Ngài ngủ vắt vẻo trên ván véo

30/06/2020

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay cho thấy một sự thật khá phũ phàng. Không phải dân tộc có Chúa là cha thì luôn hạnh phúc an vui; không phải môn đệ có Thầy ở cùng thì thuyền luôn xuôi dòng.

Qua miệng ngôn sứ Amos, xem ra Thiên Chúa cưng chiều Israel hơn các dân tộc khác quá mức bình thường, “Hỡi con cái Israel, hãy nghe lời Chúa phán, ‘Trong muôn dân nước trên mặt đất, Ta chỉ nhận biết một mình các ngươi’”. Vậy mà Người cũng không thể cầm mình trước sự bội phản của dân, “Vì thế, Ta sẽ đến sát hạch mọi gian ác của các ngươi, Ta đã triệt hạ các ngươi như Thiên Chúa triệt hạ Sôđôma và Gômôra”. Yêu nhiều, quở phạt cũng nhiều; lưu đày Babylon là một bằng chứng.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy một điều tương tự. Không phải có Chúa đồng hội đồng thuyền là môn đệ xuôi chèo mát mái; không phải có Thầy đang ở trong khoang thì thuyền họ xuôi gió thuận buồm. Giữa đêm khuya, con thuyền của môn đệ vẫn chao đảo ngả nghiêng; phong ba, dông tố vẫn không thương tiếc dập vùi cho thuyền họ hòng chìm. Như vậy, không phải có Chúa kề bên là không có bão tố; có Chúa ở cùng là không có nguy nan.

Thế nhưng, câu cuối cùng của bài đọc Amos cũng như cách thức các môn đệ phản ứng hôm nay lại là một cái gì bất ngờ đến tuyệt vời, “Hỡi Israel, hãy sửa soạn đón rước Thiên Chúa của ngươi” và Tin Mừng nói, “Các môn đệ lại gần, đánh thức Người dậy”. Đó là những bài học lớn cho chúng ta. Chờ đợi trong hy vọng, chờ mong trong nguyện cầu.

Trong cuộc sống, chúng ta không bị đày ải như Israel thời Babylon, cũng không gặp giông bão như các môn đệ; thế nhưng, cuồng phong và gió chướng trên dòng đời vẫn không thiếu cho con thuyền linh hồn mỗi người, mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình. Mưa sa bão táp vẫn có thể chụp xuống bất cứ lúc nào cả trong nơi sâu kín riêng tư nhất của mỗi tâm can. Thất đoạt, mất mát, tai ương, bệnh tật và bên dưới, còn có cả những dòng lưu cuồng nộ sân si của thất tình hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục; những cám dỗ của lục tặc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… để rồi con người ngã sa, ghen ghét, tỵ hiềm khi thì bộc phát, khi thì âm ỉ với những hiểu lầm, đố kỵ trước mặt sau lưng gây thương tổn cho nhân vị của nhau. Cũng có thể là sự không chấp nhận chính mình hoặc đáng sợ hơn, phải giày vò trong một tội lỗi nào đó.

Anh Chị em,

Những gì xảy ra trên con thuyền các môn đệ cũng xảy ra trên thuyền đời mỗi người, rằng ở đó, có Chúa Giêsu, Ngài ngủ vắt vẻo trên ván véo, ngủ như chết. Như các môn đệ, chúng ta hãy đến với Chúa, đánh thức Ngài; nếu Ngài chưa dậy, cứ lay Ngài; nếu Ngài nằm lì, cứ ngồi chờ, hoặc cứ lặng thinh. Lặng thinh một đôi khi là nín lặng nhưng lặng thinh phải luôn luôn là lắng nghe vì có nhiều điều chúng ta chỉ nghe khi mắt đã nhoà lệ.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn ngắm vua Đavít. Rất thánh thiện nhưng cũng rất tội lỗi; bị bắt bớ cũng là người bắt bớ; là nạn nhân cũng là kẻ sát nhân. Thế nhưng, một sợi chỉ đỏ chạy cuộc đời Đavít liên kết mọi thứ xảy ra, đó là lời cầu nguyện; đó là tiếng nói không bao giờ bị dập tắt. Đavít thánh thiện, cầu nguyện; Đavít tội lỗi, cầu nguyện; Đavít bách hại, cầu nguyện; Đavít nạn nhân, cầu nguyện; ngay cả Đavít bạo chúa, cầu nguyện. Đó là những giai điệu tưng bừng hay thở than, nó vẫn luôn là lời cầu nguyện; chỉ có giai điệu thay đổi, cầu nguyện không thay đổi. Như vậy, Đavít dạy chúng ta hãy đưa mọi sự vào cuộc đối thoại với Chúa: niềm vui và tội lỗi, tình yêu và đau khổ, tình bạn và bệnh tật… Tất cả có thể trở thành một lời cầu nguyện “Lạy Thầy, này chúng con chết mất”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con quên rằng, một đôi khi Chúa đi vào lòng con mang theo những phúc lành bằng cách húc bể cửa kính”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)