Một tình yêu bất khả chiến bại

18/05/2021

“Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha”.

Nếu “Trong chiến tranh, không gì thay được chiến thắng!” với Thống Tướng Douglas MacArthur; thì với Chúa Giêsu, tình yêu đối với Chúa Cha và các linh hồn được trao phó cho Ngài, sẽ là ‘một tình yêu bất khả chiến bại’, dù Ngài phải tự hiến mạng sống trên thập giá vì tình yêu ấy.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay là một phần lời nguyện hiến tế Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, một lời cầu nguyện vốn chỉ có trong Tin Mừng Gioan. “Lời nguyện hiến tế” này được gọi là di sản và chóp đỉnh của mọi lời cầu nguyện; qua đó, ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ rực sáng nơi con người Chúa Giêsu.

Biết rằng, ‘giờ cứu độ’ đã điểm, cùng lúc, cảm nhận tột cùng nỗi thống khổ vì tình yêu mà mình sắp trải qua, Chúa Giêsu không có một suy nghĩ nào khác ngoài việc để cho trái tim mình thuộc trọn về Cha. Cũng vì tình yêu duy nhất đó, Ngài đã chu toàn mọi việc dưới thế cho vinh quang Cha; và giờ đây, khi sắp đối diện với thập giá chung cục, Ngài cầu xin sức mạnh từ Chúa Cha. Ngài ý thức vinh quang thập giá là điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh; qua đó, chính Ngài cũng được tôn vinh. Vì thế, Ngài nóng lòng và khắc khoải chờ đợi giờ phút vinh quang này.

Bên cạnh đó, tình yêu của Chúa Giêsu còn bao trùm tất cả những ai Chúa Cha đã trao phó cho Ngài, Ngài cầu nguyện cho các môn đệ, cho chúng ta, những kẻ còn ở trong thế gian. Và như thế, qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một di sản lớn lao, một bảo đảm vững bền rằng, chúng ta luôn hiện diện trong trái tim Ngài, cũng như Chúa Cha luôn đầy ắp ở đó. Đồng thời, Ngài nói cho chúng ta rằng, cầu nguyện trước hết, là để Chúa Cha được tôn vinh; và chóp đỉnh của sự tôn vinh là việc tự hiến chính mình cho Cha và các linh hồn Cha muốn cứu độ, cho dù sự tự hiến đó sẽ là cái chết trên thập giá. Vì thế, cái chết của Chúa Giêsu là chiến thắng cuối cùng của tình yêu, là cách thức tôn vinh Chúa Cha tột đỉnh bằng sự vâng phục tuyệt đối; một tình yêu không giới hạn tự chứng tỏ, nó mạnh hơn tội lỗi và sự ác; và rồi, sự phục sinh sau thập giá sẽ chứng tỏ một lần nữa, tình yêu mạnh hơn sự chết; ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ của Con Thiên Chúa.

Trong tác phẩm “Linh Thao”, thánh Ignatiô đưa ra một ‘nguyên tắc và nền tảng’ của cuộc sống, “Con người được tạo dựng để ca ngợi, tôn vinh và phụng sự Thiên Chúa; bằng cách này, con người cứu lấy linh hồn mình”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đã sống, đã hiến mình cho vinh quang Chúa Cha, dẫu đó là cái chết; và Ngài đã nhận lại tất cả, Ngài cứu được mình, cứu các linh hồn, khi quyền năng Thiên Chúa không để Ngài hư nát trong mồ, nhưng tôn vinh Ngài bằng sự phục sinh vinh hiển.

Thật bất ngờ, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy ‘một Giêsu khác’ trong thánh Phaolô, một con người tôn vinh Thiên Chúa bằng cả cuộc sống của mình, nhờ đó vị tông đồ dân ngoại vĩ đại có thể kêu mời, “Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ. Với Phaolô, xem ra lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật hiệu nghiệm và trở nên mẫu mực. Vì vinh quang Thiên Chúa và các linh hồn, Phaolô cũng đã tự hiến chính mình như Chúa Giêsu đã tự hiến. Ngài nói, “Thánh Thần báo trước cho tôi rằng, xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ gì cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu”. Tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn nơi Phaolô cũng là ‘một tình yêu bất khả chiến bại’.

Trong cuốn “Hội Chứng Satan”, Nigel Wright nhận định, “Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác, nhưng Ngài là tác giả của sự sáng tạo và rủi ro vốn có trong điều ác. Ý nghĩa thập giá của Đức Giêsu là tình yêu của Đấng chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại; nó vượt quá hiểu biết của con người, nó thuộc về Thiên Chúa; một Thiên Chúa tự hiến mình như một sáng tạo đầy rủi ro. Thế nhưng, qua đó, Ngài đập tan sự ác; và đó là chiến thắng của ‘một tình yêu bất khả chiến bại’”.

Anh Chị em,

Thập giá của Chúa Giêsu là một sáng tạo đầy rủi ro; nhưng qua thập giá, tình yêu của Ngài thể hiện cách tỏ tường hơn cả. Mỗi người chúng ta được Chúa Giêsu yêu mến, được nâng niu như quà tặng Ngài nhận từ Chúa Cha; Ngài mang lấy từng người chúng ta trong tim với tất cả tình yêu của một vị Thiên Chúa. Trên thập giá, tình yêu của Ngài lên đến cực điểm, ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ tự hiến cho Cha, cũng là một tình yêu cứu độ đời đời dành cho các linh hồn. Ước gì tình yêu Giêsu và lửa Thánh Thần của Ngài cũng thiêu đốt trái tim chúng ta như đã thiêu đốt trái tim Ngài, trái tim Phaolô; nhờ đó, Chúa Cha cũng được tôn vinh, và các linh hồn được cứu rỗi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con một phút ngơi nghỉ, nhưng một luôn làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Để được vậy, xin Thánh Thần Chúa cũng đốt lên trong con ‘một tình yêu bất khả chiến bại’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)