“Đừng chống cự với kẻ ác”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp khá thú vị khi câu chuyện Navốt hiền lành bị cướp vườn nho trong bài đọc Các Vua đúng với chủ đề Tin Mừng, “Đừng chống cự với kẻ ác”. Và nếu sống như Chúa Giêsu dạy thì xem ra giáo huấn của Ngài lại dung túng sự ác, khoan nhượng độc tài và bộc lộ một tinh thần yếu nhược; để rồi, kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái.
Navốt là điển hình cho những kẻ thấp cổ bé miệng ở mọi nơi, thuộc mọi thời; Navốt cũng là hình ảnh của Chúa Giêsu, các thánh tử đạo hay những con người hôm nay đang sống cho sự thật, cho công lý và cho tình yêu mà phải chịu thiệt thòi. Hoàng hậu Ideven và vua Akháp ngày nay cũng nhan nhản, đó là những con người cậy quyền, cậy của chuyên ‘cả vú lấp miệng em’ và với họ, Jean de la Fontaine luôn luôn đúng với ‘Lý của kẻ mạnh’.
Vậy mà thật lạ lùng, ai để cho giáo huấn hiền hoà của Chúa Giêsu thẩm thấu, đời sống của họ sẽ đổi thay và bộ mặt thế giới cũng sẽ khởi sắc. Đó là tinh thần mối ‘phúc cho ai hiền lành’ của bát phúc, một mối phúc mà thế giới hôm nay vẫn cần đến như một cái gì cấp thiết cho đạo cũng như đời. Qua đó, Chúa Giêsu nâng sự tự do của con cái Chúa lên một cấp độ cao hơn, cấp độ tự do hiền dịu, tự do yêu thương và nhu mì; chỉ những ai mạnh mẽ, người ấy mới có khả năng trở nên hiền lành, nhẫn nhịn. Đây cũng là sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà nhiều người trong chúng ta sẽ lấy làm bất ngờ.
Để có được sự mạnh mẽ và tự do đích thực đó, người môn đệ Chúa trước hết phải có một tinh thần kiên vững và một con tim dịu hiền. Tinh thần kiên vững sẽ suy nghĩ chính chắn, đánh giá đúng mực và phân định chuẩn xác; tinh thần kiên vững sắc bén, thấu suốt, có khả năng phá vỡ mọi vỏ bọc; tinh thần ấy sẽ bộc lộ ở sự can đảm, khéo léo, thông minh, nhìn xa trông rộng, kiên định và nghiêm túc. Tiếp đến là một con tim dịu hiền. Đây không phải là thái độ luồn cúi bạc nhược, một dạ hai vâng của các nịnh thần làm theo lệnh bà… nhưng là tính cách của những con người hiếu hoà, lắng đọng và nhẫn nhịn. Sách Châm Ngôn dạy, “Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn; nó có khát, hãy cho nước uống. Như vậy là con chất than hồng lên đầu nó và Chúa sẽ thưởng cho con”. Thánh Phaolô đã trích lại những lời nghĩa hiệp này để dạy cho tín hữu Rôma đừng báo oán và “Hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó”. Cựu Ước cấm báo thù, Tân Ước buộc tha thứ.
Khi dạy, “Đừng chống cự với kẻ ác”, Chúa Giêsu chỉ muốn đối phương thẹn thùng mà hoán cải con tim. Hãy xem, khi dân chúng hô to “Đóng đinh nó vào thập giá”, Ngài vẫn im lặng. Ngài im lặng vì Ngài có lòng cảm thương đối với những con người bị mê hoặc bởi tiền và quyền. Ngài im lặng để cầu nguyện cho họ và cho mình. Cầu nguyện mang lại cho Ngài lòng dũng cảm để tha thứ; đồng thời, cho Ngài có khả năng gần gũi và chữa lành tâm hồn anh trộm lành.
Hai khuôn mặt nổi bật thời Tam Quốc là Tào Tháo và Lưu Bị. Về mưu lược, quyền biến và thế lực so với họ Tào, Lưu Bị kém xa; thế nhưng, Lưu Bị sở hữu một điều mà Tào Tháo không bao giờ có, đó là lòng nhân nghĩa, “Thà người phụ ta chứ ta quyết không phụ người”.
Anh Chị em,
Thời nào cũng có những Ideven, Akháp hoặc Tào Tháo và thời nào cũng có những Giêsu, những Navốt thiệt thòi vốn mất không chỉ vườn nho vật chất mà còn bị tước đoạt các vườn nho tinh thần khác; đó có thể là tiếng nói, có thể là những khả năng hay quyền làm người của họ. Hoàng hậu Ideven, vua Akháp hoặc tướng Tào không ở đâu xa, những con người đó có thể đang ở ngay trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta và cũng có thể là chính chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin ban cho con con tim dịu hiền, trọng nhân nghĩa để con liêm chính trong lời nói, rộng lượng trong xét xử và công bằng trong nhận định”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)