Nên trống rỗng

25/03/2021

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngai báu” (Kn 18, 14-15).

Kính thưa Anh Chị em,

Lễ Truyền Tin là lý do của lễ Giáng Sinh; Giáng Sinh đến đúng chín tháng sau ngày Tổng lãnh thiên thần Gabriel ‘vỗ cánh’ bay đến nhà Đức Trinh Nữ Maria để mời cô làm mẹ Con Đức Chúa Trời. Niên đại những ngày lễ này dẫu rất thú vị; tuy vậy, tầm quan trọng vẫn khá khiêm tốn so với ý nghĩa thần học của chúng; rằng, một Thiên Chúa vì quá yêu thương con người, đã tự ‘nên trống rỗng’

Sự nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” trong lòng Đức Trinh Nữ như Thánh Vịnh đáp ca và thư Do Thái hôm nay nhắc đến, là tiền đề cho sự bùng nổ của những niềm vui, ca tụng và hân hoan chung quanh lễ Giáng Sinh, mừng sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi; và hơn bất cứ ai, Đức Maria hẳn là người đã cảm nhận niềm vui Giáng Sinh trọn vẹn nhất khi Mẹ biết mình được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã tự ‘nên trống rỗng’ để cứu lấy con người.

Thiên Chúa đã có thể trở nên một người phàm theo bất cứ cách thức ‘nên trống rỗng’ sáng tạo nào. Ngài đã có thể tự hoá thân từ đất sét như Ađam, một nắm đất được thổi hơi thần thánh vào mũi; đã có thể từ từ bước xuống địa cầu trên một chiếc thang vàng, đi những bước đầu tiên như một lữ khách trên một con đường xứ Palestina; hoặc đã có thể làm người theo cách được tìm thấy của một đứa trẻ bồng bềnh bên bờ Giorđan như Môisen được thả trên dòng Nile huyền thoại Ai Cập.

Không! Ngôi Hai trong Ba Ngôi đã chọn cách thức làm người, đi vào trần gian theo một phương thức như con người; Ngài cũng ra khỏi thế giới này như cách thức chúng ta ra khỏi nó qua cánh cửa của sự chết trước khi phục sinh vinh hiển và lên trời. Ngài bước vào thế giới qua cánh cửa sinh của con người và cũng ra khỏi đó qua cánh cửa tử của nó. Theo Hội Thánh sơ khai, ‘Chúa Kitô không thể cứu chuộc những gì Ngài đã không giả định khoác lấy’; Ngài đã cứu chuộc mọi sự, bởi Ngài mang lấy bản chất con người trong tất cả bề rộng, chiều sâu, sự phức tạp và mọi bí ẩn của nó. Tắt một lời, Ngài đã ‘nên trống rỗng’ để giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.

Sự nhập thể của Ngôi Hai là sự tự ‘nên trống rỗng’ mà Thiên Chúa tự chọn. Hãy tưởng tượng một người trở thành một con kiến đang khi vẫn giữ trí óc và ý chí nhân linh của mình. Con kiến ấy ​​sẽ giống với tất cả những con kiến khác, sẽ tham gia vào mọi hoạt động của loài kiến nhưng vẫn suy nghĩ ở một cấp độ vượt xa chúng. Không có cách nào khác, người ấy phải học hỏi không phải vì tuổi thọ côn trùng vượt trội hơn so với của mình, nhưng chỉ vì nó thấp hơn. Chỉ bằng cách đi xuống, người ấy mới có thể học được những gì bên dưới. Tất cả các phép loại suy đều khập khiễng, nhưng cách tương tự, Ngôi Hai vẫn giữ lại những thuộc tính thần linh của mình trong khi hạ cố để thành một người và học hỏi cuộc sống con người, làm việc như con người, và chết cái chết của con người. Bằng cách làm cho bản thân ‘nên trống rỗng’, Con Thiên Chúa đã nâng con người lên, mở ra cho nó khả năng đi vào một cuộc sống cao hơn, thiên linh hơn trong một chiều kích linh thánh vĩnh cửu.

Truyền thống của Giáo Hội cho rằng, một trong những lý do khiến các thần dữ có thể nổi loạn chống lại Thiên Chúa là vì chúng ghen tức. Các thần dữ có thể đã khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chọn trở thành con người, thay vì trở nên một ‘thực thể’ cao hơn thiên thần; thì đàng này, Ngài lại chọn một hình dạng thấp hơn chúng. Sự ghen tức này cũng sẽ nhắm vào Đức Trinh Nữ Maria, rằng, một phụ nữ đã trở nên ‘Bình Chứa Danh Dự và Hòm Giao Ước’ mang lấy sự lựa chọn của thần linh, mang lấy lời hứa tự ngàn xưa, “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như bài đọc Isaia hôm nay nhắc đến.

Anh Chị em,

Trong cõi mênh mông vô tận của đất trời và miên viễn của thời gian, Thiên Chúa âm thầm thực hiện chương trình của Ngài. Đến thời, đến buổi, bước chân Con Thiên Chúa nhè nhẹ, lặng lẽ vào trần gian; Lời toàn năng của Ngài đã rời ngai báu để mặc lấy thân phận nô lệ và còn hạ mình cho đến nỗi chết ô nhục trên thập giá. Thật là ý nghĩa khi chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, chúng ta cung chiêm Mầu Nhiệm Nhập thể. Cuộc đời con người lắm gian khổ nhưng cũng cao quý biết bao; cao quý đến độ Con Thiên Chúa đã tự huỷ, ‘nên trống rỗng’ để làm con người hầu cứu con người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã chấp nhận ‘nên trống rỗng’ để sống kiếp người như con. Xin cho con mỗi ngày biết làm trống lòng mình, để như Mẹ, có thể đón lấy Chúa, nên giống Chúa từng ngày”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)