“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”.
Nói đến khát vọng, C. S. Lewis đưa ra một cái nhìn sâu sắc, “Thiên Chúa thấy những khát vọng của con người không quá mạnh, nhưng thật yếu. Chúng ta là những sinh vật nửa vời, bị lừa dối bởi đồ uống, tình dục và tham vọng; đang khi niềm vui vô hạn được ban tặng thì chúng ta từ chối. Như một đứa trẻ ngu dốt tiếp tục nướng những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột, bởi nó không thể tưởng tượng được ý nghĩa của lời đề nghị một kỳ nghỉ ở biển. Nó quá dễ dàng hài lòng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phải, nhiều lúc chúng ta cũng đã quá dễ dàng hài lòng với những khát vọng tầm thường. Thật thú vị, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến khát vọng, một khát vọng nặng mùi đất và một khát vọng ‘ngát hương Trời’. Khát vọng nặng mùi đất, “Dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất”; khát vọng ‘ngát hương Trời’, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”.
Khát vọng là bản tính tự nhiên thường hằng của con người và điều này chẳng có gì xấu. Thế nhưng, bên cạnh những khát vọng đúng đắn, còn có những khát vọng trần tục, lệch lạc. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay đủ cho thấy điều đó. Ngay sau khi Chúa Giêsu, Thầy của họ, nói đến đau khổ và cái chết Ngài sắp trải qua, thì các môn đệ lại tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Một điều gì đó quá thế gian, khi ai cũng cho mình là trung tâm; và chỉ muốn thống trị. Đây là điều được thánh Giacôbê nêu đích danh trong bài đọc hai, “Các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em!”; “Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau; anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ”. Đó là những khát vọng nặng mùi đất!
Phần Chúa Giêsu, Ngài chỉ cho các môn đệ một khát vọng mạnh mẽ, đúng đắn, khát vọng mang tính cứu độ của “Người công chính”, tôi tớ của Thiên Chúa, được sách Khôn Ngoan, bài đọc thứ nhất, tiên báo. Đó là sự “Khôn ngoan từ trời xuống” mà thánh Giacôbê cũng đã nói đến; họ là những con người đem lại “Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”. Đó là một khát vọng được Thiên Chúa đỡ nâng như tâm tình mà Thánh Vịnh đáp ca tỉ tê, “Chúa đang nâng đỡ hồn con, Chúa đang ủi an đời con!”. Vậy thì khát vọng Chúa Giêsu chỉ ra là gì? Chúa Giêsu chỉ ra một khát vọng rất khác, khác hoàn toàn với những gì mà con người hoài bão. Khát vọng của Ngài là khát vọng phục vụ, khát vọng cúi xuống, khát vọng quên mình và khát vọng tự huỷ, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”. Đó quả là một khát vọng ‘ngát hương Trời!’.
Như vậy, một khi tâm hồn chúng ta không còn kiêu hãnh, ích kỷ với những kỳ vọng lệch lạc… thì Chúa Thánh Thần sẽ tràn ngập mọi ngóc ngách trong trái tim chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta kiêu hãnh, tự phụ, tham vọng, chỉ muốn thống trị, thì chắc chắn, Chúa Thánh Thần sẽ không còn chỗ trong tâm trí chúng ta. Vậy hãy làm trống chính mình trước khi nó được lấp đầy. Augustinô, con người của khát vọng, chia sẻ, “Tội lỗi xảy đến khi chúng ta để những ước muốn hoàn toàn tự nhiên hoặc những khát vọng thế tục thao túng. Nó không chỉ là tội, nhưng còn là sự bóp méo sai lệch hình ảnh Đấng Tạo Hoá trong chúng ta. Tất cả những hoài bão tốt đẹp và sự an toàn của chúng ta, chỉ được tìm thấy một cách đúng đắn và hoàn toàn trong Thiên Chúa và chỉ nơi Ngài!”.
Anh Chị em,
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”. Đây là nghịch lý của Tin Mừng. Nhưng chính Chúa Giêsu đã sống điều nghịch lý ấy. Con Thiên Chúa đến trần gian để hiến dâng mạng sống mà cứu chuộc muôn người, “Tôi đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ!”, và đỉnh điểm của sự phục vụ là cái chết của Ngài trên thập giá cho nhân loại được ơn cứu độ. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tự hạ và phục vụ Ngài đã đi. Thế nên, trong mọi đấng bậc, noi gương Thầy Chí Thánh chúng ta trở nên những con người phục vụ như Ngài; cách riêng trong những ngày hôm nay. Cha mẹ phục vụ con cái, con cái phục vụ cha mẹ; chúng ta phục vụ nhau, phục vụ những ai đang dễ bị tổn thương nhất, những ai đang cần đến lòng thương xót nhất. Và như thế, nên giống Chúa, chúng ta bớt nặng mùi đất, cuộc sống chúng ta trở nên ‘ngát hương Trời’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy sự vĩ đại của chính mình khi con biết cúi xuống làm tôi tớ người khác, những ai Chúa trao cho con; và như thế, đời con mãi mãi ‘ngát hương Trời’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)