Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh – Năm B
BÀI ĐỌC I: Cv 16, 22-34
“Anh hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Được lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.
Đến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: “Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây”. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?” Hai ngài đáp: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ”.
Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành (c. 7c).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.
ALLELUIA: Ga 14, 26
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 5b-11
“Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
07/05/2024 – THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11
ĐIỀU LỢI KHI THẦY RA ĐI
“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy niệm: Đức Giê-su ra đi, Người sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa, giống như “gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), Ngài có thể “thổi” cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau, trên nhiều tâm hồn khác nhau. Như vậy Ngài có thể làm cho con người và cho cả Giáo Hội trở nên sống động. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo Trợ sẽ làm công việc của một người Thầy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Chúa Thánh Thần như người thầy, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giê-su. Vai trò thầy dạy của Chúa Thánh Thần là soi sáng cho các môn đệ hiểu những gì Thầy Giê-su nói và làm mà các ông chưa hiểu hay hiểu chưa hết.
Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng vô hình, nhưng luôn hoạt động một cách sống động và hiệu quả trong Giáo Hội và trong mỗi người. Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thôi thúc chúng ta thực hành giáo lý Đức Giê-su muốn truyền đạt. Vì thế nếu chúng ta mở rộng đôi tai tâm hồn để đón nhận thì sẽ nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận biết quả thật việc Đức Giê-su về cùng Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến là có lợi cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dành một giây thôi để lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết phải làm thế nào cho đúng ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần đến tác động và làm thầy dạy chúng con ngõ hầu chúng con đạt được điều ích lợi mà Đức Giê-su muốn cho chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút.
Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền.
Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,
các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6).
Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm.
“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5).
Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ.
Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3).
Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng,
vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).
Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ.
“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ;
nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7).
Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời,
sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,
thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy.
“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại
mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu.
Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa,
để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).
“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).
Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19, 30),
Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.
Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,
dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24).
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần.
Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt.
Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình.
Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện.
Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không,
tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,
và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Cầu Nguyện
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG NĂM
Chúng Ta Kiếm Tìm Sự Tự Do Đích Thực
Mùa Phục Sinh là mùa cử hành một cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta cảm nhận Đức Kitô Phục Sinh là một thực tại. Cử hành mùa Phục Sinh cũng chính là múc lấy nguồn sức sống vô giá cho mỗi người trẻ bước đi trong cuộc đời. Đức Giêsu khai mở cho ta nhìn thấy tương lai của mình và Người mời gọi chúng ta đón nhận tiếng gọi của Người bằng con mắt đức tin. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta gặp gỡ sự tự do đích thực; vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài cho con người và cứu độ con người.
Thiên Chúa cứu chúng ta ra khỏi sự điêu vong, khỏi sự chết, khỏi tình cảnh thất vọng, khỏi những xáo trộn ngổn ngang, khỏi vòng cương tỏa của sự dữ.
Đức Kitô Phục Sinh đem ta về với sự thật và sự sống sung mãn bằng con đường vượt thắng tội lỗi. đó chính là sự tự do đích thực. Đức Kitô trở thành nền móng của sự tự do mới mẻ này. Mỗi bạn trẻ đã từng biết Đức Kitô đều được mời gọi sống triệt để sự tự do ấy bằng cả tâm hồn.
Các bạn trẻ không thể tiếp tục lãnh đạm với những giá trị lớn lao này – những giá trị mà định mệnh của nhân loại tùy thuộc vào đó. Các bạn trẻ không thể thụ động đối với xã hội hay đối với chính mình. Một khi người trẻ nhận hiểu được sự tự do đích thực, việc nhận hiểu đó sẽ đặt ra cho họ trách nhiệm và thôi thúc họ trao ban ý nghĩa đích thực cho mọi hành động của mình. Tự do không phải là một món đồ vật để có thể bị liệng bỏ đi – như rất nhiều thứ bị liệng bỏ đi trong xã hội tiêu thụ của chúng ta hôm nay. Đó là một đảm nhận có tính nền tảng, một tiếng gọi thúc bách chúng ta sống hết mình cho sự thật.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07/5
Cv 16, 22-45; Ga 16, 5-11.
Lời suy niệm: Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng bảo trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi; Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. (Ga 16,7).
Chúa Giêsu đang mạc khải chương trình yêu thương của Thiên Chúa: Thiên Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đường để nhận loại được gặp lại Thiên Chúa của mình.
Lạy Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc cho người Kitô hữu chúng con, khi được sống trong ân nghĩa và sự soi sáng của Chúa. Xin cho chúng con biết sống với một nhiệt tâm yêu mến Chúa trên hết mọi sự, bởi vì chính Chúa là niềm hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
07 Tháng Năm
Truyền Giáo
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại… Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?”
Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm… Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện… Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội… Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình… vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần VI – PS
Bài đọc: Acts 16:22-34; Jn 16:5-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của đức tin
Đứng trước đau khổ, con người có những phản ứng khác nhau, tùy theo những gì họ tin hay không tin vào Thiên Chúa. Người có đức tin sẽ nhìn đau khổ như một cơ hội luyện tập để đức tin của họ càng ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Vì thế, họ coi thường đau khổ, vẫn sống an bình vì họ luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngược lại, người không có đức tin sẽ tìm mọi cách để trốn tránh đau khổ; và nếu không tránh được, họ sẽ kêu trách, ta thán, và ngay cả tìm cách kết liễu cuộc đời để khỏi phải chịu đau khổ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những thái độ khác nhau này. Trong Bài Đọc I, Phaolô và Silas, tuy bị cáo gian, đánh đòn, và bị xiềng xích trong ngục, các ông vẫn vui tươi, tin tưởng, và hát thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Ngược lại, viên cai ngục lại lo lắng đến độ súyt kết liễu đời mình, vì thấy cửa ngục bị mở tung và tưởng rằng hai ông đã trốn thoát. Hai ông phải lên tiếng báo cho ông ấy biết mình vẫn còn trong ngục, ông ấy mới thôi không kết liễu đời mình. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu thấy các môn đệ quá đỗi ưu phiền về những gì sắp xảy ra, Ngài hứa sẽ gởi cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần. Đấng này sẽ làm việc trong các ông, giúp các ông nhận ra sự thật toàn vẹn, và an ủi các ông khi gặp các gian nan khốn khó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức tin là sự khác biệt trong lúc nguy nan đau khổ.
1.1/ Thái độ của hai ông trước cực hình: Sở dĩ hai ông bị chống đối là vì Phaolô đã nhân danh Đức Kitô truyền lệnh cho quỉ phải xuất khỏi người tớ gái, vì cô này luôn đi theo hai ông để nói cho mọi người biết hai ông là đầy tớ của Thiên Chúa Tối Cao, và sẽ chỉ cho mọi người biết con đường cứu độ. Khi chủ của cô biết quỉ đã xuất khỏi cô, và cô không còn sinh lợi cho hắn bằng cách nói tiên tri nữa; ông kích thích đám đông để có cớ buộc tội hai ông.
Sách CVTĐ tường thuật: “Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại.” Sau một trận đòn dã man như thế, hai ông vẫn không một lời kêu la hay than trách. Trái lại, vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Silas hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Các người tù nghe hai ông hát và có lẽ họ rất ngạc nhiên khi thấy những điều này.
Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người vuột tung ra.
1.2/ Thái độ của viên cai ngục: Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Thấy hành động của viên cai ngục, ông Phaolô vội lớn tiếng bảo: “Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!”
Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phaolô và ông Silas, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” Hai ông đáp: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Hai ông liền giảng Lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy.
Sự kiện động đất nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài muốn cho viên cai ngục có cơ hội để nghe hai ông rao giảng Tin Mừng ngay trong ngục thất, và hai ông đã không bỏ lỡ cơ hội này. Ai có thể ngờ viên cai ngục có thể nghe Tin Mừng trong khi canh giữ tù nhân; nhưng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa!
Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Thánh Thần sẽ chứng minh ba tội của thế gian.
2.1/ Chúa Giêsu sẽ gởi Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ: Chúa Giêsu mặc khải Kế họach của Thiên Chúa cho các môn đệ: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.”
2.2/ Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian 3 điều sai lầm: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:”
(1) Về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy. Tội duy nhất theo Gioan là tội không tin vào Đức Kitô, Người được Thiên Chúa sai đến. Thánh Thần sẽ chứng thực Đức Kitô là Con Thiên Chúa.
(2) Về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa. Thế gian tưởng Chúa Giêsu là tội nhân khi nhìn thấy Ngài chịu chết treo trên Thập Giá. Bằng sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Thần chứng minh cho thế gian biết Ngài tự nguyện chịu khổ hình, Người công chính chết thay cho các tội nhân là tất cả con người.
(3) Về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi. Các Thủ Lãnh Do-thái nghĩ họ làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá. Thủ Lãnh Rôma nghĩ ông đã giết Chúa Giêsu để đẹp lòng người Do-thái. Thánh Thần sẽ minh chứng cho họ biết họ đã sai lầm to khi luận tội và giết Đức Kitô, người Tôi Trung của Thiên Chúa.
Cả ba điều này đều liên quan đến nhau: thế gian phạm tội giết con Thiên Chúa vì không tin vào Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Công Chính không bao giờ phạm tội; nhưng muốn gánh tội cho con người. Thế gian đã sai lầm khi luận tội và giết Con Thiên Chúa. Vì thế, họ đã phạm ba tội cùng một lúc khi giết Con Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Người Công-giáo chúng ta có một món quà vô giá là đức tin vào Thiên Chúa. Chính đức tin này sẽ giúp chúng ta bình an trong đau khổ, vui tươi khi hoạn nạn, và lạc quan vui sống.
– Chúng ta luôn sống trong sự quan phòng và bảo vệ của Thiên Chúa. Tuy Ngài để chúng ta phải chịu thử thách để tôi luyện đức tin, nhưng luôn ban mọi sức mạnh cần thiết đủ để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
– Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, để luôn biết lắng nghe và làm theo những gì Ngài hướng dẫn. Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để chống lại mọi đe dọa nguy hiểm của thế gian và ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************