Ngày thứ ba (10-03-2020) – Trang suy niệm

09/03/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Is 1, 10. 16-20

“Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.

Và Chúa phán: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23

Đáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

Xướng: 1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực. – Đáp.

2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? – Đáp.

3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 6, 64b và 69b

Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.  

PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/03/20 – THỨ BA TUẦN 2 MC

Mt 23,1-12

ĐẠO VÀ ĐỨC

“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráb-bi’.” (Mt 23,4-7)

Suy niệm: Đạo rất hay, nhưng cách hành đạo vị tất lúc nào cũng hay. Ngôn sứ Ma-la-khi cảnh tỉnh các cách giữ đạo lệch lạc của chức sắc trong đạo Do Thái, tức lớp người tư tế: “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường luật dạy” (Ml 2,8). Còn Chúa Giê-su nói đến những thói giả hình, kiêu căng trong cách giữ đạo của người biệt phái, hạng người tự cho mình trung thành với đạo của cha ông: nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, nói mà không làm, làm mọi việc cốt để người ta thấy,… Cho hay, có “đạo” thì còn phải có “đức” nữa. Đạo-Đức phải đi chung với nhau, như tiếng Việt quen nói, bằng không chỉ là đạo hình thức mà thôi.

Mời Bạn: Nếu tôi thật lòng yêu mến Giáo Hội và muốn Giáo Hội nên đáng yêu với anh em lương dân tôi sẽ cố gắng giữ gìn sự trong sáng của đạo thánh. Việc này đòi hỏi lòng khiêm tốn, sẵn sàng sửa đổi cách sống đạo lệch lạc của tôi dưới ánh sáng Lời Chúa.

Chia sẻ: Trong nhóm/cộng đoàn của tôi có người tốt việc tốt nào đáng phát huy, có cách sống đạo nào gương mẫu cho việc thực thi Lời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Cụ thể, tôi xét lại giờ kinh tối ở gia đình tôi, đó có thật sự là cơ hội để gia đình tôi tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa chưa?

Cầu nguyện: Hát: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG BA

Cái Giá Của Ơn Giao Hòa

Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, đã trả giá cân xứng cho tội lỗi chúng ta. “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người là sự giao hòa của chúng ta.

Đó là lý do tại sao cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – được biểu trưng một cách bí tích trong Thánh Lễ – thường được gọi là phụng vụ “hy lễ hòa giải”. Đây là lời của Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Xin Cha nhìn đến Đấng mà cuộc tử nạn của Người đã giao hòa chúng con với chính Cha”. Giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, đó là việc thiết yếu. Chính Đức Giêsu đã dạy rằng trước khi dâng của lễ, cần phải giao hòa với anh em trước đã (Mt 5,23).

Thánh Phao-lô viết: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Giáo Hội tha thiết lặp lại lời kêu gọi ấy của Thánh Tông Đồ. Giáo Hội kêu gọi tất cả chúng ta tiến tới sự thánh thiện đích thực trong Đức Kitô. Thánh Phao-lô tiếp tục: “Vì chúng ta, nên Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi – để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).

Tiếng gọi mời con người hòa giải với Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là một sứ điệp hay thậm chí một tiếng kêu van. Sứ điệp ấy mạnh mẽ không kém so với sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan, hay so với sứ điệp của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Song nó không chỉ là một sứ điệp. Đó là một hành động đầy năng lực. Đó là một hành động phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một hy tế, một sự trả giá lớn lao. Chúng ta đã được chuộc về với một giá đắt. Chúng ta hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài (1Cr 6,20; 7,23)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/3

Is  1,10. 16-20; Mt 23, 1-12.

Lời Suy Niệm: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”

       Tin Mừng được chính Chúa Giêsu sai các môn đệ của Người đi rao giảng khắp nơi; Tất cả đều được mời gọi tin vào Tin Mừng để trở thành Kitô hữu. Khi đã trở thành Kitô hữu thì phải mang lấy Tin Mừng trên mình, để biến đổi bản thân mình theo Tin Mừng đòi hỏi.

       Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn luôn giữ vững đức tin và sống đức tin, để ngày sau chúng con được vui hưởng cùng Chúa trong Nước Trời.   

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Ba

Gieo Gió Gặt Bão 

Ðêm 17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!

Người Ả Rập thường nói: “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.

Liên Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.

Ðể đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.

Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.

Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: “Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật”.

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: “Gieo gió thì gặt bão”… Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.

Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.

Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.

Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ… Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.

Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.

Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.

Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần II MC

Bài đọc: Isa 1:10, 16-20; Mt 23:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành đức tin.

Chúng ta thường phán xét con người theo những gì chúng ta thấy bên ngòai, vì chúng ta không thấy được những gì trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đóan và chọn lựa. Đến khi chúng ta phát giác ra đó không phải là con người thật của họ, nhiều lần chúng ta đã phải đau đớn thốt lên: “Thật! không thể nào ngờ được!” Hay, “bề ngòai thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm một bồ dao găm.”

Thiên Chúa phán xét rất khác chúng ta, vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Điều nguy hiểm cho chúng ta là vì quá quen với sự phán đóan bên ngòai, nên chúng ta cũng “quen thói đóng kịch” khi đến với Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta bị lên án nặng nề.

Các Bài Đọc hôm nay đề phòng chúng ta khỏi những thói quen nguy hiểm này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Israel hãy vứt bỏ các tội ác khi đến cầu xin với Thiên Chúa. Nếu muốn Ngài nhận lời cầu xin và chúc phúc, họ phải ăn năn xám hối và thực thi công bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách thái độ giả hình và kiêu ngạo của các kinh-sư và Biệt-phái. Ngài đề phòng các tông đồ đừng bắt chước những hành động của họ và dạy dỗ các ông chú ý đến thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ bên trong.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy sống thành thật và thực thi công bình.

1.1/ Phải thay đổi cuộc sống: Như đã nói nhiều lần, giao ước của Thiên Chúa với Israel là giao ước có điều kiện. Ngài sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân giữ Lề Luật; nếu họ bất tuân không giữ, Ngài sẽ để họ làm mồi cho quân dữ. Các tiên-tri được Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở dân biết xét mình và ăn năn trở lại. Tiên-tri Isaiah đưa ra 3 điểm chính:

(1) Trút bỏ tội ác: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” Hai tội chính được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi các tiên-tri: giả hình khi đến với Thiên Chúa và bất công xã hội.

(2) Xưng thú tội lỗi: Đức Chúa phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Thiên Chúa không chấp tội con người, nhưng sẵn sàng tha thứ khi con người nhận ra tội lỗi của mình và xám hối; không có tội gì là không thể tha thứ đối với Ngài.

(3) Tập làm điều thiện: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế vì những người này ít khi được bảo vệ bởi xã hội. Những người có quyền thế là những người dễ bị mua chuộc và đối xử bất công với những hạng người này.

1.2/ Hậu quả của hành động: Sống thế nào, phải chịu kết quả như vậy. Tiên-tri Isaiah chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa hứa khi làm giao ước với Moses, bằng cụm từ khác: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.” Nói cách khác, nếu họ vâng lời Thiên Chúa và thực thi công bằng, họ sẽ có hòa bình, đất đai sẽ sinh hoa quả để nuôi dưỡng họ; nếu họ bất tuân, chiến tranh sẽ xảy ra: ngọai xâm hay nội chiến, lúc đó họ sẽ chết vì gươm giáo hay phải lưu đày xa quê hương.

2/ Phúc Âm: Tri hành đồng nhất

2.1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:

(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.

Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: “Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.

Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.

2.2/ Sống thật với con người của mình:

(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “Rabbi”.” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.

– Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************