Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Tt 2, 1-8. 11-14
“Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.
Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.
Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29
Đáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng:
1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. – Đáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi. – Đáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. – Đáp.
ALLELUIA: Cl 3, 16a và 17c
Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 17, 7-10
“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm’ “. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
08/11/2022 – THỨ BA TUẦN 32 TN
Lc 17,7-10
KHÔNG TIN SÂU SẮC,
KHÔNG SỐNG KHIÊM CUNG !
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)
Suy niệm: Đế quốc Rô-ma thời Chúa Giê-su vẫn duy trì chế độ nô lệ khắc nghiệt. Nhưng những người được coi là ‘gia nhân’, là ‘tôi trai tớ gái trong nhà’ được những ‘quản gia trung tín, khôn ngoan’ coi sóc, có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Dù thế nào đi nữa, bổn phận người tôi tớ vẫn là phục vụ theo lệnh chủ mà không kể công. Khi đề cập đến tương quan ông chủ-đầy tớ này, Chúa Giê-su dạy chúng ta là những thụ tạo, đứng trước Thiên Chúa, chúng ta chỉ là tôi tớ. Bản chất ấy không cho phép ta vênh vang, kể công, hay tự phụ, nhưng là khiêm tốn nhận biết mọi điều mình có là ân huệ do Chúa ban tặng. Có thể nói rằng khiêm tốn chính là hoa quả của đức tin. Hay nói cách mạnh mẽ hơn: không có đức tin thẳm sâu, chẳng thể có đời sống khiêm nhường! Nhờ có khiêm tốn trong đức tin như thế, người ta mới có thể coi việc phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân như một ân huệ.
Mời Bạn: “Chúng ta tới gần sự lớn lao nhất khi ta lớn lao trong khiêm tốn” (R. Tagore). Lớn lên trong khiêm tốn không làm con người nhỏ đi, trái lại khiến họ nên cao cả. Mời bạn sống tâm tình này với ý thức, nếu muốn tới gần Thiên Chúa, tôi phải biết nhỏ bé đi mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đón nhận một nhiệm vụ được trao phó và thực hiện chu đáo hết sức có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con ý thức mình chỉ là tôi tớ vô dụng. Xin dạy con biết sống quảng đại, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào khác hơn là biết mình đã hành động theo thánh ý Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ, Một Môi Trường Ưu Tiên
Thế giới ngày nay có xu hướng lãng xa Thiên Chúa. Thế giới chỉ muốn các dữ kiện thực tế và không sẵn lòng để lắng nghe. Nhưng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng mình ra: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Giáo xứ là môi trường ưu tiên để trình bày chứng tá ấy. Chúng ta cần thể hiện lại trong thời đại hôm nay điều kỳ diệu đã xảy ra trong các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên: điều kỳ diệu của một sự sống mới, không chỉ về mặt thiêng liêng nhưng cả về mặt xã hội và lịch sử nữa.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Công Đồng Vatican II chú giải rằng qua những lời ấy, Chúa Giêsu đề nghị chúng ta “bắt chước sự kết hợp của Ba Ngôi thần linh để kết hợp các con cái Thiên Chúa trong tình yêu và chân lý” (MV 24). Thiên Chúa Ba Ngôi chính là kiểu mẫu của mọi mối tương quan con người và của đời sống chung giữa con người với nhau!
Từ mẫu thức tối thượng ấy, chúng ta có thể rút ra vô số hàm ý cho giáo xứ. Thực vậy, ơn gọi cao cả của một cộng đoàn giáo xứ là phấn đấu để một cách nào đó trở thành một minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, “hòa hợp mọi sự khác biệt của con người” (AA 10): người già và người trẻ, nam và nữ, trí thức và lao động, giàu và nghèo …
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 08/11
Tt 2, 1-8. 11-14; Lc 17,7-10.
Lời Suy Niệm: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài rất yêu thương từng con người một trong toàn thể nhân loại, Ngài muốn cứu độ cho tất cả mọi con người nên đã sai Con Một của Ngài đến với chúng ta, để đáp lại tình yêu này, mỗi một người phải có bổn phận đáp lại bằng tình yêu qua mọi công việc mà bổn phận mình phải chu toàn tốt và làm hết sức mình; chứ không thể xem những công việc mình làm là công trạng của mình để đòi hỏi hay yêu sách.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn chu toàn bổn phận của mình với chính tình yêu và thiện chí của chúng con, để đáp tình yêu mà Chúa đã yêu thương chúng con. Chứ không phải là công trạng để kể công với Chúa hay là tô điểm cho mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
08 Tháng Mười Một
Tôi Là Người Hạnh Phúc Nhất Trần Gian
Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí… Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn… Ông tự nghĩ: bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: “Từ trước đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương… Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian”.
Một thời gian sau đó, trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được… Cuối cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền nghèo… Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh… Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: “Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này”.
Câu chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng ta… Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần 32 – TN2
Bài đọc: Tit 2:1-8, 11-14; Lk 17:7-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa.
Trong lãnh vực thương mại, khi một người ra ngân hàng mượn tiền, họ có bổn phận phải trả lại cho ngân hàng cả vốn lẫn lời. Cùng một cách như vậy đối với Thiên Chúa, Ngài đã cho con người vay tất cả mọi sự: tình yêu, ơn thánh, sự sống, khôn ngoan, tài năng, thời gian, của cải vật chất. Con người phải trả lại tương xứng tất cả những gì Thiên Chúa đã cho vay, và còn phải hơn thế nữa cho phân lời. Khi hòan tất cả vốn lẫn lời, con người mới chỉ chu tòan bổn phận mà thôi. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc nhở Titô bổn phận phải trau dồi kiến thức cũng như đức hạnh trước khi có thể gíao dục mọi thành phần Dân Chúa trong giáo đòan. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ: Thiên Chúa không cần phải biết ơn con người; vì nếu con người hết lòng phục vụ Thiên Chúa, họ mới chỉ chu tòan bổn phận của họ mà thôi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa biết sống tốt lành.
Thư gởi Titô là một trong các Thư Mục Vụ. Gọi là các Thư Mục Vụ vì nội dung liên quan đến đời sống các tín hữu. Bổn phận người lãnh đạo là phải giáo dục và chăm sóc mọi thành phần trong giáo đòan, không được lơ là bất cứ một thành phần nào. Đọan văn hôm nay nói tới:
1.1/ Bổn phận giáo dục mọi thành phần trong Giáo-đòan của Titô:
(1) Bản thân người lãnh đạo: Không ai có thể cho cái mình không có nên Phaolô khuyên Titô phải biết trau dồi bản thân về cả 2 phương diện tri thức và đức hạnh:
– về phương diện tri thức: Lãnh đạo phải khôn ngoan sáng suốt. Điều quan trọng trước tiên là phải rành rẽ đạo lý mình tin tưởng: “Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì… Hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh.”
– về phương diện đức hạnh: Không phải chỉ dạy đạo lý thôi, mà “chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh.”
(2) Các thành phần trong cộng đòan: Người lãnh đạo không được chỉ chú trọng đến một hay vài giới trong dân, nhưng phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa. Lý do đơn gỉan: tất cả đều là các chi thể của một thân thể; và nếu một chi thể đau, tòan thân sẽ phải chịu cùng hậu quả. Thánh Phaolô khuyên Titô nên dạy:
– Các cụ ông: Là những người chủ trong gia đình, họ có bổn phận làm gương và hướng dẫn gia đình của họ: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến, và đức nhẫn nại.”
– Các cụ bà: Phúc đức tại mẫu. Các bà có bổn phận dạy dỗ con: “Phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành.”
– Các thiếu nữ: Các bà mẹ phải dạy cho những bà mẹ tương lai: “biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.”
– Các thanh niên: Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự.
1.2/ Lý do tại sao phải sống tốt lành: Thánh Phaolô đưa ra 3 lý do:
(1) Ân sủng của Thiên Chúa ban: là để sống tốt lành. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, và đạo đức ở thế gian này.
(2) Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau: Mọi tín hữu phải sống tốt lành vì “chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” Trong ngày đó, con người sẽ phải lãnh nhận hậu quả cho các việc mình đã làm.
(3) Là Dân Riêng của Thiên Chúa: Các tín hữu đã được rửa sạch bằng Máu Thánh của Đức Kitô, nên họ phải sống cuộc đời thanh sạch: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân Riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.”
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi!” chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người; đồng thời Ngài đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37); đó là vì Ngài quá thương yêu con người mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Bổn phận của người lãnh đạo cộng đòan là phải giáo dục đức tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo đòan. Để có thể chu tòan bổn phận, người lãnh đạo trước tiên phải có một đức tin vững mạnh, khôn ngoan học hỏi, dạy dỗ mọi thành phần, và phải làm gương sáng cho mọi người.
– Chúng ta phải ra sức tận dụng những quà tặng Thiên Chúa ban: sự sống, ơn thánh, thời gian, khôn ngoan, tài năng, của cải vật chất, để sinh lời cho Ngài.
– Cho dẫu hòan tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, con người cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn họ; vì họ mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************