Một đường trường có tên là xót thương và khiêm hạ

12/08/2020

“Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hội Thánh Chúa Kitô có những đỉnh núi cao chót vót và cả những lũng sâu thăm thẳm. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, nhưng con cái của Hội Thánh thì dĩ nhiên, còn lắm linh hồn ‘chưa thánh’. Chẳng có gì để ngạc nhiên. Nhiều lúc, tính ‘nhân loại’ nơi Hội Thánh cho thấy tội này lỗi kia đang xảy ra rành rành đó đây; với Chúa Giêsu, điều này không đáng ngỡ ngàng. Qua Tin Mừng hôm nay, Ngài phác hoạ một trình tự để chúng ta có thể cứu lấy người anh em mình; đó là một trình tự tiệm tiến, một lộ trình yêu thương, một đường trường vạn dặm đặt nền móng trên lòng thương xót và khiêm hạ mà Thiên Chúa luôn chúc lành nếu chúng ta, trước hết, biết nhìn nhận người làm điều sai phạm ấy chính là ‘người anh em của tôi’.

Vì thế, kết thúc Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến việc họp nhau cầu nguyện; và nếu đọc tiếp, Ngài buộc tha bảy mươi lần bảy; sau đó, Ngài kể dụ ngôn kẻ mắc nợ không biết xót thương.

Rất thông thường, khi một ai đó sai lỗi, chúng ta phê phán, lên án và quên mất người ấy là anh em của mình. Hậu quả là chúng ta dễ dàng loại trừ người anh em ấy. Đó là dấu hiệu của việc thiếu lòng thương xót và khiêm hạ. Thương xót và khiêm hạ dẫn chúng ta đến việc khắc khoải; đúng hơn, khao khát sự thứ tha và hoà giải. Thương xót và khiêm hạ giúp chúng ta nhìn sự sai lỗi của người anh em như là cơ hội cho một tình yêu lớn lên và đó không phải là lý do để lên án. Bởi thế, việc công khai tội của người anh em không bao giờ là bước đầu tiên, thay vào đó là âm thầm tìm kiếm và ước ao gặp gỡ, hoà giải. Đừng quên, quyền năng của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn vô cùng so với tội lỗi, “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan”.

Vậy làm sao để tiếp cận người anh em nhất là khi họ chống lại chúng ta? Đây là con đường trường vạn dặm có tên là xót thương và khiêm hạ vốn đòi nhiều giờ cầu nguyện, nỗ lực và năng lượng để có khả năng xót thương và làm tất cả những gì còn lại hầu đưa người anh em trở về với sự thật, với Chúa và Giáo Hội. Hãy đi bước trước trong việc tìm kiếm đối thoại chỉ giữa hai người; tiếp đến, nếu cần, triệu mời những người đáng tin kín đáo vào cuộc. Mục đích tối thượng là sự thật và làm tất cả những gì có thể để sự thật đó phục hồi sớm nhất mối tương quan, sự hiệp nhất chứ không phải hơn thua. Chỉ sau khi đã cố gắng hết sức mà vẫn công cốc, chúng ta mới nghĩ đến việc rũ bụi chân và phó thác người anh em ấy cho lòng thương xót của Thiên Chúa và đừng quên cầu nguyện cho họ gấp bội, hơn cả trước đó. Cả khi điều xấu nhất xảy ra, hành vi rũ bụi chân vẫn là một hành vi của tình yêu vốn luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó, người anh em sẽ nhận ra hệ trọng của những lầm lỗi họ gây nên để quay trở về.

Triết gia Platon không ngại góp ý cho thầy mình khi ông nói, “Tôi yêu thầy tôi nhưng tôi còn phải yêu cả chân lý”. Chúng ta có thể nói ngược lại, “Tôi yêu sự thật, tôi quý hiệp nhất, nhưng tôi cũng rất yêu quý người anh em của tôi”.

Anh Chị em,

Ai là người anh em chúng ta cần hoà giải? Có thể chúng ta chưa dám, ngay đến việc tìm kiếm một cuộc đối thoại mở đầu như là bước khởi sự; có thể chúng ta sợ phải đi bước trước hay tệ hơn, đã xoá sổ người anh em rồi? Hãy cầu xin ân sủng, lòng xót thương, tình yêu và sự khiêm hạ để chúng ta có thể chìa tay ra cho người anh em xúc phạm đến mình, đến cộng đoàn mình.

Hãy cầu xin để dẹp bỏ mọi kiêu căng vốn đang kìm hãm lòng thương xót khiến con tim chúng ta từ chối kiếm tìm sự hoà giải; hãy khẩn xin trái tim Chúa đổ đầy trái tim chúng ta lòng nhân ái của Ngài, nhờ đó, phép lạ sẽ xảy ra; lúc mà bình an được tái sinh, tương quan được phục hồi. Và đừng quên, các phép lạ thường chỉ được ban cho ai biết cầu xin chúng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin tình yêu rồi sẽ chiến thắng, xin dạy con luôn ao ước trở nên một khí cụ bình an”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)