Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần III Mùa Phục Sinh Năm chẵn
Thánh Philípphê và Giacôbê
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-8
“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.
Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. – Đáp.
2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 6b và 9c
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 14, 6-14
“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.
Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
03/05/2022 – THỨ BA TUẦN 3 PS
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14
NGƯỜI MÔN ĐỆ THỰC TIỄN
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha.” (Ga 14,8)
Suy niệm: Phi-líp-phê là người môn đệ thực tiễn đó. Ông thích hành động cụ thể hơn là suy tư trừu tượng. Để giới thiệu Đức Giê-su cho bạn mình là Na-tha-na-en, ông không nêu lý lẽ, mà mời bạn chứng nghiệm: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1,45-46). Lần khác, trước đông đảo dân chúng đang nghe Ngài giảng, Chúa hỏi để thử Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Ông liền “cân đo đong đếm” đám đông không dưới 5.000 người đó và tính nhanh: “Thưa có mua đến 200 đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,6-7). Với tính cách thực tiễn như thế, ông muốn được thấy Chúa Cha giống như ông đang thấy Chúa Giê-su đây. Đáp lại lời cầu xin của Phi-líp-phê, Chúa mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy, ngay bây giờ anh em biết Người và đã thấy Người.”
Mời Bạn: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, đó là phương thế thực tiễn đáp lại lời cầu xin thực tiễn của Phi-líp-phê. Bằng cách chiêm ngắm Đức Giê-su chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào cõi mầu nhiệm của “những sự trên trời” (Ga 3,12), “nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1), vì như Chúa nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,8).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn dành thời gian chiêm ngắm Chúa Giê-su bằng việc suy niệm Lời Chúa, để nhờ biết Đức Ki-tô mà nhận biết Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là trung gian để chúng con đến với Chúa Cha và biết Người. Xin cho chúng con ngày càng yêu mến học hỏi về Chúa để nhờ đó chúng con biết Chúa Cha rõ hơn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG NĂM
No Thỏa Và An Bình Trong Đức Kitô
Thánh Vịnh 23 sửa soạn cho chúng ta nhận hiểu ý nghĩa của dụ ngôn Người Mục Tử Tốt Lành. Đây là một thánh vịnh rất quen thuộc với tất cả chúng ta.
Hình tượng của thánh vịnh này rất phong phú – và có thể được phân vào hai khung cảnh khác nhau. Trước hết, đó là hình ảnh “đồng cỏ xanh tươi” – biểu trưng sự an toàn và sự bổ dưỡng thần linh mà Chúa cung ứng cho chúng ta; rồi “những dòng nước trong lành” xua tan nơi ta cơn khát; hình ảnh “đường ngay nẻo chính” nhắc nhở ta rằng mình đang trên hành trình tiến về một điểm tới cuối cùng trước mặt; “thung lũng âm u” tượng trưng cho những chông gai mà chúng ta phải đương đầu trên hành trình ấy. Đó là những hình ảnh được rút ra từ mối quan hệ giữa mục tử và đàn chiên.
Nửa sau của thánh vịnh là những hình ảnh đặc tả khung cảnh vui vầy. Thánh vịnh nói về một “bàn tiệc” mở rộng – diễn tả ơn phúc dồi dào mà ta được ban cho qua sự hiệp thông với Chúa; hình ảnh “xức dầu thơm” cho thấy thái độ ân cần săn sóc của Người; và “ly rượu đầy tràn chan chứa” nói lên tấm lòng ưu ái và quảng đại mà Chúa luôn dành cho ta.
Trọn cả thánh vịnh, nhất là câu cuối cùng, nhắc cho ta về niềm no thỏa và an bình tuyệt diệu ta nhận được trong Đức Kitô, Đấng Mục Tử tốt lành.
“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.”
Đức Kitô hướng dẫn chúng ta theo đường nẻo “yêu thương và nhân hậu” mà Người bước đi trong cuộc đời dương thế của Người – và cuối cùng, Người về đến “nhà của Chúa” để dọn chỗ sẵn cho ta.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/5
Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê, Tông Đồ
1Cr 15, 1-8; Ga 14, 6-14.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.”
“Khi Chúa Giêsu ký thác cách công khai cho các môn đệ Người mầu nhiệm cầu nguyện với Chúa Cha, thì Người tỏ cho các ông kinh nghiệm của các ông – và cũng là của chúng ta – phải thế nào, một khi Người sẽ về với Chúa Cha trong nhân tính đã được tôn vinh của Người. Vào lúc đó điều mới mẻ ; “là cầu xin nhân danh Người”. Lòng tin vào Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến chỗ biết Chúa Cha, vì Chúa Giêsu là: Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6).; Lòng tin mang lại hoa trái trong lòng mến, đó là tuân giữ Lời Người, các điều răn của Người, đó là cùng với Người ở lại trong Chúa Cha. Đấng yêu mến chúng ta trong Người, đến độ ở lại trong chúng ta. Trong giao ước mới này, chúng ta xác tín rằng những lời cầu xin của chúng ta được đoái nhận, niềm xác tín đó dựa trên nền tảng là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.” (GL 2614}
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mỗi lời cầu nguyện của chúng con được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa; giúp chúng con nhận được mọi ơn lành của Chúa Cha ban cho.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-05: Thánh GIACÔBÊ và PHILIPPHÊ
Tông Đồ (Thế kỷ thứ I)
Giáo hội tôn kính hai vị tông đồ này trong cùng một ngày, vì vào thế kỷ thứ V, xác các thánh được đưa về Rôma với nhau và đặt ở đền thờ các thánh tông đồ. Ngày dời xác các Ngài là ngày 01 tháng 5. Nhưng vì trùng với lễ thánh Giuse thợ, lễ kính các Ngài được dời vào ngày 03 tháng 5.
Thánh GIACÔBÊ HẬU
Chỉ có một chỉ dẫn Tân ước cung ứng cho chúng ta về vị tông đồ thứ hai mang tên Giacôbê: Ngài “là con ông Alphêô” (Mt 10,3 – Mc 3,18 – Lc 6,15 – Cv 1,13). Vậy không đáng ngạc nhiên gì, khi có nhiều cố gắng đồng hóa Ngài với một hay nhiều người cùng mang tên là Giacôbê ở trong Tân ước. Có Giacôbê “người anh em của Chúa” (Cl 1,19).
Có lẽ Ngài đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra (1Cr 15,7) và chắc chắn Ngài là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (Cv 12,17 – 15,13 – 21,18). Sau cùng, người được đồng hoá với người anh em của Chúa được nhắc đến trong Phúc âm (Mt 13,55 – Mc 6,3). Đó là ý kiến của thánh Hiêrônimô và được chấp nhận lại đời, nhưng các học giả ngày nay muốn phân biệt hai người khác nhau và Phúc âm chỉ giản dị ghi lại tên Ngài.
Dầu cho các sách Phúc âm không nói nhiều tới thánh nhân nhưng Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói : – “Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết” (Cv 12,17)
Khi tiếp xúc với các tông đồ, thánh Phaolô đã đến gặp Giacôbê. Sau này thánh Phaolô nói : – “Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu thông hiệp” (Ga 2,9)
Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc âm cho dân ngoại (Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (Cv 21,18)
Để diễn tả sự thánh thiện của Giacôbê, thánh Eusêbiô và Hiêrônimô đã nói rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa nay không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.
Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước ông nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói : – Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời.
Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.
*****************************
Thánh PHILIPPHÊ
Thánh Philipphê là người Bethsaida (Ga 1,44). Trên đường đi Galilêa, Chúa Giêsu đã gọi ông. Đến lượt mình chính Philipphê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael: – “Đấng mà Môisê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến chúng tôi đã gặp rồi” (Ga 1,45)
Và ông còn khích lệ thêm : – “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46)
Khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu đã tin tưởng và ông hỏi: – “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn” (Ga 6,5)
Như vậy Chúa Giêsu đã hiệp với ông trước hết trong việc chuẩn bị cho phép lạ này.
Dịp lễ vượt qua sau cùng Chúa Giêsu, các lương dân đã nhờ Philipphê xin Chúa cho họ được gặp Người: – “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu” (Ga 12,21)
Sau cùng, trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc Ly, Philipphê lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: – “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con rồi”.
Chúa Giêsu nói với ông: – “Đã lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philipphê, ngươi đã không biết Ta ư ? Ai thấy ta là đã thấy Cha. Làm sao ngươi nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha (Ga 14,8-9)
Các tông đồ chỉ hiểu được chiều kích rộng lớn của những lời này khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ông.
Đó là tất cả những gì mà sách Tin Mừng nói với chúng ta về thánh tông đồ Philipphê. Sau này truyền thống cho chúng ta biết thánh Philipphê đã đi rao giảng Phúc âm ở Scythia và Phrygia. Nhưng rất có thể người ta đã lầm thánh nhân với vị phó tế cũng có tên là Philipphê. Về cái chết của Ngài, không có gì là chắc chắn. Có tài liệu nói rằng: Ngài tử vì đạo. Có tài liệu lại cho rằng: Ngài chết già.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
03 Tháng Năm
Ði Về Ðâu?
Tiền tài danh vọng không làm cho con người hạnh phúc… Ðó là điều mà người ta thường nói khi bàn về cái chết của cô đào Marilin Monroe cách đây hơn hai chục năm… Nay, người ta cũng lặp lại điều đó với nữ danh ca Dalida, người Pháp gốc Ai Cập… Dalida đã tự vận vào hôm 03/5/1987 tại nhà riêng của cô ở Montmartre, Paris, lúc cô được 54 tuổi.
Sinh năm 1933 tai Le Caire với tên thật là Yolande Gigliotti, đã trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được hâm mộ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, nhờ giọng ca đầy truyền cảm của cô. Những người thuộc thế hệ 50 và 60 không thể quên những bài “Bambino”, “Gigi l’amorose”… do cô trình diễn. Danh vọng đã không đủ để thỏa mãn cô. Ngày 27/02/1967, cô đã thử một lần tự tử, rồi được cứu sống.
Tự tử cũng là một thể hiện nỗi khao khát khôn cùng trong lòng người: đó là khao khát hạnh phúc. Khi cuộc đời này không còn là một đáp trả cho nõii khao khát ấy, nhiều người đã tự mình tìm đến cái chết như một giải thoát.
Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng không là khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống. Con người sinh ra để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Sau cái chết những gì đang thực sự chờ đợi con người… Ðó là những câu hỏi lớn mà con người ngày nay, khi đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.
Con người bởi đâu mà ra, con người sẽ đi về đâu? Ðó là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Ðó là những câu hỏi mà chúng ta không ngừng tự đặt ra cho mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Ðức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy.
Trước ngưỡng cửa của năm 2000, nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống. Người Kitô được trang bị bởi Ðức Tin đang nằm giữa một vai trò quan trọng giai đoạn này. Ánh sáng Ðức Tin, cần phải được chiếu sáng trong cuộc sống của người Kitô để nhờ đó, những người xung quanh cũng tìm ra được ý nghĩa và giá trị cũng như hướng đi đích thực của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Kinh Thánh Philiphê và Giacôbê, TĐ – Ngày 3 tháng 5
Bài đọc: 1 Cor 15:1-8; Jn 14:6-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhờ Tin Mừng, anh em được cứu thoát.
Philip là người cùng quê quán với Phêrô và Anrê, sinh ra tại Bethsaida (Jn 1:44). Ông cũng là một trong số những người theo John Baptist khi ông này chỉ vào Đức Kitô và giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!” Sau khi gọi Phêrô, Chúa Giêsu gặp Philip và gọi ông theo Ngài làm môn đệ với hai tiếng truyền đơn giản “Hãy theo Ta.” Philip vâng lời đáp trả tiếng gọi, và sau đó ông mang Nathaniel đến giới thiệu với Chúa và cũng trở thành môn đệ của Ngài (Jn 1:43-45). Philip có tên trong danh sách của Nhóm Mười Hai, tên của ông đứng hàng thứ năm trong danh sách, sau Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê (Mt 10:2-4; Mk 3:14-19; Lk 6:13-16). Tin Mừng Thứ Tư tường thuật ba biến cố liên quan tới Philip (Jn 6:5-7; 12:21-23; và trình thuật hôm nay 14:8-9). Ba biến cố này cho chúng ta cái nhìn tổng quát về Philip: ngây thơ, xấu hổ, và hơi bi quan.
Thánh Giacôbê chúng ta mừng hôm nay được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Giacôbê con ông Alpheus để phân biệt với Giacôbê con ông Zebedee (Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13), anh của Gioan; Giacôbê nhỏ để phân biệt với Giacôbê lớn (Mt 27:56); Giacôbê, anh em với Chúa (Mt 13:55; Mk 6:3; Gal 1:19). Không một chút nghi ngờ, ông cũng được nhắc tới trong Thư Galat sau đó (2:2, 9; Acts 12:17, 15:13, 21:18; 1 Cor 15:7). Ông cũng là Giám-mục đầu tiên của Jerusalem (Acts 15 và 21), mặc dù ý kiến này cũng bị nhiều người phản đối.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ.
1.1/ Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết “khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!” Sau đó, ông được sai tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.
1.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn ban cho ông đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.” Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”
1.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: “Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.”
2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.” Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
– Ông Philíp yêu cầu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”
– Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?””
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.”
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.
2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”
– Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ … Các Tông-đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: “Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”
– Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tin Mừng của Đức Kitô cần được học hỏi cẩn thận trước khi rao truyền cho mọi người. Nếu có sự mâu thuẫn, chúng ta cần khiêm nhường tìm hiểu và sửa chữa cho đúng sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************