Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần IV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 – 19, 3
“Absalon con cha ơi, sao cha không chết thay cho con?”
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Đavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: “Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi”. Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon.
Bấy giờ Đavít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về. Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: “Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng”. Vua nói với anh ta: “Ngươi hãy qua bên này”. Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Kusi xuất hiện và tâu vua rằng: “Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua”. Vua hỏi Kusi: “Absalon con ta có bình an không?” Kusi thưa lại: “Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó”.
Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: “Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!”
Người ta đi báo tin cho Gioáp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: “Đức vua thương tiếc con mình”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con (c. 1a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. – Đáp.
2) Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa. – Đáp.
3) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43
“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?'” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
01/02/2022 – THỨ BA TUẦN 4 TN
Mồng Một Tết Nhâm Dần. Cầu bình an năm mới
Mt 6,25-34
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, – “ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để Chúa định liệu theo thánh ý Ngài.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.
Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa
để thấy tất cả là hồng ân,
kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.
Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.
Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.
Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.
Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.
Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.
Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.
Con Thiên Chúa làm người đã đằm mình trong dòng thời gian như ta.
Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.
Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…
Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).
Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê
để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.
Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”
Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…
Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Ítraen (c. 27).
Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.
Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.
Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.
Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.
Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.
Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”
Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu
thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.
Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.
Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.
Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha,
họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết,
và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.
Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,
vì Cha vẫn cho chúng con sống,
và sống trong tình yêu.
Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha
để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.
Tạ ơn Cha
vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.
Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc
trong tinh thần vui tươi, hòa nhã,
và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.
Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau
là những lời chúc lành
xuất phát từ trái tim yêu thương.
Và lạy Cha, năm mới đã đến,
trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,
chúng con cũng muốn
ở lại trong quỹ đạo của Cha,
nhận Cha là trung tâm cuộc sống,
và nhận mọi người là anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG HAI
Sức Mạnh Giấu Ẩn Trong Sự Bất Lực
Thiên Chúa hiện diện ở giữa mọi nền văn hóa của con người, bởi vì Ngài hiện diện nơi chính con người – là tạo vật mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa không ngừng hiện diện nơi những ai – bằng kinh nghiệm và bằng cảm hứng của mình – đóng góp vào việc hình thành những giá trị, những tập tục và những cơ chế làm nên di sản văn hóa của toàn thế giới này.
Nhưng vị Vua Vinh Hiển còn muốn đi vào trong những nền văn hóa này bằng một cách thế trọn vẹn hơn nữa. Ngài muốn đi vào trong cung lòng của bất cứ ai sẵn sàng mở rộng để đón nhận Ngài: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên! Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào!” Trong biến cố dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Thiên Chúa đã vào đền thánh của Ngài trong tư cách là “Vua Vinh Hiển”.
Nhưng – “Đức Vua vinh hiển đó là ai?” (Tv 24, 7 – 8). Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ trao cho chúng ta câu trả lời. Chúng ta nhìn ngắm Maria và Giu-se ẵm một hài nhi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy là bốn mươi ngày sau biến cố hài nhi chào đời.
Và hai người đã trình diện hài nhi cho các tư tế trong đền thờ để chu toàn lề luật. Nhưng, với thái độ tuân phục ấy, hai người đang chu toàn một cái gì đó còn hơn cả lề luật. Mọi sấm ngôn thuở xưa giờ đây đang được hiện thực trọn vẹn, vì Maria và Giu-se đang mang vào đền thờ “ánh sáng của mọi dân tộc.”
Thiên Chúa đi vào đền thánh không phải trong tư cách của một đấng quyền lực mạnh mẽ, nhưng là trong dáng dấp của một em bé trên đôi cánh tay mẹ mình. Vua Vinh Hiển không đến trong uy phong lẫm liệt của nhân loại, không rình rang đình đám ồn ào. Ngài không gây giật gân, khiếp hãi. Ngài vào đền thờ vẫn với cung cách như khi Ngài vào thế giới: là một bé thơ. Ngài vào đền thờ trong lặng lẽ, nghèo hèn, và hiện diện với Ngài là những kẻ nghèo hèn và những người khôn ngoan.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/2
2Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30; Mc 5, 21-43.
LỜI SUY NIỆM: “Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu , ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để xin được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông.”
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: Mỗi khi đến gặp Chúa Giêsu, chúng ta cần có một thái độ cung kinh đối với Người, biết đặt trọn niềm tin vào nơi Ngài, rồi trình bày; thì sẽ được Người nhậm lời.
Lạy Chúa Giêsu. Ông trưởng hội đường Gia-ia trước đó, chắc ông đã cậy dựa vào sự khôn ngoan và tài lực của mình để chạy chữa cho con gái của ông, nhưng không thành. Cuối cùng, ông đã đến gặp Chúa, và con gái ông đã được Chúa chữa lành. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng con thấy được, mọi sự bất toàn, đối với thế gian, nhưng khi đặt trọn niềm tin vào Chúa, mọi sự sẽ được thành toàn. Xin cho mỗi người trong chúng con đặt trọn niềm tin vào Chúa, để ơn lành sẽ đến với chúng con.
******************
LỄ GIAO THỪA
Ds 6, 22-27; 1Tx 5, 16-26; Mt 5, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Đức Giêsu đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!”
Chúa Giêsu không bao giờ chấp nhận, những lời tung hô của những kẻ bất xứng, muốn che đậy cái thật xấu xa của mình, như trong câu chuyện “Chúa Giêsu chữa lành cho người bị quỷ ám ở Giê-ra-xa” Người thanh niên này bị quỷ ám đã tung hô Người, nhưng Người đã nhận ra nó và phán bảo: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khi tuyên xưng về Chúa với một sự tôn kính và yêu mến Chúa, để luôn được ở gần Chúa hơn.
******************
LỄ TÂN NIÊN
St 1, 14-15; Pl 4, 4-8; Mt 6, 25-34.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời; chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”
Trong ngày đầu năm mới Âm lịch. Giáo Hội, mời gọi tất cả con cái của mình: “Tin tưởng vào Chúa quan phòng.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dẫn đưa chúng con đi vào đời sống thật sự của Chúng con, cần phải nhìn vào những hình ảnh rất gần và rất thực với chúng con: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: “chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy báo cho anh em biết ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con luôn luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa quan phòng, để chuyên tâm sống đúng phẩm giá của mình là một Kitô hữu.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
01 Tháng Hai
Rừng Mắm
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề “Rừng Mắm”, cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:
– Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?
– Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.
– Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?
Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: “Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con”.
Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: “Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?”. Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng cay, thất vọng.
Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên.
Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên.
Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của người khác.
Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần 4 – TN2
Bài đọc: Heb 12:1-4; II Sam 18:9-10, 14b, 24-25a, 30 – 19:3; Mk 5:21-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sức mạnh của đức tin
Con người chúng ta rất thực tế: Để chúng ta chú ý tới và làm theo điều gì, điều đó phải có lợi ích cho chúng ta. Tương tự trong lãnh vực đức tin, chúng ta cũng thắc mắc: Đức tin làm gì cho con người?
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của đức tin. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái ví cuộc đời như một cuộc chạy đua trong thao trường. Để có thể đạt đích, con người cần trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình; kiên trì hoàn tất cuộc đua; nhất là noi gương Đức Giêsu Kitô, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.
Trong Bài đọc I, năm chẵn, mặc dù vua David đã bị Thiên Chúa lấy đi tới đứa con thứ ba và phải chịu bao nhiêu tủi nhục đau khổ, nhà vua vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và không dám oán trách Ngài. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật 2 phép lạ được chữa lành nhờ đức tin: (1) Một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được lành bệnh vì Bà tin, Bà chỉ cần chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu là được chữa lành. (2) Con gái của ông Trưởng Hội Đường Jairus được Chúa truyền cho trỗi dậy từ cõi chết vì ông đã tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Hãy chạy làm sao để đạt đích.
1.1/ Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử: Tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy cách hiệu quả, con người cần:
(1) Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đau chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hoàn tất cuộc đua.
(2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua.
1.2/ Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn toàn. Nói cách khác, vì niềm vui là mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy, vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.
Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường, nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập-Giá. So sánh với những gì Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Absalom con ơi! Phải chi cha chết thay con!
2.1/ Absalom bị Joab và quân lính giết chết: Dưới mắt con người, Absalom là một đứa con bất hiếu và phản loạn. Ông đã phạm tội giết Amnon, người anh em cùng cha khác mẹ. Ông đã phạm tội loạn luân, ăn nằm với các tỳ thiếp của cha mình giữa thanh thiên bạch nhật. Ông đã phạm tội bất hiếu, cấu kết với dân chúng để cướp ngôi vua của cha mình. Vì thế, khi có cơ hội để giết, các tướng lãnh của David sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Trong trình thuật hôm nay, khi một người trông thấy Absalom bị treo lơ lửng giữa không trung, ông chạy vội về báo tin cho tướng Joab. Absalom đã bị Joab và binh lính đâm chết để trừ hậu hoạn cho nhà David. Joab và binh lính nghĩ vua David sẽ vui mừng khi hay tin Absalom bị tử thương; nên họ sai người chạy đi báo tin cho vua David.
2.2/ Vua David khóc thương Absalom: Chỉ có một người hiểu rõ nguyên do tại sao Absalom trở thành đứa con ngỗ nghịch như thế là vua cha David. Vua David biết rõ con chết là vì tội của mình. Khi hay tin con chết, Vua David run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: “Absalom con ơi, con ơi, Absalom con ơi! Phải chi cha chết thay con! Absalom con ơi, con ơi!” Hôm ấy, chiến thắng đã trở thành tang tóc cho toàn thể quân binh, vì hôm ấy, quân binh được nghe nói rằng: “Đức vua buồn phiền vì mất con.”
Đây là người con thứ ba Thiên Chúa cất khỏi vua David; nhưng nhà vua, tuy đau khổ cùng cực, vẫn không dám buông một lời oán trách Thiên Chúa hay đánh mất niềm tin tưởng vào Ngài. Vua ăn năn hối hận vì hậu quả của tội lỗi đã gây ra, và ước mong có thể được chết thay cho các con của mình.
3/ Phúc Âm: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
3.1/ Ông Trưởng Hội Đường Jairus xin Chúa chữa bệnh cho con gái: Chức vụ Trưởng Hội Đường tự nó nói lên uy quyền và danh dự của ông. Qua những lần xung đột giữa Chúa Giêsu và các Kinh-sư, lẽ ra ông phải là người tránh né Chúa Giêsu. Thế mà theo trình thuật hôm nay, vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Thấy cách biểu lộ niềm tin của ông, Người liền ra đi với ông về nhà. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
3.2/ Đức tin có thể chữa lành bệnh hiểm nghèo: Đang khi trên đường tới nhà ông, một phép lạ khác được tường thuật: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến táng gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào gấu áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.”
Chỉ có hai người nhận ra phép lạ: người cho là Chúa Giêsu và người nhận là người đàn bà bị băng huyết. Các môn đệ ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu hỏi “Ai đã sờ vào áo tôi?” Nhưng Chúa Giêsu nhận ra sự khác biệt giữa sự đụng chạm của niềm tin và sự đụng chạm vì chen lấn. Khi biết không thể giấu được nữa, người đàn bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng là sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã không dám công khai xin cứu chữa, nhưng Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
2.3/ Đức tin làm cho con gái Jairus sống lại: Khi Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà Ông Trưởng Hội Đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”
Có ít nhất 3 lần, các tác giả của Phúc Âm tường thuật Chúa cho người chết sống lại: trình thuật hôm nay, người con trai của bà góa thành Nain (Lk 7:11), và Lazarus (Jn 11). Người ta kinh ngạc đến sững sờ khi thấy Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, vì họ chưa từng thấy như thế bao giờ. Trong phép lạ Lazarus, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin với Martha: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, dầu có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25-26).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin cần thiết để giúp chúng ta trung thành với Thiên Chúa ở đời này. Nếu không có đức tin, chúng ta sẽ dễ dàng ngã gục trước những gian khổ trong cuộc sống.
– Tội lỗi gây ra những hậu quả khốc hại cho cá nhân, gia đình, và xã hội. Chúng ta hãy cố gắng học hỏi những gì đã xảy ra cho David, cho gia đình và quốc gia của ông; để biết tránh xa tội lỗi và những cơ hội đưa đến sự sa ngã.
– Đức tin làm cho con người được sống. Nếu chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, sự chết không thể nào làm chủ chúng ta; vì một khi bước qua cái chết thể xác, chúng ta sẽ được sống với Thiên Chúa muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************