“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này!”.
Gordon Lester nói, “Quen thuộc và gần gũi không giống nhau! “Quen thuộc” là điều không thể tránh; dẫu không thấy, nhưng nó xảy ra gần như thường tình. “Gần gũi” thì khó cảm nhận hơn; nó phải được tìm kiếm, mở ra và đáp trả. “Quen thuộc” luôn luôn có; “gần gũi” thì phải tìm, hiểu biết và cảm kích cá nhân. Nó đòi hỏi một sự ‘ngạc nhiên với những gì thân quen!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng cần có một sự ‘ngạc nhiên với những gì thân quen’ được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Thật thú vị, cả hai bài đọc liên kết với nhau qua một nhân vật khá độc đáo, Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê tái khám phá Thiên Chúa; Chúa Giêsu cũng chỉ làm ngần ấy với người đương thời.
Với Chúa Giêsu, bao phép lạ, giáo huấn và sự thánh thiện của Ngài là điều không ai phủ nhận; ấy thế, một số người vẫn không hài lòng, họ đòi thêm dấu lạ. Cũng thế, bạn và tôi thường dễ rơi vào thái độ tương tự! Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Hội Thánh, không ít người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng, kể cả việc người chết sống lại… nghe có vẻ nhàm; đang khi những mặc khải tư, chuyện linh hồn hiện về… lại thu hút nhiều người. Mùa Chay, thời điểm bạn và tôi quay lại với những gì căn bản, tập ‘ngạc nhiên với những gì thân quen’, tập “gần gũi lại, mở ra và đáp trả” tiếng Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ, trong chuỗi hạt… như thể lần đầu!
Thật ra, sự hiện diện của Chúa Kitô trong hành tinh này đã là một dấu lạ vĩ đại; nhưng khi nói về Giôna, Ngài nói đến dấu lạ ‘tử nạn và phục sinh’ của Ngài. Trên thực tế, không dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Mùa Chay, mùa ‘ngạc nhiên với những gì thân quen’; ngạc nhiên với cuộc tử nạn và phục sinh của Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta, các tội nhân. “Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê!” – Thánh Vịnh đáp ca; nhưng thông thường, chúng ta là những tội nhân chểnh mảng. Vì thế, để “gần gũi” lại với Chúa, bạn phải “kiếm tìm”. Hãy nghe một người ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn trở về, vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến! Chúa hứa thứ tha nếu bạn quay lại; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!” – Augustinô.
Anh Chị em,
“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này!”. ‘Dấu lạ Giêsu’, lớn hơn ‘dấu lạ Giôna’ bội phần! Dấu lạ này đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm và vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ. Hãy tái khám phá ‘dấu lạ Giêsu’ trong mỗi Thánh Lễ, từng trang Phúc Âm; khám phá Ngài trong từng con người thân quen dưới một mái nhà; khám phá trong mỗi phút giây chúng ta hít thở… Hãy “tìm kiếm, mở ra và đáp trả” trước huyền nhiệm Thiên Chúa, huyền nhiệm Giêsu trong các Bí tích, trong những con người thân quen! Đó không phải là những gì quá “quen thuộc”, hoặc xa xôi, nhưng thật “gần gũi”, thân ái mà chúng ta tái khám phá từng ngày hầu có thể ngạc nhiên. Đừng đợi thêm dấu lạ nào nữa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con hời hợt với những gì quen thuộc, hờ hững với những gì gần gũi. Cho con biết nhìn mọi sự, mọi người với đôi mắt ngạc nhiên của trẻ thơ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)