Một thách đố, một phép thử

18/09/2021

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư vĩ đại người Mỹ, người đã có hơn 1.000 công trình lớn trong 70 năm. Thế nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, ông đã phải đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’; đó là lập dự án cho khách sạn Imperial ở Tokyo, một trong những thành phố dễ bị động đất nhất trên thế giới. Cuối cùng, F. L. Wright đã thiết kế một nền móng vững chắc có thể ‘nổi’ trên một lớp bùn mềm, dày hơn 20m; trải dài trên hàng vạn mét vuông bên dưới toà nhà. Lớp ‘đất tốt’ này sẽ cung cấp một điểm tựa chống rung cho một công trình rộng lớn bậc nhất thế giới. Ngay sau khi Imperial Hotel hoàn thành, nó đã phải chịu đựng một trận động đất tồi tệ nhất trong 52 năm, đang khi các toà nhà nhỏ hơn chung quanh nó phải đổ nát.

Kính thưa Anh Chị em,

Như những gì đã thách đố F. L. Wright, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt trước mỗi người chúng ta ‘một thách đố, một phép thử’ khi Ngài gọi bốn loại đất, tượng trưng cho bốn thái độ tiếp nhận Lời, và buộc chúng ta phải chọn lựa cho mình thuộc loại nào để Lời Ngài có thể sinh hoa kết trái: ‘đất đường, đất sỏi, đất gai và đất tốt’; Ngài nói, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

Trước hết, đất đường. Đất đường luôn cứng, nên được gọi là ‘đất cứng!’. Đó là mảnh đất đã biến chất, khi tâm hồn chúng ta hoá cứng; Chúa Thánh Thần soi dẫn làm điều đúng đắn, nhưng chúng ta để nó trôi qua, như thể đó không phải là vấn đề gì to tát; và rồi, ma quỷ, như chim chóc chực sẵn, sà xuống cướp đi ân sủng của Thiên Chúa một cách dễ dàng; sự hời hợt và thiếu đức tin ngăn chúng ta phản chiếu và tận dụng ánh sáng của Lời, Lời không ăn sâu vào lòng. Tiếp đến, ‘đất sỏi!’. Chúng ta vui nhận Lời và bước theo Chúa trong ‘thời bình’; nhưng đến ‘thời chiến’, chúng ta sa ngã; bởi lẽ, ân sủng, cội nguồn tâm linh không đâm rễ sâu trong cuộc sống. Thứ ba, ‘đất gai!’. Chúng ta ì ạch trong đời sống tinh thần bởi những lo lắng, giàu sang và thú vui thói đời; đất gai không thể sinh trái chín muồi; chúng ta quên rằng, ân sủng Chúa đòi hỏi phải hy sinh những thú vui riêng. Ngoài thập giá, không có sự thánh thiện nào có thể tăng trưởng! Sau cùng, ‘đất tốt!’. Đất tốt, đất tinh tuyền, luôn được vun xới, thấm đẫm mưa móc; hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm; hứa hẹn ‘một mùa bội thu!’.

Qua thư Timôtê hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “Con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được!”. Huấn lệnh đó chính là Lời Chúa, là soi dẫn của Chúa Thánh Thần; “thời thuận tiện hay không thuận tiện”, ‘thời chiến hay thời bình’, hạt Lời Chúa vẫn vươn lên. Đến ngày các thiên thần hô to, “Hãy vào trước thánh nhan Chúa giữa tiếng hò reo!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, hẳn chúng ta cũng có thể hoà nhập với đoàn người công chính mà hát ca vui mừng.

Anh Chị em,

Những ngày dịch bệnh hôm nay, đúng nghĩa, là những ngày của ‘thời chiến’; thời mà đức tin của chúng ta đang đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’. Không thể chính xác hơn! Chúng ta đang có cơ hội đi vào khu vườn bí mật của lòng mình; ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân và gặp gỡ chính mình; qua đó, chúng ta nhìn lại các mối tương quan của chúng ta với Trời, với người và với bản thân. “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Cách nhận lãnh và phát triển ân huệ Thiên Chúa ban trong những ngày hôm nay như thế nào là tuỳ vào mỗi người chúng ta. Quả thật, những ngày hôm nay đúng là ‘một thách đố, một phép thử’ của Thiên Chúa. Thiên Chúa ước mong chúng ta để cho Lời Ngài biến đổi ngay trong ‘thời chiến’ này. Mỗi người chúng ta hãy can đảm thưa lên, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Lời Chúa là ‘một thách đố, một phép thử’ đối với con. Xin giải thoát con khỏi những lo lắng và lừa dối của cuộc sống, hầu con kiên nhẫn nhặt đi những sỏi đá và gai gốc trong con mỗi ngày; may ra, sau những ngày hôm nay, con có được ‘một mùa bội thu’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)