Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Rm 12, 5-16
“Kẻ này là chi thể của người kia”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta tuy nhiều người, nhưng cũng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, và tương quan với mỗi người, kẻ này là chi thể của người kia. Nhưng chúng ta được những ân huệ khác nhau tuỳ theo ân sủng đã ban cho chúng ta: nếu là ơn nói tiên tri, thì hãy xử dụng sao cho xứng đối với đức tin; nếu là chức phận giúp việc, thì hãy chuyên cần giúp việc; nếu là thầy dạy, hãy lo dạy dỗ; nếu là khuyên bảo, hãy lo khuyên bảo; nếu là người phân phát, hãy có lòng chân thành; nếu là người cai quản, hãy cần mẫn; nếu là kẻ thương giúp, hãy vui vẻ.
Đức ái không được giả hình. Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ: Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: hãy sốt mến trong tâm thần và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà. Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Đừng tự đắc cho mình là khôn. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3
A+B= Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
A=Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
B=Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.
A=Ít-ra-en hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.
ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a
-Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 14, 15-24
“Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. Người phán cùng kẻ ấy rằng: “Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: ‘Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người thứ hai nói: ‘Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người khác lại rằng: ‘Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được’.
“Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt’. Người đầy tớ trở về trình rằng: ‘Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ’. Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi'”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/11/2019 – THỨ BA TUẦN 31 TN
Lc 14,15-24
ĐÂU LÀ PHÚC THẬT?
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 14,15)
Suy niệm: Ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là “phúc”. Thế nhưng không phải ai cũng muốn. Cha Anthony de Mello nói: Người ta đi TÌM hạnh phúc, nhưng không MUỐN hạnh phúc. Cũng giống như, người ta tìm kiếm, muốn biết Sự Thật nhưng lại không muốn sống theo Sự Thật. Qua dụ ngôn “Khách được mời dự tiệc cưới xin kiếu” Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Ngài bày tỏ tình yêu – bằng hình ảnh Ngài mở tiệc lớn – Ngài muốn mọi người ở lại trong tình thương của Ngài. Thế nhưng, con người đã từ chối – xin kiếu. Con người chỉ muốn quan tâm những việc thế gian: mua bán đất đai, mua trâu bán bò, hay dựng vợ gả chồng. Tuy vậy, Thiên Chúa không từ bỏ ý định yêu thương. Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi và đợi chờ con người đáp trả. Và nếu cánh cửa phòng tiệc có đóng lại thì không phải Thiên Chúa loại trừ họ mà vì họ vẫn hờ hững, chối từ lời mời gọi của Ngài: “Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”
Mời Bạn: Người ta nói rằng, quãng đường dài nhất là từ đầu đến tay – điều tốt mình muốn làm, nhưng lại không làm. Cũng thế, chúng ta tin Chúa, nhưng chúng ta không tương quan tình bạn thân thiết với Chúa, yêu Chúa. Chúng ta vẫn thích thân thiết với vật chất trần gian. Điều đó có đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật không?
Sống Lời Chúa: Thánh lễ là bữa tiệc Chúa mời bạn. Bạn đáp lại lời ấy bằng việc sốt sắng tham dự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con được phúc dự tiệc trong Nước Chúa. Xin cho con biết mau mắn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia Đình Aám Tình Huynh Đệ
Con người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.
Nhưng bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33; AA 2-3)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/11
Rm 12, 5-16a; Lc 14, 15-24.
LỜI SUY NIỆM: “Tôi nói cho các anh biết: Những khách được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”
Lời Chúa Giêsu đang thức tỉnh mỗi người chúng ta là những người đã chịu phép Rửa Tội và đã tham dự mọi phụng vụ của Hội Thánh và cũng đã nhận lãnh các phép bí tích, nhưng rồi chúng ta có đức tin thực sự hay chỉ là mang danh Kitô hữu, chứ bản thân và tâm trí đang tìm kiếm, chạy theo những ngẫu tượng: tiền bạc và danh vọng.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con, nhận ra Chúa và ân sủng của Chúa ban là nguồn sống và là sự sống thật của đời chúng con, để chúng con ngày sau được sum họp trong bàn tiệc của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
04 Tháng Mười Một
Quo Vadis, Domine?
Ðêm trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã chuẩn bị hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế nhưng, ngài đã không trở lại Krakow nữa. Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị Hồng Y 58 tuổi này đã được bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Italia kể từ 450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất.
Trong khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết giả sử nổi tiếng “Quo vadis, Domine?” là ông Henryk Sienkiewicz, một văn sĩ và đồng thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan. Qua tác phẩm này, vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là thánh Phêrô như được ghi lại trong tác phẩm “Quo vadis,Domine?”, “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”. Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử, thì có lẽ thánh Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa trung tâm của đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại. Giữa lúc vị Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương mình, thì ngài gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc nhiên về sự xuất hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: “Quo vadis, Domine?” nghĩa là “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời như sau: “Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa”. Hiểu được ý Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng một cách đặc biệt của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền với tên tuổi và vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính nhớ và ghi ơn vị thánh bổn mạng nhiều nhất.
Tên thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu sự đổi đời quan trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được tái sinh trong sự sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới Chúa, không thể là bước thụt lùi.
Mang lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của mình tiến tới trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô Borremêô. Và khi chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quyết tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch ra… Là người Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên đường theo chân Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội, danh hiệu Kitô mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta về con đường tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng thênh thang. Sự tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại La Mã để chịu đóng đinh… Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy hiên ngang tiến bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 31 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 12:5-16b; Lk 14:15-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy trung thành trong ơn gọi của mình
Thiên Chúa đặt mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau và Ngài muốn họ trung thành với ơn gọi của mình. Ai cũng có thể trở nên thánh thiện được trong sứ vụ và ơn gọi của mình. Thánh Martinô có thể nói sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu: người da đen, gia đình nghèo khổ, cha da trắng bỏ mẹ và hai anh em Martinô để chạy theo tiếng gọi của quyền lực; nhưng Martinô đã không để hoàn cảnh chi phối biến mình thành người bất chí, hận đời. Martinô đã biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để tỏ tình yêu cho gia đình, cho những người nghèo khổ, cho những súc vật, cho anh em trong Dòng, và cho tất cả những ai cần đến mình.
Các Bài Đọc hôm nay cũng muốn nói lên con người cần trung thành với ơn gọi và sứ vụ của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mỗi tín hữu là một chi thể trong một thân thể của Đức Kitô, được ban tặng ơn riêng khác nhau để chu toàn sứ vụ của mình, và góp phần xây dựng cho toàn thân được lành mạnh. Điều quan trọng là đừng so đo, phân bì hơn kém với người khác; nhưng biết khiêm nhường chu toàn sứ vụ của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn về Bữa Tiệc, để minh chứng ai không trung thành trong ơn gọi của mình sẽ không được dự tiệc, cho dù đã được mời trước.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.
1.1/ Mỗi người một ơn gọi và được ban các đặc sủng khác nhau: Trong Thư Rôma cũng như Thư I Corintô, Phaolô dùng hình ảnh các chi thể của một thân thể để nói lên sự khác biệt của mỗi cá nhân, nhưng được kêu gọi để hiệp nhất với nhau: “Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.”
Con người thường có thói quen phân bì để so sánh mình với những người chung quanh. Hậu quả là khi thấy mình hơn người thì lên mặt kiêu căng, phách lối, và đối xử không đúng với tha nhân; nhưng nếu thấy mình không bằng người thì dễ nản chí, chán đời, và kêu trách Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tránh cả hai thái độ này, vì mỗi người “có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.”
1.2/ Điều quan trọng là phải trung thành trong ơn gọi của mình: Trong thân thể, không có chi thể nào quan trọng hơn các chi thể khác trong cùng một thân thể, tất cả đều cần cho thân thể hoạt động lành mạnh. Trong Giáo Hội cũng thế, không có ơn gọi nào cao quí hơn ơn gọi nào, và cũng không có đặc sủng này cao quí hơn đặc sủng kia; tất cả đều cần để xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Vì thế, thái độ đúng đắn là chấp nhận hoàn cảnh và quà tặng Thiên Chúa ban, và cố gắng góp phần trong việc xây dựng cho Nước Chúa và cho tha nhân với tình bác ái nồng nhiệt. Thánh Phaolô nhấn mạnh hai điều quan trọng:
(1) Phải có tình bác ái chân thành: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.”
(2) Phải có tinh thần khiêm nhường: “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan.”
2/ Phúc Âm: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
2.1/ Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người Do-Thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9). Đó là lý do tại sao một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Họ tin chỉ có những người Do-Thái mới được dự bữa tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy họ một bài học: Nếu họ không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ cho các dân tộc khác. Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa và khách dự tiệc được mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy ra, nhưng giờ dự tiệc chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn sàng, chủ sai các đầy tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách nào đã nhận lời nhưng từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.
2.2/ Những lý do xin kiếu:
(1) Bận rộn chuyện làm ăn: Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm con người quên đi mục đích của cuộc đời.
(2) Quyến dũ của cuộc sống: Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường.
(3) Lo toan cho gia đình: Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt 24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.
2.3/ Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:
– Chủ nhà: là Thiên Chúa.
– Các đầy tớ: là các ngôn sứ và môn đệ của Chúa.
– Các khách kiếu không dự tiệc: là những người Do-Thái.
– Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt: là những người thu thuế và gái điếm.
– Các người đến từ các đường xóm đường làng: là tất cả các Dân Ngọai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai trong cuộc đời.
– Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời, nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các bí-tích để lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai ra ngòai.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************