“Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.
Đọc Giêrêmia 23, 24: “Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn sao?”, một nhà thần học nói, “Một thuộc tính chỉ riêng một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa thiên nhiên là một phần của Chúa; và do đó, chúng đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tùy thuộc vào Ngài; tuy nhiên, nơi bất cứ một tạo vật nào, vẫn cần có một ‘không gian cho Chúa!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cần có một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ Chúa Giêsu tuyên bố qua trình thuật Tin Mừng hôm nay. Để Thiên Chúa có thể tiếp cận và ở với dân Ngài, Chúa Giêsu cho biết, mỗi người cần có một đền thờ, một ‘không gian cho Chúa’, một không gian được dọn sạch hầu xứng đáng cho Ngài ngự trị. Bởi lẽ, không ít đền thờ đã bị chiếm dụng trái phép; Chúa Giêsu nói, “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.
Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem, nơi Thiên Chúa hiện diện; Ngài thấy nó được vận hành bởi kẻ mua người bán, nên nhanh chóng đuổi họ ra khỏi đó và lấp đầy nó bằng sự hiện diện và Lời giảng dạy của Ngài. Nhân biến cố này, Luca mời gọi mỗi người chúng ta đánh giá đền thờ nội tâm lòng mình! Trong thư thứ nhất Côrintô, Phaolô nói, “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đây là một câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ tự do hoạt động không, một không gian lắng đọng để lắng nghe tiếng Chúa; và ở đó, Lời phải lớn lên và sinh hoa kết trái. Thật trùng hợp, Gioan, tác giả Khải Huyền hôm nay viết những gì thiên thần bảo ông, “Hãy cầm lấy cuốn sách mà nuốt đi!”; “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước!”. Gioan đã nuốt cuốn sách và cảm nhận, “Lạy Chúa, con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Thứ đến, hãy nhìn vào đền thờ tâm hồn, xem ở đó, có sự bề bộn nào không; vì lẽ, sự ngổn ngang có thể ngăn chặn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đó, có thể có những tổn thương do chính mình hoặc do người khác mà chúng ta không thể buông bỏ. ‘Không gian cho Chúa’ bên trong có thể bị chiếm dụng bởi tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung; chúng đang cướp mất sự chữa lành, sự giao hoà và bình an của Thiên Chúa. Hoặc đền thờ của chúng ta cũng có thể bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm trong quá khứ, khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót làm cho linh hồn phải sống trong lo lắng và sợ hãi. Vì thế, chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước cửa, hoặc ngay trước mặt mình; Ngài đem cho chúng ta lòng thương xót, sự tha thứ; giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc, hứa hẹn một tương lai thanh thản, ắp đầy niềm vui.
Anh Chị em,
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện!”. Phải, tâm hồn chúng ta phải là nơi cầu nguyện! Hôm nay, bạn và tôi dành một chút thời gian để mời Chúa Giêsu, Đấng “không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian” vào đền thờ lòng mình; xin Ngài dọn sạch nó, trả lại ‘không gian cho Chúa’ hầu mỗi người có thể cảm nghiệm tình yêu, niềm vui và ân sủng của Ngài. Giêsu, Mục Tử Nhân Lành đang đứng ngoài cửa đền thờ tâm hồn bạn và tôi, Ngài đang gõ; hãy hé mở cho Ngài! Hãy mở toang cho Ngài vào, và hãy để sự hiện diện yêu thương của Ngài lấp đầy không gian đó. Đền thờ tâm hồn chúng ta chỉ có thể là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa, một đền thờ đầy ắp Giêsu và tình yêu của Ngài trong thế giới này. Từ đó, bạn và tôi trở thành những nhà tạm di động, những ốc đảo yêu thương giữa một đại dương lạnh lùng với Thiên Chúa, một đại dương nhốn nháo dẫy đầy những con người không biết Chúa hoặc đang chống lại Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con sợ hãi và bồn chồn khi phải để Chúa ‘phát quang’ lòng con; xin lấp đầy con bằng sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, Lời mới có đất tốt và ánh nắng để lớn lên!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)