Một cách rất khác

25/01/2022

“Tôi đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”.

Một nhà tu đức nói, “Thập giá là cột thu lôi của ân sủng, làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng tình yêu của Ngài cho những người tin! Trên đường Đamas, một Saolô hung hãn đã bị cột thu lôi ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa quật ngã!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ con người hung hãn đó, Phaolô, một người đã bị “ân sủng và tình yêu Thiên Chúa quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài, có thể nói, là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào những năm đầu của Hội Thánh. Ân sủng của Đấng Phục Sinh đã biến thất bại của con người này thành những ân phúc có tầm ảnh hưởng đến Kitô giáo ‘một cách rất khác!’.

Với bài đọc thứ nhất, Phaolô cho biết, trước khi Chúa Kitô hiện ra với ông, ông “đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”; tuy nhiên, việc phục vụ này thể hiện theo một cách rất phá hoại! Phaolô đàn áp những người tin Chúa Kitô, được coi là “Đạo mới”; thế rồi, cuộc hiện ra của Ngài trên đường Đamas với câu hỏi, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ ta?”, kèm theo một lời dằn mặt lạnh lùng, “Đưa chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” đã khiến Phaolô dừng bước. Kể từ đó, Chúa Kitô đã biến đổi một “Saolô”, có nghĩa là tìm kiếm, đòi hỏi và khát vọng, thành một “Phaolô”, có nghĩa là hèn mọn, nhỏ bé và khiêm hạ. Phaolô đã đứng lên, loạng choạng tiến về phía trước, để rồi, với ân huệ của Thánh Thần, phục vụ Thiên Chúa theo ‘một cách rất khác’. Thay vì bắt bớ những ai tin Chúa Kitô, Phaolô loan báo tin mừng về tình yêu và ân sủng của Ngài.

Với sứ mệnh các tông đồ lãnh nhận qua Phúc Âm hôm nay, được Thánh Ca đáp ca tóm tắt, “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian!”, Phaolô tiếp tục rao giảng Chúa Kitô cho mọi loài tạo vật, vốn “Không một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” như ngài viết trong thư Rôma. Cũng như với bài đọc hôm nay, Phaolô chia sẻ trải nghiệm của mình về cuộc gặp gỡ Chúa Kitô như một kinh nghiệm về ánh sáng, về sự yếu hèn khi phải lệ thuộc vào người khác, về những thất bại cần có; nhờ đó, Phaolô được biến đổi ‘một cách rất khác’ nếu không nói là hoàn toàn mới, bởi ân sủng của Thánh Thần!

“Một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất”; “Mắt tôi vẫn mở mà không thấy gì”. Một nghịch lý mang nhiều ý nghĩa! Không phải lúc nào mắt mở, cũng có thể nhìn thấy. Lúc Phaolô tưởng mình sáng nhất thì lúc đó, Chúa cho ông thấy sự tăm tối nhất của đời mình. Ngài biến ánh sáng của Phaolô thành đêm tối; Ngài bắt Phaolô phải nhắm mắt để thấy rằng, sự bốc đồng theo kế hoạch riêng của mình là mù tối, và tình yêu trong trái tim Ngài là vô biên. Dưới ánh sáng của tình yêu đó, Phaolô tiến về phía trước, không phải trên một con đường hạn hẹp như trước, nhưng là một đại lộ thênh thang xứng tầm vị tông đồ mai ngày; nói cách khác, Thiên Chúa quật Phaolô từ một con người chễm chệ trên lưng ngựa xuống tận đất; để sau đó, nâng Phaolô lên, đến tầm mức “vị tông đồ của dân ngoại”. Thế nhưng, hình ảnh người ta cầm tay dắt Phaolô là một trong những hình ảnh đẹp nhất của một ‘Saulô’ chập chững trong hành trình của một cuộc đời mới, nơi ‘một con người mới’ trong Chúa Kitô!

Anh Chị em,

Kiêu hãnh và tự phụ, Phaolô là hoạ ảnh mang dáng dấp của cả nhân loại hiện đại trước Corona; đó cũng là hoạ ảnh của mỗi người chúng ta. Như nhân loại, chúng ta tự tin, tự tôn và tự kiêu; một ‘Saolô’ mắt mở nhưng không thấy gì. Dịch bệnh nổ ra, mọi kế hoạch của con người bị quật ngã, một Đamas của nhân loại và của mỗi người, khiến chúng ta trở nên một ‘Phaolô’ khiêm tốn, nghèo hèn và cậy trông. Quan hệ của Phaolô với Thiên Chúa từ Đamas cũng trở nên sâu sắc hơn; từ đó, Phaolô bắt đầu liên hệ với những người khác theo cách Thiên Chúa liên hệ với họ. Cũng thế, với Corona, chúng ta ý thức rằng, càng gần Thiên Chúa, trái tim chúng ta càng rộng mở, và chân trời của chúng ta càng bao la; từ đó, chúng ta liên hệ với những người khác theo cách mang mọi người lại với nhau trong tất cả sự đa dạng của họ ‘một cách rất khác!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết mềm mại uốn mình theo Thần Khí, ngõ hầu con được biến đổi ‘một cách rất khác’, để mỗi ngày, khi càng gần Chúa, con càng hữu ích cho tha nhân hơn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)