“Vua tìm cách gặp Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Qua Tin Mừng hôm nay, Luca không ghi lại một lời nào của Chúa Giêsu, nhưng lại đưa ra những nhận định về một nhân vật mà thoạt nghe qua, chúng ta liên tưởng đến một bố già gian giảo, một chính trị gia hèn nhát hoặc một găng tơ xa hoa truỵ lạc; đó là quận vương Hêrôđê. Vậy mà thật bất ngờ và đầy thú vị khi Lời Chúa cũng tiết lộ cho chúng ta những ‘phẩm chất quý’ nơi vị vua này. Cùng phân tích và rút ra những bài học từ sự thất bại của ông, chúng ta sẽ thành công trên đường nên thánh.
Trước hết, Hêrôđê thích Chúa Giêsu. Luca ghi nhận, “Vua tìm cách gặp Người”, dẫu cuối cùng, điều này không dẫn Hêrôđê đến đâu trong việc đón nhận sứ điệp của Gioan, đưa ông đến thống hối, nhưng ít nhất, đó cũng là bước đầu tiên; ‘thích Chúa Giêsu, tìm cách gặp Ngài’, đó là một phẩm chất quý.
Thật lúng túng khi phải tìm một thuật ngữ tốt hơn để diễn tả ý tưởng này, chúng ta có thể gọi ước muốn tìm gặp Chúa Giêsu của Hêrôđê là ‘một sự tò mò thánh’. Hêrôđê biết, nơi con người có tên Giêsu, có một điều gì đó độc đáo, ông muốn tìm hiểu; biết Ngài là ai và muốn gặp Ngài; ông thích nghe Gioan nói về Ngài, ông bị hấp dẫn bởi sứ điệp của Ngài. Quả là một ‘sự tò mò thánh’ đáng ao ước.
Tiếc thay, sự tò mò mong gặp Chúa Giêsu của Hêrôđê không hoàn toàn dựa trên đức tin hay động cơ hoán cải; sự tò mò của ông đơn thuần chỉ là một sự hiếu kỳ và áy náy lương tâm; bởi lẽ, chính sự xa hoa, cuộc sống sa đoạ và tính hưởng thụ nơi con người này đã dập tắt ‘cái thánh’ của sự tò mò ngay trong trứng nước. Vì thế, Hêrôđê liên tục trì hoãn việc hoán cải, ông không gặp được Chúa Giêsu. Phần chúng ta, ước muốn gặp Chúa Giêsu nơi chúng ta cũng là sự ‘sự tò mò thánh’, nhưng phải là một sự tò mò trong đức tin đưa đến việc hoán cải mỗi ngày nhờ ân sủng. Từ đó, chúng ta ý thức rằng, việc chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa, Đấng Cứu Độ và việc được ‘sinh lại’ trong Ngài là chưa đủ; chúng ta phải bắt đầu sống một đời sống mới trong Thánh Thần, cũng như phải đổi mới lựa chọn của mình mỗi ngày, bằng cách xa lánh những gì dính bén đến thế tục vốn có thể dập tắt ‘cái thánh’ trong sự tò mò của mình. Có như thế, chúng ta mới có thể gặp được một Giêsu, Con Thiên Chúa đích thực.
Một phẩm chất khác đầy kỳ thú mà chúng ta cũng học được nơi Hêrôđê, đó là tò mò về sự thật của chính mình. Sự thật là gì? Sự thật là Hêrôđê đã giết một vị thánh; vua xác nhận, “Ông Gioan, trẫm đã chém đầu rồi”. Đây là khởi điểm của một hành trình nên thánh, một sự hoán cải đích thực để có thể đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời sống mình, vì ít nhất, Hêrôđê cũng nhận ra mình đã phạm một sai lầm; thế nhưng, ông đã đánh mất cơ hội. Ông thích, nhưng lại ngại gặp Chúa Giêsu, một người sẽ đòi hỏi ông hoán cải; ông ‘sợ’ sẽ nên thánh như vua Đavít; rốt cuộc, ông không gặp Ngài và đã đánh mất cơ hội ngàn vàng để dìm mình vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Để gặp Chúa Giêsu, chúng ta cần có một khoảnh khắc nào đó để tò mò nhìn vào linh hồn mình, tìm xem sự thật về chính mình; bởi lẽ, sự hoán cải luôn luôn bắt đầu bằng việc chấp nhận những thất bại và những nghiêng chiều về điều xấu của bản thân. Có như thế, may ra chúng ta sẽ kín múc được lòng thương xót của Thiên Chúa một khi gặp được Chúa Giêsu. Thánh Philip Nêri thường soi mình trong gương vào buổi sáng và nói, “Lạy Chúa, xin hãy coi chừng Philip hôm nay, kẻo nó lại phản bội Ngài”.
Cuối cùng, hãy nhìn vào Hêrôđê như một người đại diện cho những con người của xã hội hôm nay, một xã hội ý thức sự bọt bèo trần gian hơn bao giờ hết, điều mà sách Giảng Viên hôm nay nhận định, “Phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân”. ‘Sự tò mò thánh’ của Hêrôđê cũng là sự tò mò của xã hội hôm nay; Tin Mừng Chúa Giêsu vẫn đang hấp dẫn rất nhiều người; chứng tá Kitô giáo vẫn là một thắc mắc lớn cho nhiều người; họ tò mò lắng nghe những gì Đức Giáo Hoàng nói và cách thức Giáo Hội phản ứng trước những bất công trên thế giới; nhưng cũng chính những con người này, như một toàn thể, sẽ lên án và phê bình Giáo Hội nếu chúng ta đi ngược Tin Mừng. Thế nhưng, dẫu sao, tất cả vẫn cho thấy dấu hiệu của một sự quan tâm và mong muốn lắng nghe những gì Thiên Chúa nói, đặc biệt qua Giáo Hội, nơi những con người của xã hội hôm nay.
Anh Chị em,
Vậy, trước tiên, hãy nghĩ đến ‘sự tò mò thánh’ của mình, và một khi đã khám phá, chúng ta không dừng lại ở đó nhưng để Thánh Thần kéo chúng ta đến tận điều Thiên Chúa muốn.
Đức Hồng Y Thuận nói, “Con không hiểu tại sao thánh Ignatiô cầu nguyện, ‘Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con!’. Vì Chúa nói với Philipphê, ‘Philipphê, ở với Thầy lâu nay mà con chưa biết Thầy sao?’. Nếu ‘biết’ thật, đời con sẽ đổi hẳn”. Và như thế, môi trường chung quanh con cũng đổi hẳn.
Thứ đến, chúng ta quan tâm đến ‘sự tò mò thánh’ của những anh chị em chung quanh. Chúng ta cầu nguyện cho họ và xin Chúa sử dụng chính mình như đã sử dụng Gioan để mang thông điệp của Ngài đến cho tất cả những ai tìm kiếm nó. Phúc cho ai thích Chúa Giêsu, ước mong tìm gặp Ngài và làm những gì Ngài thích; vì chỉ có nơi Ngài, con người mới tìm được một nơi nương ẩn từ thế hệ này qua thế hệ khác, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bộc bạch, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con nương ẩn”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, nhưng con quên kiếm tìm linh hồn con; vì thế, con chưa gặp Ngài. Xin Thánh Thần Chúa dẫn dắt, đốt hết những gì ‘chưa thánh’ nơi con; may ra, con gặp được Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)