràng đức tin lúc bấy giờ, ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng!’.

Anh Chị em,

“Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”. Thế mà, chưa bao giờ việc “Xưng nhận Thầy” lại khó khăn như thời buổi hiện tại. Không phải vì lý do cấm cách; thú vị thay, vì tự do! Phải, cuộc sống thời nay quá tự do, phóng túng; và dường như đang có một áp lực xã hội nhất định nào đó kìm hãm việc tuyên xưng niềm tin của chúng ta, cũng như việc chúng ta không chuyển trao thông điệp quan trọng đã lãnh nhận. Tại sao? Phải chăng vì tâm hồn, trái tim và đầu óc của chúng ta dành chỗ cho Thiên Chúa quá ít! Thay vì Thiên Chúa, chúng ta chất vào đó bao nhiêu thứ không phải là Ngài. Chúa Kitô chưa đầy tràn trong chúng ta; vì thế, chúng ta chưa trào tràn Ngài, chưa tuyên xưng Ngài cũng như chưa nôn nả thông chuyển Ngài cho anh chị em mình. Một khi, Chúa Kitô đến sống tràn đầy trong chúng ta, chúng ta không thể làm chứng cho Ngài, thông chuyển Ngài bằng đời sống mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con hồng ân đức tin; rõ ràng, hồng ân đó ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’. Muốn được vậy, xin cho tâm hồn con đầy Chúa, ngập Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)