Làm chứng bằng ân sủng

24/11/2021

“Các con sẽ có dịp làm chứng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ kính nhớ các thánh Tử Đạo Việt Nam; với chúng ta, đây là ngày đại lễ. Tin Mừng cho thấy cái giá mà người môn đệ Chúa Giêsu phải trả cho việc đi theo Ngài, đó là sự bắt bớ! May thay, Chúa Giêsu kịp trấn an chúng ta, “Các con sẽ có dịp làm chứng!”; làm chứng bằng yêu thương, bằng cầu nguyện, bằng tha thứ; tắt một lời, ‘làm chứng bằng ân sủng’.

Thật ý nghĩa, “tử đạo” trong tiếng Hy Lạp còn có nghĩa là “làm chứng”. Như vậy, một trong những cách tốt nhất để làm chứng là ‘trải nghiệm’ các hình thức tử đạo; trở thành một người tử vì đạo là trở thành một nhân chứng. Ai chịu bắt bớ vì Chúa Kitô; đáp lại sự bách hại theo khôn ngoan và soi dẫn của Thánh Thần, là tử vì đạo thực sự. Nhược bằng, người bị bắt bớ phản ứng với sự tức giận và cay đắng, đáp lại bằng bạo lực thế gian, thì đó không phải là người tử vì đạo; họ chỉ đơn giản trở thành những gì họ đã nhận. Tử vì đạo đòi hỏi việc ôm lấy sự bất công và ngược đãi như Thiên Chúa muốn; và dẫu việc bắt bớ không bao giờ đến từ Thiên Chúa, nó vẫn đem lại cơ hội cho Kitô hữu nên một với Chúa Kitô khi họ ‘làm chứng bằng ân sủng’ theo mời gọi của Ngài.

Thánh Cyprianô nói, “Khi sự bắt bớ xảy đến, các chiến sĩ của Chúa Kitô chịu thử thách, và thiên đàng rộng mở cho các vị tử đạo. Chúng ta không đầu quân vào binh đoàn của Chúa Kitô để nghĩ đến hoà bình và từ chối chiến đấu; hãy xem, Ngài đã chiếm vị trí đầu tên mũi đạn trong cuộc chiến”. Các vị tử đạo thắng quân thù khi họ ‘làm chứng bằng ân sủng’; bằng niềm hy vọng và lòng dũng cảm bền chí; bằng tình yêu và lòng kiên tâm bất tử; bằng trái tim nhân ái và lòng trắc ẩn vô bờ!

Đaniel trong bài đọc thứ nhất đã làm chứng khi khẳng khái nói lên điều Thiên Chúa muốn, dù biết rõ, điều đó có thể khiến ông mất mạng. Ông can đảm đọc lời ‘báo tử’ từ bàn tay hiện ra viết trên tường cho vua Baltassar, “Thiên Chúa đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân”. Ngài là “Đấng đáng ngợi khen và tán tạ tới muôn đời” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Cũng thế, những lời đầy can đảm của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh năm 1843 khác nào lời của thánh Phaolô tông đồ, “Tôi là Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu, để anh em được cháy lửa yêu mến mà hợp với tôi để dâng lời ca ngợi, Chúa yêu thương ta đến muôn đời”; “Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời. Ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu; những sự gây gổ, những hành vi xấu xa, những thề gian, nói hành; và cả nỗi chán nản, buồn phiền; cả ruồi muỗi và rận rệp. Nhưng Đấng đã giải thoát ba thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi; Ngài làm cho nó trở nên ngọt ngào”. Rõ ràng, những lời của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh chỉ có thể là những lời của một người đã ‘làm chứng bằng ân sủng!’.

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu thì nói, “Đạo đã thấm nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi bỏ được!”. Đạo không đơn thuần là một tôn giáo, những điều phải học, phải tin; nhưng là một Con Người, Giêsu. Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm trong Ngài, tháp nhập vào Ngài. Ngài trở nên máu thịt, xương tủy, cuộc sống, mạng sống, linh hồn và thân xác chúng ta. Ngài là tôi, tôi là của Ngài. “Không gì, chẳng ai có thể tách được tôi ra khỏi Đức Giêsu”. Ngài chiếm đoạt tôi, tôi dâng hiến cho Ngài. Chính sự dâng hiến ấy sẽ làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài trên trần gian; và như vậy, Kitô hữu là người ‘làm chứng bằng ân sủng’ đã nhận.

Anh Chị em,

“Các con sẽ có dịp làm chứng!”. Thật là một cơ duyên! Nhưng cơ duyên này chỉ dành cho những ai hoàn toàn trông cậy vào Chúa, chứ không dành cho ‘những chứng nhân’ chỉ biết làm theo đam mê và rối loạn cảm xúc. Người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ gặp bắt bớ, ngược đãi lớn nhỏ vào những thời điểm khác nhau, nhiều cách khác nhau, ngay cả từ gia đình mình. Đừng ngạc nhiên! Nếu sống Phúc Âm là dễ dàng, cả thế giới sẽ chỉ có các thánh. Đang khi Tin Mừng thì đòi hỏi; cọ xát với bản chất con người sa ngã; đòi buộc chúng ta, thậm chí, tử đạo cách này cách khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến mọi tệ bạc người khác dành cho con thành cơ hội để con ‘làm chứng bằng ân sủng’ cho họ; xin cho con chỉ cậy dựa vào sự khôn ngoan và hướng dẫn của Thánh Thần”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)