Ngày thứ ba (04-01-2022) – Trang suy niệm

03/01/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần II Mùa Giáng Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8

Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.

2) Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. – Đáp.

3) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 4,22

Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 34-44

“Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Đấng Tiên tri”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

04/01/2022 – THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Mc 6,34-44

MỤC TỬ VÀ TRÁCH NHIỆM

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6,34)

Suy niệm: Cựu Ước thường dùng hình ảnh “bầy chiên không có người chăn dắt” để nói lên tình cảnh đáng thương của dân Chúa bơ vơ thiếu vắng mục tử. Đàn chiên không có người chăn đã là đáng buồn. Có người chăn mà không thi hành phận sự mục tử thì càng đáng buồn hơn nữa. Thời Chúa Giê-su, dân chúng thì đói khát chân lý, những người có bổn phận hướng dẫn, lãnh đạo dân chúng, cụ thể là các luật sĩ, biệt phái, tư tế, thì lại bất trung. Họ làm cho đám đông hiểu sai về Đấng Cứu Thế. Họ đã biến Đền thờ thành nơi trục lợi thay vì nơi ban phát Lời Chúa. Cách sống nhập nhằng của họ thật tai hại cho đời sống đức tin của đoàn dân Chúa. Chúa Giê-su đến như mẫu mực lý tưởng cho các mục tử, vì Ngài là Mục Tử đích thực. Ngài chăm lo cho đoàn chiên mình, nuôi dưỡng chúng bằng lương thực bởi trời là chính Lời và Thân Mình Ngài. Ngài là mục tử thí mạng vì đoàn chiên.

Mời Bạn: Không chỉ các giám mục, linh mục, mà những bậc làm cha mẹ, những người có trách nhiệm nơi một số người, cũng là những mục tử Chúa đã chọn đặt. Vì thế, chúng ta có phần trách nhiệm lớn khi tình trạng đạo đức của họ sa sút: phải chăng vì chúng ta không nói ý Chúa cho họ? Hay vì đời sống chúng ta không đúng với những gì chúng ta dạy?

Sống Lời Chúa: Có những người Chúa trao cho bạn coi sóc. Hãy thực thi bổn phận mục tử với họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương đến các mục tử của dân Chúa. Đặc biệt xin ban cho các giám mục, linh mục có trái tim của người mục tử, biết tận tụy lo cho đoàn chiên Chúa trao phó.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ người đói ăn,
Và nhiều nơi ở châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói.
Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những ý tưởng đẹp,
và loay hoay với chuyện cứu rỗi linh hồn.
Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh
lại là một Thiên Chúa để ý đến cái đói của thân xác con người.
Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước uống
cho dân Người trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa,
mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật.
Thiên Chúa ấy được coi là người mục tử
dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.
Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với Cha của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử.
Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt,
Ngài qui tụ họ lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều.
Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn.
Lo cho chiên được no là nhiệm vụ của người mục tử.
Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn này:
“Chính anh em hãy cho họ ăn !”
Với tất cả những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá,
năm ngàn người đã được ăn no và còn dư mười hai thúng đầy.
Chiều hôm đó, cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã.
Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông dân chúng.
Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên.
Chẳng phải Thầy Giêsu mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ.
Chính các môn đệ cũng đã làm như thế cho đoàn dân.

Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay.
Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên đới.
Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền bạc, khả năng.
Hãy trao vào tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG GIÊNG

Ánh Sao Của Đức Tin

Các nhà thông thái từ phương Đông xa xôi ấy đã nhận ra thông điệp của ánh sao bằng con mắt đức tin của họ. Đức tin đã thúc giục họ lên đường vào cuộc hành trình vạn dặm. Họ nhắm hướng Giê-ru-sa-lem, kinh thành của Israel, nơi mà sự thật về cuộc xuất hiện của Đấng Mêsia đã được cho biết trước từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các ngôn sứ đã tiên báo việc Ngài xuất hiện, các tác giả Sách Thánh đã viết về Đấng Mêsia. Thiên Chúa – Đấng tự biểu lộ về mình trong cõi lòng thầm kín của các nhà thông thái – cũng đã ngỏ lời với dân riêng Ngài trong suốt hàng bao thế kỷ.

Cuộc xuất hiện được đợi chờ đằng đẵng ấy đã hoàn toàn trở thành hiện thực trong đêm Chúa giáng sinh ở Bê-lem. Đêm ấy vốn đã là một cuộc hiển linh của Chúa rồi; Chúa được sinh ra bởi một trinh nữ và được đặt nằm trong máng cỏ.

Vị Thiên Chúa ấy đã muốn xuất hiện một cách thật âm thầm bằng cuộc sinh hạ hết sức đơn sơ, nghèo nàn và lặng lẽ tại Bê-lem. Phải chăng ở đây Ngài đang linh hiển sự khiêm nhường thần nhiệm của Ngài! Chỉ một vài người chăn súc vật đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.

Rồi tới lượt các nhà thông thái đến. Thiên Chúa, trong khi ẩn tránh những người ở rất gần xung quanh Ngài, đã muốn mạc khải chính Ngài cho những con người này – là những kẻ đến từ xa. Chính ánh sao của đức tin, ánh sao mạc khải vị Cứu Chúa, đã soi dẫn nẻo bước cho những con người này. Và như thế, lời tiên báo của Isaia đã trở thành hiện thực: “Các quốc gia sẽ bước đi dưới ánh sáng của ngươi – và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi soi dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả đều qui tụ để tiến đến với ngươi” (Is 60, 3 – 4).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 4/01

Thánh Elizabeth Ann Seton

1Ga 4, 7-10; Mc 6, 34-44..

Lời Suy Niệm: “Ra khỏi thuyền, Đức Gisêu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

          Dân chúng đã nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu, khi Người giảng dạy cho họ. Mặc dầu Người và các môn đệ đã xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoan vắng. Nhưng lòng dân chúng vẫn hướng theo  Người. Điều này Chúa thấy nơi họ có một niềm khao khát là mong được gặp Người và được nghe tiếng của Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho toàn thể nhân loại ngày hôm nay có sự ao ước như đấm đông ngày trước, để nhận được những giáo huấn của Chúa của Giáo Hội để sống an vui và bình an với nhau.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

04 Tháng Giêng

“Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”  

    Nhà độc tài nào sau khi ra đi cũng trở thành bia cho không biết bao nhiêu những lời đàm tiếu của thiên hạ. Năm 1986, người ta nói đến trên 3,000 đôi giày đã trở thành bảo tàng viện của bà Imelda Marcos, phu nhân của cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Ferdinand Marcos. Sau đó, người ta lại bàn tán về những đôi giày của bà Elena, vợ của nhà độc tài Ceaucescu bị hành quyết tại Rumani.

Khi vợ chồng của cựu tổng thống Marcos bị bắt buộc phải bỏ nước Phi, dân chúng đã tuôn đến dinh tổng thống như một ngày hội: họ đến đó chỉ để xót xa so sánh cái cảnh giàu sang quá mức của gia đình nhà độc tài với cái đói khổ mạt rệp của dân chúng. Người dân Phi nói rằng, trong 9 năm liền, bà Imelda Marcos chỉ có thể mang một đôi giày không quá 3 lần là cùng. Sau khi hành quyết vợ chồng Ceaucescu, người ta mới khám phá ra rằng căn nhà mà họ cho là bình thường của họ chính là một biệt thự sang trọng với 40 phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm bằng vàng. Mỗi phòng đều có truyền hình và máy video.

Tài sản của ông Ceaucescu cũng không thua kém gì những của cải biển lận của ông Noriega, cựu tổng thống bị truất phế của Panama. Ông tướng này không chỉ có những căn nhà lộng lẫy trong nước, mà còn không biết bao nhiêu biệt thự tại Pháp và các nước khác. Máy bay và những chuyến du thuyền của ông không còn là những phương tiện để di chuyển, mà là cả một thú sưu tầm.

Không có một nhà độc tài nào mà không tham lam tiền của. Người ta nói đến hàng tỷ Ðôla của ông Marcos. Nhà độc tài của một nước nghèo nàn như Haiti cũng có đến 400 triệu Mỹ kim. Somoza, người bị lật đổ tại Nicaragua, thì có đến hàng trăm triệu Ðô la đầu tư vào những kinh doanh đồi trụy như đĩ điếm, cờ bạc. Cựu hoàng đế Pokassa của một nước nghèo nàn lạc hậu như Cộng Hòa Trung Phi bên Phi Châu, đã làm lễ đăng quang năm 1976 với một phí tổn là 20 triệu Mỹ kim. Và hiện nay, người ta ước tính tài sản của tổng thống Zaire là ông Mobutu Sese Seko lên đến gần 5 tỷ Mỹ kim.

Giá của những tài sản bất chính ấy thường giống nhau: một cuộc lưu vong nhục nhã, một cuộc chốn chạy không kèn không trống, một cuộc hành quyết dã man hay một cuộc sống trong lo sợ từng ngày và làm mục tiêu cho những oán ghét.

Mỗi dịp đầu năm, dường như ai cũng muốn làm một quyết tâm. 50% người Hoa Kỳ quyết tâm giảm thiểu sự ăn uống để gìn giữ sức khỏe.

 Ðối với người Kitô chúng ta, sức khỏe tinh thần, sự cường tráng tâm linh có lẽ là điều quan trọng hơn cả. Quyết tâm của chúng ta phải là quyết tâm điều chỉnh lại sự lựa chọn cơ bản của chúng ta. Ðâu là cùng đích của cuộc sống chúng ta? Ðâu là lý tưởng của chúng ta? Ðâu là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của chúng ta? Tiền bạc và nhất là tiền bạc bất chính có đem lại hạnh phúc cho đời Người không?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

Bài đọc: I Jn 4:7-10; Mk 6:34-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện cho con người qua Đức Kitô.

Hôm qua, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết sự thật của Thiên Chúa. Hôm nay, Ngài tỏ cho chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu rất khó để nói tới vì nó rất trừu tượng; nhưng cách tỏ bày tình yêu lại hết sức cụ thể. Vì thế, con người có thể nhận ra tình yêu Thiên Chúa qua Biến Cố Nhập Thể, dù chưa bao giờ con người thấy Thiên Chúa. Con người cũng có thể nhận ra tình yêu thật từ những tình yêu giả dối, bằng cách nhìn vào những biểu lộ cụ thể của tình yêu.

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu đích thực từ những tình yêu giả dối. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan cho chúng ta biết 3 sự thật về tình yêu Thiên Chúa: (1) Nguồn gốc của mọi tình yêu đến từ Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (2) Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian Con Một của Ngài (Jn 3:16). (3) Thiên Chúa đã yêu thương con người trước. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu động lòng thương dân vì họ bơ vơ như chiên không người chăn. Sau khi đã dạy dỗ để cung cấp lương thược phần hồn, Ngài làm phép lạ để cung cấp cho dân lương thực phần xác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương con người.

1.1/ Nguồn gốc của mọi tình yêu: Tác giả xác quyết: “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa;” và “Thiên Chúa là tình yêu.” Theo Sách Sáng Thế Ký, con người được dựng nên giống hình ảnh và đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26). Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng: tình yêu làm cho con người giống Thiên Chúa hơn cả. Clement of Alexandria tuyên bố: “khi con người yêu thương là con người đang luyện tập trở nên giống như Chúa.” Khi chúng ta yêu thương là chúng ta ở gần Thiên Chúa hơn lúc nào hết. Vì Thiên Chúa là tình yêu, muốn trở nên giống Thiên Chúa, con người phải học cho biết yêu thương. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa.

1.2/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” Khi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, chúng ta phải cảm nghiệm được 2 điều:

(1) Thiên Chúa đã quá yêu thương con người: Không có một người cha nào trên trần thế dám hy sinh người con một của mình để chết thay cho người khác; nhất là một cái chết cô đơn, tủi nhục, tàn bạo trên Thập Giá. Câu truyện Tổ-phụ Abraham sẵn sàng hiến tế Isaac cho chúng ta cảm nghiệm được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

(2) Con người không xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa: Con người không làm bất cứ gì xứng đáng với tình yêu này; ngược lại, con người đã, đang, và sẽ còn gây đau khổ cho Thiên Chúa.

1.3/ Thiên Chúa yêu thương con người trước: Tình yêu là lý do duy nhất của việc tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì Thiên Chúa là tình yêu: Ngài yêu nên Ngài tạo dựng, và muốn được con người yêu thương lại. Thiên Chúa có thể tạo nên những con người máy và để tự chúng sinh sống; nhưng vì yêu thương, Ngài muốn luôn luôn chăm sóc cho con người. Trong việc cứu chuộc, tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ quá rõ ràng: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ, và cho dân ăn.

2.1/ Chúa Giêsu yêu thương và dạy dỗ dân chúng: Trình thuật kể: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” Để hiểu thấu những điều này, chúng ta cần đọc Sách Tiên-tri Ezekiel để nhận ra tại sao chiên bơ vơ không người chăn. Theo Tiên-tri, chiên bơ vơ không phải vì không có người chăn; nhưng tại các người chăn vô trách nhiệm: họ chỉ để ý đến lông chiên, thịt chiên, mà không để ý đến tình trạng của chiên. Nếu những nhà lãnh đạo không chịu săn sóc, dạy dỗ, chỉ đường, thì làm sao những người dân biết sống lành mạnh và tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống?

2.2/ Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân:

(1) Quá mải mê nghe Chúa giảng, dân chúng quên ăn: Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Chắc các ông quan niệm, nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ có trách nhiệm phần hồn cho dân chúng mà thôi. Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ một bài học: Người rao giảng không chỉ quan tâm đến việc cho dân chúng lương thực phần hồn, đôi khi còn phải quan tâm đến việc cho giáo dân lương thực phần xác nữa.

(2) Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ cho dân ăn: Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Qua lời đối thọai, chúng ta nhận ra ngay những tính tóan của các môn đệ và tình yêu không tính toán của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ ngay đến tiền, Chúa Giêsu chỉ nghĩ đến tình yêu.

(3) Chúa Giêsu làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá: Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Chúa cần sự cố gắng và cộng tác của các môn đệ dẫu Ngài có thể làm mọi sự.

(4) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.” Cả 4 Thánh-sử đều tường thuật phép lạ này. Riêng Gioan, phép lạ này mở đầu cho “Diễn từ về Thánh Thể” trong chương 6 của ngài, dù Gioan không tường thuật sự kiện Chúa lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Qua Bí-tích Thánh Thể, Thiên Chúa chứng tỏ Ngài vẫn yêu thương, săn sóc, và cho dân ăn mỗi ngày.

(5) Số còn dư lại: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời, trước khi có thể yêu thương Ngài và tha nhân.

– Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không tính toán, vô vị lợi, và không biên giới. Chỉ có tình yêu này mới giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và trung thành yêu thương tới cùng.

– Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu thương, vì Chúa Giêsu đã yêu thương phó mạng sống làm lễ tế hy sinh cho con người. Nếu chúng ta cảm thấy mình ích kỷ, thiếu yêu thương, khó tha thứ, đây là Bí-tích tăng cường tình yêu cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************