Ngày thứ ba (04-06-2024) – Trang suy niệm

03/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 9 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 Pr 3, 12-15a. 17-18

“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy mong chờ và hối thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị. Anh em thân mến, bởi thế, trong lúc chờ đợi, (hãy gắng sao nên vô tì tích trước nhan Người, trong bình an. Và) anh em hãy coi lòng khoan dung của Thiên Chúa như là phương thế cứu rỗi.

Vậy, anh em thân mến, được biết trước như thế, anh em hãy giữ mình, kẻo bị lôi cuốn theo sự lầm lạc của những kẻ vô luân mà sa đoạ, mất lòng trung kiên của anh em. Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi và là Chúa chúng ta. Nguyện (chúc) vinh quang cho Người bây giờ và đến muôn đời. Amen!

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 10. 14 và 16

Đáp: Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài.

2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người!”

3) Thọ kỳ của chúng con số niên bảy chục, nếu khoẻ mạnh ra thì được tám mươi, nhưng đa số là những năm lầm than và phù phiếm, bởi chúng mau qua và chúng con cũng bay theo.

4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.

ALLELUIA: 1 Pr 1, 25

All. All. – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – All.

PHÚC ÂM: Mc 12, 13-17

“Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?” Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: “Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền”. Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: “Hình và ký hiệu này là của ai?” Họ thưa: “Của Cêsarê”. Người liền bảo họ: “Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”. Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

04/06/2024 – THỨ BA TUẦN 9 TN

Mc 12,13-17

SAO LẠI THỬ CHÚA?

Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” (Mc 12,15)

Suy niệm: Sau nhiều lần “hỏi để thử Chúa” bất thành, những người Pha-ri-sêu bắt tay với phe Hê-rô-đê âm mưu gài bẫy Chúa Giê-su để gán ghép Ngài vào tội chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” Đối với Chúa, âm mưu đó chỉ là ‘lấy vải thưa mà che mắt thánh’; Ngài biết rõ sự giả hình của họ nên đã chất vấn ngược lại họ: “Tại sao các người lại thử tôi?” Câu trả lời tài tình của Chúa không chỉ bẻ gẫy âm mưu của họ mà còn ‘nhắc khéo’ họ đừng quên họ còn có nghĩa vụ đối với Thiên Chúa: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Tất cả những gì họ có, và cả sự hiện hữu của họ cũng là do Thiên Chúa, Đấng tạo thành, ban cho họ. Chính họ phải trả về cho Chúa những gì thuộc về Ngài chứ không phải là bày mưu tính kế thử thách Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa sai đến.

Mời Bạn: Có thể bạn không “hỏi để thử Chúa” để gài bẫy Chúa, nhưng hẳn rất nhiều lần bạn đặt ra những vấn nạn, để đòi hỏi quyền lợi này hoặc tránh né nghĩa vụ kia đối với Chúa và tha nhân. Bạn biết rằng những gì bạn có là bởi Chúa ban cho bạn, và Chúa vẫn tiếp tục ban cho bạn những ân huệ thiêng liêng qua Lời Chúa và Thánh Thể. Bạn được mời gọi sử dụng ân huệ Chúa ban đó để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên đọc lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả; con xin dâng cho Chúa tất cả.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cả cuộc đời của con là ân ban của tình thương Chúa. Xin giúp con biết dùng ơn Chúa ban để hiến thân phục vụ tha nhân trong yêu thương và quảng đại. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.
Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).
Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.
Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.
Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).
Đã từng có những câu hỏi như thế.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).
“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).
Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.

Từ năm thứ sáu sau công nguyên,
khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,
mỗi người dân Do-thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.
Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”
Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,
và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận
sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.
Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,
và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế lực của đế quốc.

Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.
“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).
Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.
Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.
Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ :
“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”
Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói :
“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda,
những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).
Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.

Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.
Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện khác quan trọng hơn nhiều.
Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.
Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.
Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.
Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa,
nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.
Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,
nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.
Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình !

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG SÁU

Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi

Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.

Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).

Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.

Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 04/6

2Pr 3, 12-15a. 17-18; Mc 12, 13-17.

Lời suy niệm: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! Họ đưa cho Người, Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xêda trả về cho Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. (Mc 12,14-17).

          Đối với những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê họ đã dùng những lời ca tụng này để ca tụng Chúa Giêsu, quả thật là chính xác, nhưng bên trong đó họ lại đang gài bẫy Người, để tìm cớ bắt Người: “Có được nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp.” Đây là một bài học cảnh báo cho mỗi người trong chúng ta khi sống chung với nhau, là cần có sự trung thực trong lời nói đi đôi với tâm hồn của mình, để nâng đỡ và học hỏi với nhau giúp nhau thăng tiến đời sống đạo đức của mình.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về thế gian này, để chúng con biết tuân theo lời dạy bảo của Chúa: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

04 Tháng Sáu

Bóng Tối 

Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông… Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.

Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình… Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!”

Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!

Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối…

Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta…

“Các con là ánh sáng thế gian”. Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian… Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.

Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 9 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Pet 3:12-15a, 17-18; Mk 12:13-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy làm cho Nước Thiên Chúa mau đến bằng cách sống thật.

Nhiều người sai lầm khi nghĩ nếu một chính phủ không đáp ứng những gì các tín hữu mong muốn, họ phải nhân danh Giáo Hội tranh đấu đến cùng và sẵn sàng đổ máu để đạt được những nguyện vọng đó.

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những điều người tín hữu phải làm và những gì không nên làm. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô II nhắc nhở cho các tín hữu biết thế giới này sẽ tan biến đi cùng với tất cả các phù hoa của nó. Điều quan trọng hàng đầu các tín hữu cần phải làm là hãy lo sống làm sao cho mình và mọi người được hưởng ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, một số các “chính trị gia,” những người Pharisees giả hình và những người thuộc phe Herod, nhân danh việc đi tìm sự thật để giăng bẫy bắt Chúa Giêsu. Họ hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Biết rõ mưu đồ của họ, Chúa cho họ câu trả lời chẳng những họ không làm gì được Chúa mà còn mời gọi họ suy nghĩ về lối làm chính trị “sai sự thật” của họ: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn!

Một điều Chúa Giêsu và các tông đồ luôn cảnh cáo các tín hữu là đề phòng những kẻ rao giảng sự sai lạc làm các tín hữu nghi ngờ sự thật các Ngài rao giảng và từ từ bỏ đạo. Chúa Giêsu gọi họ là “chó sói” đội lốt người chăn chiên để cắn xé đoàn chiên (Jn 10:12). Thánh Gioan gọi họ là những kẻ “phản Đức Kitô,” và nguy hiểm hơn nữa họ là chiên ở ngay giữa đoàn chiên (I Jn 2:18-19). Thánh Phaolô khuyên nhủ rất nhiều lần môn đệ Timothy và Titus phải đề phòng những người này: “Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy”

(2 Tim 3:1-5). Trình thuật của Thư Phêrô II muốn nêu bật cho các tín hữu hiểu hai điều:

1.1/ Ngày của Thiên Chúa sẽ đến: Chúa Giêsu bảo đảm: Ngày ấy chắc chắn sẽ đến, còn khi nào xảy ra không ai biết được trừ một mình Chúa Cha. Tác giả nhắc các tín hữu hai khía cạnh của Ngày này: thứ nhất, vũ trụ sẽ bị hủy diệt qua câu “các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng; thứ hai, “Ngày bắt đầu trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” đúng theo lời Thiên Chúa hứa. Ngày đó, mọi người sẽ ra trước Thiên Chúa để chịu phán xét. Chỉ lúc đó mọi người sẽ nhìn thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.

Không ai biết được khi nào Ngày ấy đến, nhưng theo lời Sách Thánh, các tín hữu có thể làm cho Ngày ấy mau đến bằng những phương thế sau đây:

+ Cầu nguyện: Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

+ Rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: Hãy đi khắp thế gian mà rao giảng Tin Mừng. Điều này có thể hiểu: Khi Tin Mừng được loan báo đến mọi người, Nước Chúa sẽ đến.

+ Thống hối và vâng lời Thiên Chúa: Điều này quan trọng hơn cả. Như một người Cha mong cứu thoát tất cả con cái của mình, Thiên Chúa sẽ chọn Ngày nào mà cứu được tất cả hay nhiều con nhất. Thánh Phêrô nói: “Chúa tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ.” Ngày đó chưa xảy ra vì còn quá nhiều người phải hư mất. Thánh Phaolô cũng nói cách tương tự: Khi dân tộc Do-thái tin vào Đức Kitô, Ngày ấy sẽ đến. Vì thế, nỗ lực của hết mọi tín hữu hãy đặt điều này trên hết tất cả mọi điều nếu họ mong cho Nước Chúa mau trị đến.

1.2/ Đừng bị lung lay bởi các lạc thuyết: Có quá nhiều lạc thuyết trong thế gian mà các tín hữu chỉ có thể chống trả bằng cách học biết sự thật. Một trong những lạc thuyết đó là lối sống của những kẻ không tin có sự sống đời sau. Vì không tin sự sống đời đời nên họ dành hết thời gian, mọi cố gắng để xây dựng cuộc sống đời này. Chúa Giêsu và các tông đồ kêu gọi các tín hữu luôn phải hướng lòng về trời vì đó là mới là quê hương đích thực của các tín hữu. Chúng ta chỉ là những người ngoại quốc hay những người tạm trú của thế giới này mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng trả lời cho Pilate: “Nước tôi không thuộc chốn này” (Jn 18:36). Lối sống của các tín hữu không được giống như những người không tin có cuộc sống đời sau. Tác giả khuyên: trong khi mong đợi ngày đó, các tín hữu phải cố gắng sao cho Người thấy họ càng ngày càng phải trở nên tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Họ phải lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ.

2/ Phúc Âm: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật Marcô nói rõ nguồn gốc, mục đích, và cách thức để gài bẫy Chúa Giêsu: Các người trong Thượng Hội Đồng là những người sai mấy người Pharisees và mấy người thuộc phe Herode đến. Mục đích là để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Cách gài là khen những lời đãi bôi để đánh lạc hướng Chúa, để Chúa nhận ra họ là những người thành thật muốn tìm hiểu chân lý. Họ nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Lý do họ sai hai nhóm người này là cho mục đích chính trị của họ:

(1) Phe Pharisees: chủ trương người Do-thái phải được cai trị bởi người Do-thái (Deut 17:15). Họ chống mọi thế lực ngoại bang và việc nộp thuế cho đế quốc Rôma. Nếu Chúa trả lời “Phải!” họ sẽ xui giục dân chúng chống Chúa vì toa rập với thế lực nước ngoài.

(2) Phe Herode: chủ trương hòa đồng với Rôma để được “tốt đạo đẹp đời.” Họ nại cớ biết bao điều tốt lành đến từ việc cai trị của Roma trong thời các vua Herod cai trị. Vì thế, họ thuyết phục những người Do-thái: Cứ để cho đế quốc cai trị bao lâu hoàng đế đừng can thiệp vào nội bộ tôn giáo của Do-thái. Nếu Chúa trả lời “Không!” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Roma vì xui giục dân phản chính quyền.

Cả hai cùng hợp lại để làm điều ác: có lý do để bắt Chúa và tiêu diệt người lành. Họ nghĩ Chúa trả lời cách nào cũng không thoát mưu mô của họ.

2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Caesar.” Đức Giêsu bảo họ: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

(1) Chúa phân biệt chính trị ra khỏi tôn giáo: Hai mục đích của hai bên khác nhau: mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa, mục đích của chính trị là lo cho con người được no cơm ấm áo ở đời này. Ba bổn phận của các nhà lãnh đạo tôn giáo là dạy dỗ con người biết đạo lý Chúa dạy để khỏi những lầm lạc, ban các bí tích để mang ơn thánh xuống cho con người, và điều hành dân chúng trong lãnh vực tôn giáo. Bổn phận của những người lãnh đạo quốc gia là lo cho nền an ninh quốc gia, no cơm ấm áo cho người dân, và bảo vệ trật tự trong nước.

(2) Người dân có nhiệm vụ đóng góp để bảo vệ lợi ích chung: Việc đóng thuế cho chính phủ là bổn phận của người dân để chính phủ có quĩ điều hành mà lo cho các nhu cầu của dân chúng. Ngoài ra người dân còn phải đóng góp công sức và tài năng trong việc phát triển và bảo vệ xã hội. Chúa Giêsu đã từng khuyên Phêrô phải kiếm tiền nộp thuế cho ông và cho Ngài. Các tông đồ vẫn khuyến khích dân vâng lời những nhà cầm quyền tốt. Nếu chính phủ tham nhũng không biết lo cho dân, người dân có quyền đứng lên tranh đấu để xây dựng một chính phủ biết lo cho dân hơn.

(3) Đừng quên trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài: Chúa mời gọi những kẻ được sai đến và chúng ta suy nghĩ cẩn thận về việc trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài:

+ Con người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta không có quyền muốn làm gì thì làm; nhưng phải sống theo những gì Thiên Chúa đã tiên định để rồi chúng ta sẽ được sống hạnh phúc với Ngài muôn đời. Lấy danh nghĩa tự do để cãi lời Thiên Chúa chỉ dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong.

+ Mọi quyền bính trên thế gian đều đến từ Thiên Chúa, Ngài trao cho con người để cùng thông phần vào sự điều khiển với Ngài. Ngài trao cho Caesar quyền cai trị người Do-thái và Caesar phải trả lời với Thiên Chúa về quyền cai trị của ông. Nhiều lúc sức con người không thể hiểu về sự quan phòng của Thiên Chúa. Người Do-thái nhiều lần thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại trao quyền cai trị dân Chúa cho những người ngoại đạo? Lịch sử trả lời vì họ đã không chịu nghe lời Thiên Chúa cảnh cáo qua các ngôn sứ. Chúa trao quyền hành mà không biết dùng Chúa lại lấy đi. Chúa dùng Babylon là cái roi để sửa phạt dân rồi lại bẻ gẫy cây roi bằng cách trao vua Babylon cho vua Persia. Quyền hành trong thế giới luôn thay đổi theo sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Chúa muốn cất đi không ai có thể chống cự nổi; nếu Chúa muốn giữ quyền hành lại không ai thay đổi được. Dĩ nhiên khi trao quyền hành, Ngài muốn con người phải biết xử dụng để sinh ích lợi chung; nhưng lòng con người thay đổi và khó dò: khi chưa có quyền hành trong tay thì hứa hẹn đủ điều; đến khi nắm quyền hành thì lại tham nhũng bất công nhiều khi còn hơn chế độ hay người đi trước. Có lẽ vì thế mà quyền hành cứ phải thay đổi mãi; chỉ khi nào chúng ta vào Nước Thiên Chúa và được Chúa Giêsu, Vua công chính cai trị, chúng ta mới hưởng nhận được bình an. Bao lâu sông trong thế giới bất toàn, nhiệm vụ của chúng ta là nghe theo, chứ không chống lại ý định của Thiên Chúa, vì chúng ta tin tưởng Ngài đang quan phòng thế giới cách khôn ngoan và uy quyền.

+ Quyền sở hữu tài sản nói cho cùng cũng không thuộc Caesar hay thuộc bất cứ ai, vì Chúa dựng nên mọi sự cho con người xử dụng. Con người chỉ là người quản lý và phải trả lời với Thiên Chúa về việc dùng tài sản.

+ Sự sống là của Thiên Chúa, thời gian và tài năng là của Ngài ban cho. Con người không được tiêu hủy sự sống từ lúc mới sinh cho đến khi giã từ cuộc đời. Con người không được lãng phí thời gian vào những việc vô ích, nhưng phải biết dùng thời gian để sinh ích cho mình và cho mọi người. Nhiều người đã lãng phí tài năng Chúa ban qua việc dùng thuốc, chơi bài bạc, và một cuộc sống vô độ. Họ đã phải trả giá cho việc lợi dụng tự do để muốn làm gì thì làm. Nếu suy nghĩ cho cùng, con người phải chấp nhận: mọi sự là của Thiên Chúa. Con người chỉ có quyền dùng, và phải dùng cách khôn ngoan để sinh lợi ích cho mình, cho tha nhân, và cho việc mở mang Nước Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy biết vâng lời làm theo những gì Ngài truyền dạy.

– Điều quan trọng hơn cả là phải lo cho mình và tha nhân được hưởng ơn cứu độ; mọi sự khác đều phụ thuộc và chỉ cần thiết ở đời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************