“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.
Ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam. Không tin, bạn mở Sáng Thế chương 5! Cả hai tạo nên một tương phản vô cùng độc đáo. Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; gia phả của Chúa Giêsu, hồ sơ về những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Và dẫu ai cũng chết, nhưng từ “chết” tuyệt đối không có trong gia phả Chúa Giêsu!
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên. Vậy mà nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.
Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả với lời tiên tri về một trinh nữ sẽ sinh con, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, không ai hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một con người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, khi Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì là lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình!
Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người đầy niềm tin; nhưng qua thời gian, lịch sử dòng dõi của vị tổ phụ vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng cả nhân loại trước và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về ông. Tắt một lời, Ngài sẽ ôm lấy kiếp người trọn vẹn với buồn vui của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc này; Ngài phải đi vào nhân loại này, và Con Thiên Chúa nhất định cần có một người mẹ.
Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm được điều đó, Ngài phải ở với, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử của nó trở nên một lịch sử mang tên “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.
Anh Chị em,
“Tên con trẻ là Emmanuel!”. Nhiệm Cục Cứu Độ sẽ thế nào nếu không có Đức Maria? Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất trong tay người Thợ Gốm tài hoa. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, bạn và tôi cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, thuộc trọn về Thiên Chúa và Ngài cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ngày sống của con làm nên lịch sử đời con, ước gì nó cũng là lịch sử cứu độ. Đừng để con làm ‘chật chỗ’ địa cầu và ‘thừa mứa’ trong dòng dõi của Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)