“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”.
Nghệ sĩ Raphael mô tả sự nghèo nàn tội nghiệp của các môn đệ, những người đang đợi Thầy từ trên núi xuống sau cuộc Biến Hình của Ngài. Họ đang vẫy tay thất vọng, phân bua; khuôn mặt thì hốt hoảng, khi tự bào chữa trước người cha tuyệt vọng đang ôm lấy đứa con bị quỷ ám!
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay phản ánh ‘một sự thật khá bẽ bàng’ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta! Như các môn đệ, bao lần chúng ta cố sức làm những công việc, rõ ràng là của mình, mà không cần đến Thiên Chúa thực sự, theo bất cứ cách nào.
Vì thế, thật không lạ, công việc của chúng ta dường như ‘chết lên, chết xuống’ cho đến khi Chúa Giêsu ‘được phép’ cộng tác; để sau đó, Ngài ‘làm cho nó sống’. Thông thường, chúng ta thậm chí cũng không cần tự hỏi, liệu những gì tôi đang làm có phải là ý muốn của Thiên Chúa không? Thế mà, khi loại trừ Ngài khỏi công việc hoặc cuộc sống gia đình hay cộng đoàn mình, chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu đức tin nhất! Chúa Giêsu luôn có đó, nhưng chúng ta không cho Ngài một chỗ làm, đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng!’. Với lòng tin ít ỏi của mình, các môn đệ bắt tay vào việc mà lòng không mấy cậy trông, vì nghĩ rằng, ‘ca này’ vượt quá khả năng của họ; người cha và gia đình đứa bé có thể cũng thiếu niềm tin với những gì mà các “môn đệ” này có thể làm. Vì thế, với họ, và với cả chúng ta, những lời của Chúa Giêsu dẫu khá xót lòng nhưng thật cần thiết , “Hỡi thế hệ cứng lòng tin!”. Khi nói thế, Chúa Giêsu rất chân thành; và nếu chúng ta khiêm tốn đón nhận, mọi sự có thể đổi thay! Những lời Ngài lại làm cho ấm lòng, như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng!”.
Thấy sự thiếu đức tin của các môn đệ và của những người khác, Chúa Giêsu tận dụng hoàn cảnh để khơi dậy đức tin nơi họ. Vì thế, những gì Ngài đã làm cho ba môn đệ ưu tuyển qua cuộc Biến Hình trên núi, thì nay, Ngài làm cho chín vị còn lại ở dưới chân núi! Ngài cho phép họ thất bại để học lấy bài học đức tin; Ngài cũng chất vấn người cha đáng thương, “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể?”. Và Ngài đã ra tay, đứa trẻ hồi sinh; mọi người đều kinh ngạc! Sau đó, Ngài hướng dẫn họ về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Rõ ràng, ở đâu không có Chúa Giêsu, ở đó, chỉ có cãi vã và đổ lỗi cho nhau; hay chí ít, đổ lỗi cho Thiên Chúa, chỉ vì Ngài vắng mặt! Thư Giacôbê hôm nay nói, “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan!”.
Anh Chị em,
“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu chờ đợi! Tiếng kêu thất thanh của người cha là tất cả những gì Chúa Giêsu cần! Người cha đã khẳng định lại đức tin của ông; cùng lúc, thừa nhận sự kém tin của mình. Thật không dễ dàng để chấp nhận mình bất lực trong một thế giới được gọi là “hậu hiện đại” như hôm nay. Thế nhưng, sự hoành hành của Corona đã chứng minh, con người hoàn toàn bất lực trước một con vật ‘gần như’ vô hình. Dẫu thế, nó vẫn được nhìn thấy, nhưng các nhà khoa học vẫn thúc thủ… thì phương chi những loại virus gậm nhấm tâm hồn, chỉ mình Thiên Chúa nhìn thấy, thì ai có thể loại trừ được nó? Không lạ gì, Chúa Giêsu kết luận, “Thứ này chỉ chữa được bằng cầu nguyện và ăn chay!”. Vậy, chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng, cùng với những hy sinh âm thầm, hầu đủ sức chiến thắng những cơn cám dỗ thường ngày, những thói quen cố hữu đang ngày đêm gặm nhấm tâm hồn; chúng đang khiến chúng ta ngày càng xa lìa Thiên Chúa và tách rời anh chị em mình. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được! Đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng’, nhưng cũng là một chân lý mà chúng ta phải chân nhận.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, bao lần trong cuộc sống, con đã ngu khờ để Chúa đứng đợi ngoài cửa, ‘một sự thật khá bẽ bàng’. Xin cho con biết, con cần Chúa; xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)