Không nặng nề, cũng chẳng ngổn ngang

27/11/2021

“Các con hãy giữ mình, kẻo lòng ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời!”.

B.M. Franklin chia sẻ, “Cuộc sống của tôi chỉ là một bức tranh dệt ‘giữa tôi và Chúa’. Tôi không thể chọn màu, Ngài lo cho nó đều đặn. Ngài thường dệt những nỗi buồn; và tôi ngu ngốc tự hào rằng, tôi đã thấy điều đó. Tôi quên rằng, Ngài nhìn phía trên; còn tôi, chỉ thấy phía dưới. Mãi cho đến khi khung cửi lặng yên, kim thoi ngừng bay, Ngài mở tấm lụa và giải thích tại sao. Các sợi xám xịt thật cần thiết xen giữa sợi vàng sợi bạc trong bàn tay khéo léo của Ngài, theo khuôn mẫu định sẵn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Có lẽ chúng ta thường chăm nhìn phía dưới ‘bức tranh đời mình’ nên nhiều lúc lòng chúng ta phải chùng xuống. Phải, thế giới vật chất luôn kéo ghì chúng ta xuống phía dưới! Lời Chúa ngày cuối của năm phụng vụ lại nâng chúng ta lên, nhắc chúng ta đừng để mình trở nên ươn lười trong đời sống đức tin, để lòng mình ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’ bởi “say sưa và lo lắng việc đời”.

“Nặng nề bởi say sưa!”. Điều này trước hết, được hiểu ở cấp độ nghĩa đen; tuy nhiên, “nặng nề” ở đây còn được hiểu ở cấp độ tâm linh, khi chúng ta tìm kiếm một sự thoát ly nhất thời khỏi cuộc sống, vốn chệch khỏi quỹ đạo mà Thiên Chúa là trung tâm. Tất cả những gì khiến trái tim chúng ta mê ngủ; những gì cung cấp cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo. Có lẽ tôi không nặng nề và say sưa vì chè chén, nhưng có thể tôi đang lang thang tìm kiếm một sự hài lòng và dễ chịu thế tục nào đó; và mỗi khi thoả hiệp với cơn cám dỗ này, đời sống thiêng liêng của tôi trở nên uể oải.

Thứ đến, tôi có thể quá bận tâm với những vấn đề vật chất và lo lắng sự đời vốn rất ngổn ngang, đến nỗi mất niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng, Đấng hằng muốn tôi, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa; mọi sự khác, Ngài sẽ ban thêm cho”. Chính những lo lắng thái quá này là nguồn gốc của việc quá tải bởi điều này hay điều khác; và khi sự thái quá xảy ra, chúng ta có xu hướng tìm kiếm một lối thoát. Và thông thường, những ‘lối thoát’ ấy lại là thứ khiến chúng ta rũ liệt tâm thần. Cám dỗ thường xuyên này khiến chúng ta đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và tự mình chống chọi cho đến khi cạn kiệt sức hơi, đến nỗi mất hết niềm vui và nhuệ khí. Từ đó, chúng ta không thể chu tất bổn phận và trách nhiệm của đấng bậc mình một cách tập trung và đầy nhiệt huyết.

Đang khi cuộc sống của chúng ta là thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn vĩnh cửu với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của ba thù và những “gian khổ” phải đến trước. Cuộc chiến tâm linh là có thật, dù nhận thức hay không nhận thức, dù muốn hay không muốn. Chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày, nhiều cách; nhưng trận chiến cuối cùng vẫn là trận chiến quan trọng trong sâu thẳm trái tim của mỗi người. Chúa Giêsu muốn chúng ta chiến thắng bằng cách tỉnh thức trong đời sống đức tin để ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’; vì lẽ, gánh nặng cuộc sống đưa đến việc không nhìn thấy Thiên Chúa ở giữa vạn vật, sẽ khiến chúng ta trở nên bải hoải và chìm vào u mê.

Anh Chị em,

So với đời sau, cuộc sống của chúng ta trên trái đất này chỉ là một giấc mơ; thế nhưng, chính khi nên thánh với những giấc mơ ngắn ngủi ấy, chúng ta nếm trước vĩnh cửu. Hôm nay, thứ Bảy cuối năm phụng vụ, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ Maria, một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Giữa bao sóng gió, tân toan và khốn khó, trái tim Mẹ vẫn giữ được niềm vui và sự tự do của người con Chúa. Thử thách, gian truân không chi phối được trái tim Mẹ; không gì ngăn cản Mẹ cất cao lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Trái tim Mẹ ‘không nặng nề, cũng chẳng ngổn ngang’; vì lẽ, Mẹ đã hiến dâng mọi sự cho Thiên Chúa, Đấng đầy ắp trong Mẹ. Trái tim Mẹ được điều khiển bởi một điều duy nhất, đó là tình yêu và sự thật vốn cho phép Mẹ chọn điều tốt nhất và từ chối bất cứ điều gì xấu xa vốn có thể phương hại cho ‘bức tranh giữa Mẹ và Chúa’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con ý thức rằng, thế giới này đang qua đi. Cho con tỉnh thức, hướng về Chúa, và làm đẹp ý Ngài, hầu tim con ‘không nặng nề và khỏi ngổn ngang’ bởi bất cứ một điều gì!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)