Ngày thứ ba (09-05-2023) – Trang suy niệm

08/05/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh – Năm A

BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27

“Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21

Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).

1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.

ALLELUIA: Ga 16, 28

All. All. – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – All.

PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

09/05/2023 – THỨ BA TUẦN 5 PS

Ga 14,27-31a

BÌNH AN CỦA CHÚA

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

Suy niệm: Đã là người, ai cũng mong muốn bình an: cuộc sống đầy đủ tiện nghi, khỏe mạnh, không lo lắng và phiền muộn, không gặp phải những hoạn nạn, tai ương,… Tuy nhiên, bình an cũng có nhiều kiểu. Chúa hứa ban bình an cho các môn đệ nhưng “không theo kiểu thế gian”. Bình an của Chúa không hệ tại giàu sang phú quý mà là sự bình an trong cuộc sống bình dị, nghèo khó tại làng quê Na-da-rét. Và nhất là sự bình an của Chúa Giê-su qua lời nói: “Mọi sự đã hoàn tất” sau khi Ngài hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó đó là chịu khổ hình, chịu chết trên cây thập tự cứu độ nhân loại. Đó là thứ bình an “phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang” (x. Lc 24,26). Người môn đệ nhận bình an của Chúa cũng phải vượt qua mọi gian nan khốn khó để kiên trì trung thành bước theo Ngài với một niềm xác tín: “Tin vào Chúa và tin vào Thầy vì Thầy đã thắng thế gian.”

Mời Bạn: Theo quan điểm thế gian, càng nhiều tiền của, nhiều quyền lực, thì sự bình an càng được bảo đảm. Trái lại để hưởng bình an mà Chúa Ki-tô phục sinh hứa ban, bạn hãy kiên trì trung tín trước những gian nan, thử thách, dám sống một đời sống thanh thoát với vật chất, biết sẵn sàng phục anh chị em cách quảng đại và vô vị lợi.

Sống Lời Chúa: Tôi có lời nói và hành động tích cực để an ủi, chia sẻ với người hàng xóm gặp lo âu hoặc đau khổ, để họ cảm nghiệm được bình an của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con, như xưa kia, Chúa đã trao ban cho các môn đệ, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an.
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?

Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).

Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.
Nhờ công ơn bao người,
chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
đi từ cõi chết đến nguồn sống,
đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG NĂM

Ngài Đổi Mới Mọi Sự

Có một số nơi chốn đặc biệt mà chúng ta được dẫn tới để cảm nghiệm trong mùa Phục Sinh. Trước hết, đó là căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem. Căn gác thượng này đã trở thành nơi lẩn tránh cho các Tông Đồ; tại đó, Giáo Hội của những khoảnh khắc ban đầu phục sinh bắt đầu triển nở. Không lâu sau đó, căn gác ấy trở thành địa chỉ của một cuộc Xuất Hành mới – cuộc Xuất Hành của Dân Thiên Chúa trong giao ước mới đi vào thế giới. Tại nơi chốn thánh thiêng này, những lời của Sách Khải Huyền được ghi khắc: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5).

Căn gác thượng này vốn cũng là nơi đánh dấu cuộc chia tay của Đức Kitô. Thật hàm súc ý nghĩa sự kiện rằng sau khi Giu-đa rời khỏi phòng Tiệc Ly, Đức Giêsu đã cho biết bằng cách nào Thiên Chúa Cha sẽ được tôn vinh nơi Người. Người cũng nói về cách thế mà chính Người sẽ được tôn vinh. Những lời ấy được Người nói ra đúng lúc mà kẻ phản bội sửa soạn cuộc giao nộp Người trong vườn.

Theo suy nghĩ thường tình nhân loại, thì người ta không kỳ vọng một diễn từ như thế. Bởi tất cả những gì sắp sửa xảy ra – theo cách nghĩ của con người – quả là một sự phủ nhận vinh quang của Đức Kitô. Người bị lăng nhục và bị hành hạ! Nhưng, lời Đức Giêsu vượt quá sự nhận hiểu nhân loại. Chúng ta nhận ra trong những lời ấy mầu nhiệm thần linh của Đức Kitô.

Nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa được tôn vinh là tình yêu và sự thật, công lý và từ bi. Thiên Chúa Cha cũng đã tôn vinh Đức Kitô, và dấu chứng của sự tôn vinh này là cuộc phục sinh của Người vào ngày thứ ba. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã nói những lời ấy tại bữa tiệc chia tay. Những lời thật bất bình thường song đồng thời cũng thật tràn trề một sự thật khác: sự thật cứu độ. Nói lên những lời ấy, Người đang đổi mới mọi sự.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 09/5

Cv 14, 19-28; Ga 14, 27-31a.

Lời Suy niệm: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.”

          Trong cuộc sống mỗi người rất cần đến sự bình an cho mình cho người và cho toàn thể xã hội. Con người thường chúc nhau bình an trên mọi bước đường đi và về, nhưng đó chỉ là những lời chúc theo ý nguyện của riêng mình, còn được bình an hay không đều do hoàn cảnh khác đưa tới, không thể toại nguyện như lòng mong ước. Chúa Giêsu biết điều đó, nên Chúa nói rõ: Thầy ban bình an của Thầy không theo kiểu thế gian, bởi vì nơi Người có quyền năng để sự bình an đó được thể hiện.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con luôn luôn có sự bất ổn; bất ổn về thể xác cũng như trong tâm hồn. Xin Chúa ban bình an của Chúa cho chúng con, để chúng con luôn được vui sống. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng năm

Hòn Ðá Ném Ði 

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.

Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Của lễ hy sinh trên thập giá củaChúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm”.

Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng…

Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần V – PS

Bài đọc: Acts 14:19-28; Jn 14:27-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang.

Như người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá … để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội Thánh và tường trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.

1.1/ Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: “Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông Barnabas.”

Chúng ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng: vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.

Điều chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”

1.2/ Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

Khi trở về Antioch, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai.

2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

2.1/ Bình an của Thiên Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Đây cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người. Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được; trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.

Bình an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế, các ông luôn có bình an.

2.2/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”

Thế gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng; nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ cho họ nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.

– Bổn phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh, và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi cho đi cách nhưng không.

– Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn, tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************