“Lạy Ngài, tôi tin!”.
Vào một đêm có hiện tượng nguyệt thực toàn phần, ai nấy đều bàn tán về nó. Nhiều người đứng ngoài sân, chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng, họ được nhìn ngắm nó trong một vài phút. Có người tự hỏi, tại sao người ta lại quá chú ý đến sự ‘biến mất’ của mặt trăng mà không chú ý đến sự ‘xuất hiện’ của nó? Và người ấy nhớ đến câu nói của triết gia Waldo Emerson, “Người dốt ngạc nhiên trước sự bất thường; người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta hãy là những người người khôn, biết ‘ngạc nhiên trước sự bình thường’; đồng thời, mở rộng tâm hồn, hầu ánh sáng Chúa có thể rọi chiếu trong ngoài con người mình. Nhờ đó, chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với chính mình; thấy được con người tội lỗi yếu hèn của bản thân; cũng như thấy được tha nhân, những anh chị em rất đáng xót thương.
Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn; nhưng buồn thay, gần như mọi chuyện lại thường trái ngược! Chúng ta nhìn rất nhiều mà dường như chẳng thực sự thấy bao nhiêu. Bởi lẽ, con người thường chỉ nhìn vẻ bên ngoài, đang khi Thiên Chúa thường nhìn bên trong. Bài đọc Samuel hôm nay tiết lộ điều đó, “Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”.
Như vậy, việc ‘thấy’ có nhiều ý nghĩa hơn việc có ‘một thị lực tốt’. Đôi mắt có thể mở rộng nhưng có thể chỉ thấy rất ít. Cho nên, điều quan trọng là phải thấy nơi những phép lạ khác nhau của Chúa Giêsu, luôn có một cái gì đó cao hơn sự chữa lành thể xác. Ngài chữa lành con người cách thâm sâu hơn. Và điều này gần như rất rõ ràng khi Ngài chữa người mù trong Tin Mừng hôm nay. Ngài cho anh không chỉ cái nhìn thể lý, nhưng mở mắt anh, để anh có thể nhìn sâu hơn, có thể nhận biết Ngài, “Lạy Ngài, tôi tin!”. Tôi tin Ngài, Đấng đã từng nói, “Tôi là ánh sáng thế gian!”.
Thật quan trọng để chuyển vần đôi mắt từ việc nhìn qua những gì quen thuộc đến việc nhìn với sự kinh ngạc kỳ vĩ; bí mật cuộc đời là học biết nhìn vào những gì quen thuộc cho đến khi chúng lại trở thành không quen thuộc. Chúng ta mở đôi mắt hướng đến chiều sâu khi mở lòng mình ra với ngạc nhiên. Từ đó, chuyển vần từ tư thế tự vệ đến tư thế vun đắp; từ cái nhìn ghen tỵ đến cái nhìn ngưỡng mộ; từ cái nhìn chua cay đến hiền lành và xót thương; từ ảo tưởng và ái kỷ đến cảm kích và cầu nguyện; từ cái nhìn tính toán qua chiêm ngắm mến yêu; từ cái nhìn giận dữ đến cái nhìn thứ tha; từ cái nhìn vọng dục và thèm khát đến cái nhìn biết ơn và thống hối.
Anh Chị em,
“Lạy Ngài, tôi tin!”. Câu chuyện Tin Mừng Chúa Giêsu mở mắt người mù hôm nay có giá trị biểu tượng tuyệt vời cho cuộc sống chúng ta; bởi lẽ, bạn và tôi đều thấy mình trong tình trạng tương tự của người mù này. Đức Phanxicô nói, “Chúa Giêsu là Ánh Sáng đang chăm nhìn chúng ta, Ngài chữa lành chúng ta, chính Ánh Sáng ban sự sống dịu dàng ấy mời gọi chúng ta bước ra khỏi sự mù tối của mình. Sự gần gũi của Ngài khiến chúng ta thấy thâm sâu hơn rằng, ở xa Ngài thì có một cái gì đó quan trọng còn thiếu vắng hơn trong đời sống. Sự hiện diện của Ngài khiến chúng ta cảm thấy cần đến ơn cứu độ, cần đến sự sống và điều này bắt đầu chữa lành con tim chúng ta. Và khi mong muốn được chữa lành trở nên mãnh liệt, nó dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện và ước ao được chữa lành hơn. Từ đó, chúng ta ‘ngạc nhiên trước sự bình thường’; và cuối cùng, kiên vững tuyên xưng niềm tin vào Ngài như anh mù tuyên xưng, ‘Lạy Ngài, tôi tin!’”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ngồi lì, nhưng đứng dậy, tìm lại giá trị tinh thần, phẩm giá của mình như những con trai con gái đáng yêu có thể nhìn thấy Cha nó; nó được thứ tha và tái sinh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)