“Nếu thế gian ghét anh em, hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo số phận của người Kitô hữu mọi thời, “Nếu thế gian ghét anh em, hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước”. Mãi đến tận thế, số phận của những ai theo Chúa luôn luôn có cùng mẫu số chung với Thầy mình.
Theo William Barclay, ở đây, Chúa Giêsu gọi “thế gian” theo một nghĩa thần học, đó là một thể chế xã hội nhân loại tự thiết lập không có bóng dáng Thiên Chúa; đó là thế giới bắt bớ Chúa Giêsu, thế giới mà Chúa Giêsu, cách nào đó, đồng hoá với Satan; cũng là thế giới Ngài đánh bại và con cái sự sáng sẽ chiến thắng bằng niềm tin vào Ngài.
Thế gian thù ghét Kitô hữu, bởi Kitô hữu không thuộc về thế gian; Kitô hữu không rời xa thế gian nhưng được sai vào thế gian để biến đổi nó. Chính cái giằng co vừa ở trong thế gian, vừa không thuộc về thế gian; vừa được tách khỏi thế gian, vừa phải thi hành sứ vụ ở đó đặt người môn đệ Chúa Giêsu trước những thách đố khôn lường.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đường của Kitô hữu là đường Giêsu, không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài chỉ ra với những hệ luỵ là bị thế gian căm ghét. Đó là lý do của những hận thù và khủng bố liên tục từ những buổi đầu của Giáo Hội cho đến ngày nay. Thực sự, so với thời phôi thai của Kitô Giáo, thì ngay hôm nay, nhiều cộng đoàn vẫn đang bị bách hại”.
Vậy đâu là thái độ của Kitô hữu trước những bách hại ấy. Ngài nói, “Đối thoại là cần thiết, cần duy trì. Nhưng đối thoại phải đến từ bác ái và tình yêu cả hai phía; đối với thủ lãnh thế gian, không thể đối thoại được. Nó dẫn chúng ta chệch dần khỏi chính lộ. Những dối trá liên lỉ. ‘Làm đi, làm đi, không sao đâu’ và chúng ta sẽ thoái thác, ‘Không được đâu’. Nhưng nó sẽ nói, ‘Bạn là người rất tốt’. Những lời tán tỉnh đó làm chúng ta xiêu lòng và rồi, rơi vào cạm bẫy. Vậy thì đâu là vũ khí? Vũ khí của chúng ta là vũ khí của Chúa Giêsu, đó là Lời Thiên Chúa; với ma quỷ, không đối thoại gì hết, nhưng luôn là Lời Thiên Chúa và sau đó là lòng khiêm nhường và hiền lành”.
Một phụ nữ Việt xinh đẹp lấy chồng Tàu. Hơn mười năm, chị không được nói về Chúa ngay cả làm dấu trước khi ăn. Dịch bệnh xảy ra, cả nhà sốt, ho, nằm la liệt; nhiều bà con chồng đã chết trong trại cách ly; chỉ mình chị khoẻ để chăm sóc họ. Chỉ có Chúa mới cứu được, chị nghĩ. Không còn sợ ai, chị làm một thánh giá treo lên tường, tay cầm tràng hạt giấu kín từ lâu, chị cầu nguyện. Có người chỉ điểm, cảnh sát đến đập cổng, yêu cầu kiểm tra. Đi cách ly nghĩa là chết. Mọi người gào khóc bất lực nhìn chị. Một ý tưởng xuất hiện, chị nói lớn, “Cả nhà kéo khẩu trang che miệng, ngồi lên như đang đọc kinh”. Mọi người quỳ xuống trước ‘bàn thờ’. Họ rầm rì, hai đứa con của chị thì đọc lớn những kinh Kính Mừng tiếng Việt. Tiếng đập cửa càng mạnh hơn. Chị ra mở cửa, mọi người nín thở. Lấy hết can đảm, chị nói với cảnh sát, “Mọi người đều khoẻ, chúng tôi đang đọc kinh”. Mặc chị, họ phải làm nhiệm vụ. Họ đo nhiệt độ từng người; đo xong, họ nói, “Mọi người cẩn thận giữ như vậy, không ra khỏi nhà” rồi họ chào về. Họ vừa đi ra, cả nhà oà khóc. Không ai hiểu tại sao chẳng ai sốt cả, máy đo hỏng? Với chị, đây là phép lạ. Mọi người khoẻ lại và kể từ đó, không ai cấm cản chị cầu nguyện nữa. Chồng chị thay một cây thánh giá mới, rất đẹp. Chồng chị đã đồng ý sẽ cho hai đứa con được rửa tội và theo đạo như mẹ chúng.
Anh Chị em,
Ngày nay, có lẽ không ai cấm cản chúng ta sống đạo; thế nhưng, chính vật chất, danh lợi và dục vọng khiến chúng ta cấm cách linh hồn mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, khốn thân con nếu thế gian o bế con vì con đã thoả hiệp, nhượng bộ nó. Xin giúp con ngay khi còn kịp, đừng bao giờ ngã giá linh hồn mình cho quỷ”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)