“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”.
Một nhà tu đức nói, “Không người nào đội vương miện trên thiên đàng mà không là người phải ‘đội ngược’ nó ở đây, bên dưới! Cũng không ai ôm lấy thập giá mình, chịu khóc lóc ở đây, bên dưới, nếu không biết mình sẽ được lại niềm vui trên trời, ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Để có được ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’, mỗi người phải biết ôm lấy thập giá đời mình với một tình yêu và một niềm hy vọng. Đó là những gì Lời Chúa hôm nay muốn nói! Để biện minh cho việc các môn đệ không ăn chay, Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh “chàng rể bị đem đi” cho chính Ngài. Sở dĩ, môn đệ Ngài không ăn chay, vì “Chàng Rể” đang có mặt! Không ai và không gì có thể cướp mất niềm vui của các môn đệ, dù là thập giá của Ngài hay của chính họ!
Trong cuốn “The Better Part”, “Phần Tốt Hơn”, cha John Bartunek, LC, viết, “Mặc dù thập giá không bao giờ vắng mặt trong đời sống một Kitô hữu chân chính, nhưng vị Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người trên thập giá cũng là vị Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất, đại dương và núi non, tiếng cười và ánh mặt trời. Và Ngài cũng là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm vui trên địa cầu!”. Tự nhận là “Chàng Rể”, Chúa Giêsu mặc cho mình tước hiệu vốn chỉ dành cho Thiên Chúa. Cựu Ước mô tả mối quan hệ giữa Israel và Chúa Trời như một giao ước hôn nhân; Israel là nàng dâu, thường là kẻ bất trung, và Chúa Trời là Chàng Rể. Vì yêu thương, Chúa Kitô đến, mang theo niềm vui, một niềm vui dù phải trải qua cái chết vì bị phản bội, nhưng nó đã là một niềm vui tiềm tàng sắc màu phục sinh, ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’ vốn sẽ tồn tại trong chốn vĩnh hằng!
Vậy khi nào là lúc các môn đệ ăn chay? Khi “Chàng Rể” bị đem đi, môn đệ Ngài sẽ ăn chay. Ăn chay là một cách để chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô, là phương tiện để tách mình khỏi của cải trần gian hầu bám chặt vào chính Ngài hơn; nó giúp người môn đệ ý thức rằng, họ cần nên giống Ngài. Thế nhưng, cách thức chia sẻ thập giá của Chúa Kitô qua việc chay tịnh này không nên khiến chúng ta, những người theo Ngài, cảm thấy cực lòng. Cha John Bartunek nhận định, “Một số Kitô hữu có ấn tượng rằng, theo Chúa Kitô là một điều gì đó mù mịt; họ nghĩ, đời sống Kitô hữu trên hết và trước hết bao gồm mọi hy sinh khắc khổ kèm theo những nghĩa vụ nhàm chán; đó là một đời sống không có niềm vui, chỉ có thê lương, buồn tẻ. Nếu quả thế, thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn bè họ muốn tránh xa Kitô giáo nhất có thể! Nếu tình bạn với Chúa Kitô không khiến chúng ta tràn đầy nhiệt huyết, dễ lây lan, thì có lẽ, chúng ta đang là một người bạn hờ!”. Không! Như Thầy mình, Kitô hữu phải sống ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’ của mình như chính Chúa Giêsu đã trải nghiệm nó trên thập giá, một niềm vui ẩn tàng ánh phục sinh.
Anh Chị em,
Để con người hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc viên mãn, Chúa Giêsu đã đến trần gian để cưới lấy nhân loại lầm than khốn khổ này. Mặc cho nhân loại khước từ và chối bỏ, Chúa Giêsu vẫn ôm chầm nó hầu sưởi ấm cõi lòng và con tim vốn đã bị tội lỗi làm cho băng giá. Điều đặc biệt, là “Chàng Rể” ấy nay là Đấng Phục Sinh, chẳng ai có thể đem Ngài đi, và cũng chẳng bao giờ Ngài chịu rời đi, trừ khi chúng ta nhất tâm chối bỏ Ngài; quay lưng với Ngài. Còn những ai ngày càng gắn bó với Ngài, ý thức mình là những người được Ngài cứu chuộc, có Ngài đồng hành, thì nhất định, cuộc sống họ là một cuộc sống đầy niềm vui. Họ được hưởng niềm vui thật sự không chỉ trên thiên đàng mai sau, nhưng ngay ở đời này. Niềm vui đó có tên là “Cứu Độ”. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cả khi con đang vác thập giá mình, xin cho con xác tín, Chúa đang ở với con; vì biết rằng, Chúa đang nâng đỡ con, để con có thể giữ mãi ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)