Ngày thứ ba (11-02-2020) – Trang suy niệm

10/02/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần V Mùa Thường Niên Năm chẵn

Đức Mẹ Lộ-đức

“Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Gđt 13, 23bc-24a. 25abc (Hr 18bcde. 19. 20)

Đáp: Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con (c. 15, 10d: Hr 9d).

Xướng:

1) Hỡi con gái ta, con đã được Chúa là Thiên Chúa Tối Cao chúc phúc trên tất cả mọi người nữ sinh ra ở gian trần. Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên đất trời. – Đáp.

2) Vì hôm nay Thiên Chúa ca tụng danh nàng, miệng người đời không ngớt lời tung hô, và hằng ghi nhớ quyền năng Thiên Chúa đến muôn đời. – Đáp.

———————————-

Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 1 V 8, 22-23. 27-30

Chúa đã phán: “Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán ‘Danh Ta sẽ ở nơi đó’, để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11

Đáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).

Xướng:

1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Đức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. – Đáp.

2) Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Đại Vương và Thiên Chúa của con. – Đáp.

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Đức Kitô của Người.- Đáp.

4) Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 7, 1-13

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. ​​​​​​​

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/02/2020 – THỨ BA TUẦN 5 TN

Đức Mẹ Lộ Đức   Mc 7,1-13

TỰA VÀO CHÚA MÀ ĐI

“Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa.” (Mc 7,13)

Suy niệm: Nhiều chính phủ trên thế giới đang nại vào ý muốn của số đông dân chúng biểu quyết qua lá phiếu để chấp thuận những luật lệ trái luân lý như: ly dị, hôn nhân đồng tính, cho phép phá thai, an tử, v.v, mà quên nguyên tắc căn bản là các giá trị luân lý không phụ thuộc vào các cuộc thăm dò hay tỉ lệ những lá phiếu, nhưng chúng được ban cho từ Thiên Chúa. Nại vào cớ phân biệt đạo đời, người ta không còn nhận biết Chúa Giê-su đến cứu rỗi và là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” cho hết người, hướng dẫn mọi tâm hồn. Vì thế, luật pháp thay vì thăng tiến con người lại trì kéo và làm cho con người an tâm trong những sai lầm của mình. Điều cốt lõi của lề luật là sống thánh ý của Thiên Chúa không còn nữa, chỉ còn những quy định chung của con người với nhau mà không có một qui chiếu nào với ý Thiên Chúa. Chúa Giê-su cảnh báo tình trạng sẽ càng tệ hơn, vì người ta “còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa.”

Mời Bạn: Nhiều lần bạn được nhắc nhở đề phòng ảnh hưởng của các thứ văn hóa sự chết. Thứ văn hoá sự chết hấp dẫn ta hôm nay là tự mình quyết định không lệ thuộc Thiên Chúa. Bạn có cảnh giác với thứ sự chết này không?

Chia sẻ: Những quyết định của nhóm bạn có dựa trên nguyên tắc luân lý Ki-tô giáo không?

Sống Lời Chúa: Đọc kinh “Sáng soi” và đối chiếu với Lời Chúa trước khi bạn đi đến một quyết định, một hành động.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn thuộc trọn về Chúa, cả tâm hồn, thân xác, cả tư tưởng và mọi chọn lựa của con. Xin Chúa hãy dùng con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG HAI

Âm Nhạc Phản Ảnh Mối Hòa Điệu Trong Tạo Vật

Aâm nhạc là ngôn ngữ phổ quát của mọi con người. Aâm nhạc có thể khơi trào cảm xúc sâu xa, có thể truyền đạt những tình cảm thanh cao, và có thể đánh thức mối đồng cảm đối với tâm tư của người nghệ sĩ. Loài người cần đến âm nhạc, vì âm nhạc chuyển tải chính tinh thần của người ta, nâng tâm hồn người ta lên cao, thăng hoa xúc cảm, và giúp người ta hân hoan hướng nhìn về Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng – một cách nào đó – con người trở thành ‘người’ hơn và trở thành ‘Kitôhữu’hơn nhờ âm nhạc.

Khẳng định những điều nói trên, tôi cũng nghĩ đến những giá trị độc đáo khác mà âm nhạc cống hiến. Sự hài hòa của giai điệu được tạo ra do sự kết hợp của các nốt nhạc; cũng thế, âm nhạc nếu được trình tấu bởi một nhóm sẽ sản sinh ra tình liên đới, mối đồng cảm và tình hữu nghị. Aâm nhạc có thể được xem như một lời mời gọi người ta tham dự vào một công cuộc cao quí chung – công cuộc ấy sẽ thăng hoa và củng cố tình cảm.

Những điều nói trên càng được thấy rõ ràng hơn khi âm nhạc làm dâng trào niềm vui trong các dịp lễ mừng của cộng đoàn. Nhờ âm nhạc, người ta cảm nghiệm được niềm phấn khởi hân hoan, lòng sốt sắng cầu nguyện và nhiệt tâm dấn thân vào hành động. Quả thật, âm nhạc có năng lực thúc đẩy người ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Vì thế, trong tư cách là một nghệ thuật, âm nhạc hướng lòng người ta chiêm ngắm vẻ đẹp vốn tuôn chảy từ chính Thiên Chúa, và âm nhạc cũng là một lời mời gọi người ta cảm thụ sự hòa điệu trong tạo vật. Uớc gì tất cả chúng ta biết dùng âm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/2

Đức Mẹ Lộ Đức.

(Ngày quốc tế bệnh nhân)

1 V 8,22-23.27-30; Mc 7,1-13

Lời Suy Niệm: Người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”

          Giới luật của Thiên Chúa truyền dạy qua Môsê, để hướng dẫn dân Ítraen sống (“công chính, nhân từ và lòng tin”); Nhưng nhóm Pharisêu họ lại đặt nặng những gi truyền thống của tiền nhân truyền khẩu lại. Nên, họ cứ hình thức bên ngoài mà đánh gía, phê phán người khác.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con yêu mến lề luật của Chúa, của Giáo Hội; biết dùng lề luật để cùng giúp nhau thăng tiến đời sống chung của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-02

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức (Lourdes) là một tỉnh nhỏ khoảng 6000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave. Hôm ấy là ngày 11 tháng 2 năm 1858. Trời lạnh lẽo. Vào buổi trưa, Bernadetta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gave.

Bỗng một bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabielle. Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.

Chẳng ai muốn tin cô. Bị rắc rối chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó. Cô trở lại hang đá. Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn. Bà lạ nói chuyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.

Các bậc khôn ngoan chống đối. Dân chúng lại xúc động. Công an thẩm vấn Bernadetta. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng bất bình. Nhưng Bernadetta vẫn khiêm tốn lịch sự .

Ngày 25 tháng 2, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadetta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rổi quì xuống. Theo lệnh bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khỏang 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadetta tới. Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa. Cuối cùng ông kết luận: – Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ ?

Nhưng Bernadetta bình tĩnh trả lời cách rõ ràng. – Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở lo âu, Ngài cấm các linh mục không được tới hang. Bernadetta tới gặp Ngài và nói: – Bà lạ nói: Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây.

Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng: – Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à ? Trước hết bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Làm xong nhiệm vụ, Bernadetta bình thản ra về.

Đã có những phép lạ nhãn tiền: một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng, một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục, báo chí công kích dữ dội và cho rằng: đó chỉ là ảo tưởng.

Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước. Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một một cái quách. Người cha thở dài: – Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời bào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ. Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà. Sáng hôm sau, em hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Bernadetta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25 tháng 3 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt: – Bà nói: Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ đã được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn: – Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Bernadetta hỏi một người chị bạn thân: – Vô nhiễm thai là gì nhỉ ?

Và cũng không bao giờ cô phát âm đúng chính xác từ ngữ này.

Luôn giữ mình khiêm tốn, Bernadetta đã ẩn mình trong một tu viện. Lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng năm 1879, cô từ trần, được 36 tuổi.

Dòng nước ở hang Massablle vẫn chảy. Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Đức Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn. Đức Giáo hoàng Leo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Năm 1907, Đức Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này. Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Hai

Ðức Mẹ Lộ Ðức 

Buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.

Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.

Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn…

Ba ngày sau đó, sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã mạnh dạn hô lớn: “Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 2 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ: “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Từ nơi cô đang quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.

Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.

Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba, Tuần V TN

Bài đọc: Gen 1:20 – 2:4; I Kgs 8:22-23, 27-30; Mk 7:1-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp.

Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành, Ngài tạo dựng mọi sự tốt lành, và không có sự gì Ngài tạo dựng xấu xa cả; nhưng tại sao có những sự dữ trong thế giới? Một trong những nguyên nhân chính là sự lạm dụng tự do, điều tốt lành do Thiên Chúa trao ban cho các thiên thần và con người. Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, và sự lạm dụng tự do làm cho ra xấu xa của con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự tạo dựng chim trời, cá biển, thú vật, và nhất là con người của Thiên Chúa. Tác giả nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự đều rất tốt lành và Ngài chúc lành cho tất cả các tạo vật. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Solomon xây dựng và khánh thành Đền Thờ không phải vì muốn giới hạn Thiên Chúa; nhưng để dân chúng cảm thấy sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và Kinh-sư tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm Lề Luật của tiền nhân, vì các ông không chịu rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu vạch ra các tội lỗi của họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.

1.1/ Ngày thứ năm, Thiên Chúa tạo dựng chim trời và cá biển: Khi theo dõi các chương trình của đài Discovery hàng tuần, chúng ta không khỏi ngạc nhiên đến độ sửng sốt về các loài thảo mộc, chim trời, cá biển, và các loài thú vật trong trời đất. Chúng quá đẹp, quá nhiều giống loại khác nhau, và quá hữu ích cho con người. Một điều làm chúng ta phải sửng sốt là mặc dù chúng trở thành của ăn cho nhau và cho biết bao con người, nhưng chúng là nguồn lương thực không bao giờ cạn, vì lời chúc lành của Thiên Chúa trong trình thuật hôm nay: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.”

1.2/ Ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người: Việc tạo dựng con người được coi là tuyệt đỉnh của sự tạo dựng vì những lý do sau:

(1) Khi tạo dựng các loài khác, Thiên Chúa chỉ cần phán là chúng có; khi tạo dựng con người, Thiên Chúa lấy ý kiến của những vị cùng ở với Thiên Chúa trên trời khi Ngài phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” Hai chữ tác-giả dùng khác nhau ở đây: (1) hình ảnh (selem), là một bản in chính xác của những gì nguyên thủy; và (2), giống như (demut), chỉ sự tương tự hay gần giống nhau. Con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, và có những đức tính gần giống như Ngài.

(2) Con người có quyền trên các loài thọ tạo khác: Trình thuật hôm nay nói rõ mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Trong trình thuật sau này, các thú vật được dẫn tới Adam để ông đặt tên cho chúng: “Ông gọi chúng là gì, tên của chúng như vậy.” Khi một người đặt tên cho ai, người đó có quyền trên người được đặt tên.

(3) Thiên Chúa sáng tạo gia đình đầu tiên và chúc lành cho họ: Khi tạo dựng các sinh vật khác, tuy không thấy tác-giả nói tới giống loại (đực hay cái) của chúng, nhưng được giả định phải có cho việc sinh sản. Khi đề cập tới việc tạo dựng con người, tác giả nhấn mạnh tới phái tính và lời truyền cũng như lời chúc lành cho gia đình. “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.””

(4) Mọi sự được tạo dựng cho sự xử dụng của con người: Con người không chỉ có quyền trên muôn vật, mà muôn vật còn được đặt dưới quyền xử dụng của con người. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!

1.3/ Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi: Ngày này cũng được Thiên Chúa dựng nên cho con người với mục đích để con người cùng nghỉ ngơi với Thiên Chúa. Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến lý do khi Thiên Chúa tạo dựng ngày này, vì nó sẽ trở thành đề tài cho những xung đột giữa Chúa Giêsu và các biệt-phái cùng các kinh-sư. Tác giả viết: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!

2.1/ Tại sao con người cần có một nơi xứng đáng để thờ phượng: Nhiều người đã đặt câu hỏi: Nếu Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, tại sao cần phải đến nhà thờ mới gặp được Thiên Chúa? Họ có thể dẫn chứng lời vua Solomon hôm nay: “Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!” Câu hỏi này có thể được trả lời như sau:

Thứ nhất, theo bằng chứng lịch sử, đó là điều Thiên Chúa muốn. Trong cuộc hành trình của con cái Israel trong sa mạc 40 năm, chính Thiên Chúa đã truyền cho Moses phải thiết lập Lều Hội Ngộ, Nhà Tạm, Bàn Thờ, chức tư tế, phẩm phục, cùng tất cả các đồ dùng trong phụng vụ thánh. Ngài hứa sẽ ở với con người qua cột mây phủ trên Lều Hội Ngộ. Khi con cái Israel đã định cư trong Đất Hứa, vua Solomon được phép Thiên Chúa để xây dựng một Đền Thờ cố định tại Jerusalem, thay cho Lều Tạm. Vì thế, Đền Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã lập bí-tích Thánh Thể để bảo đảm lời hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Nơi nào có Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm, nơi đó có sự hiện diện của Đức Kitô với con người.

Thứ hai, Đền Thờ được dựng nên hoàn toàn cho lợi ích của con người, chứ không cho Thiên Chúa, vì toàn thể vũ trụ là Đền Thờ của Ngài. Là loài hữu hạn, con người cần có một nơi cụ thể để xác tín sự hiện diện của Thiên Chúa trước khi cầu nguyện. Mỗi khi dân Israel nhìn thấy “cột mây” đậu xuống trên Lều Tạm, họ biết Thiên Chúa đang hiện diện ở đó. Hơn nữa, nơi Thiên Chúa hiện diện còn phải là nơi cực thánh linh thiêng để con người biết cách cư xử cho xứng đáng mỗi khi tới cầu nguyện; chứ không phải nơi con người muốn làm gì thì làm.

2.2/ Công dụng của Đền Thờ: Phụng vụ thánh gắn liền với sự hiện diện của Đền Thờ. Trong Cựu Ước, Đền Thờ là nơi con người đến cầu nguyện với Thiên Chúa chung cộng đoàn cũng như cá nhân. Thứ đến, Đền Thờ là nơi con người đến nghe và học hỏi Lời Chúa để biết cách hành xử đúng theo những gì Thiên Chúa muốn. Sau cùng, Đền Thờ còn là nơi con người đến dâng những lễ vật hy sinh để đền bù các tội lỗi của mình. Trong Tân Ước cũng vậy, thánh đường là nơi các tín hữu đến làm việc thờ phượng chung cũng như riêng. Hai điều nổi bật là lắng nghe Lời Chúa và cử hành các bí-tích. Việc tha thứ tội lỗi trong Cựu Ước được thay thế bằng Lễ Hy Sinh của Đức Kitô trong Thánh Lễ và bí-tích Hòa Giải.

3/ Phúc Âm: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.

3.1/ Luật Kosher thanh tẩy của người Do-thái: Khi nói tới Luật, người Do-thái nghĩ ngay đến Thập Giới của Thiên Chúa ban cho họ qua Moses; nhưng bên cạnh đó, còn nhiều những luật mà họ gọi là “luật truyền miệng,” hay “luật bất thành văn.” Những luật này, sau một thời gian được các tiền nhân giữ, đương nhiên trở thành luật và được ghi chép lại trong ít thế kỷ trước khi Chúa Giêsu ra đời.

(1) Những gì được họ coi là không thanh sạch: Có rất nhiều điều được coi là không sạch bởi người Do-thái: người đàn bà mới sinh con, người phong cùi, xác chết, người Dân Ngoại, và rất nhiều những rau cỏ cũng như các thú vật không được ăn vì không sạch. Tất cả những đồ vật mà những loại người này đụng vào, đều trở nên không sạch. Vì thế, họ có những khỏan luật mô tả những gì không sạch, và những điều luật làm sao để giải quyết những gì không sạch.

(2) Vệ sinh và tội lỗi: Đối với họ, thanh sạch không phải chỉ là chuyện vệ sinh, nhưng là chuyện liên quan đến tội lỗi và Lề Luật. Kẻ nào vi phạm có thể bị trừng trị theo Luật và ngay cả có thể bị tử hình

3.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài chắc chắn không đả phá việc giữ vệ sinh trước khi ăn; nhưng Ngài muốn vạch ra cho họ thấy những phi lý quá trớn về sự quan sát luật thanh sạch của họ:

(1) Giữ đạo thành thật bên trong hay giữ luật cách giả hình bên ngoài? Tôn giáo hệ tại việc giúp con người sống mối liên hệ chân tình với Thiên Chúa, chứ không phải ở việc giữ một số lễ-nghi cách hời hợt bên ngoài. Chúa Giêsu dùng lời của tiên-tri Isaiah tố cáo họ: “Ngôn sứ Isaiah thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

(2) Luật của Thiên Chúa phải được coi quan trọng hơn luật của con người: Chúa tiếp tục chỉ trích họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông… Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp và trao cho con người quyền điều khiển. Chúng ta có bổn phận bảo vệ mọi sự tốt đẹp theo như ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tạo dựng điều xấu xa; những điều này xảy ra là do quỉ thần và sự lạm dụng tự do của con người.

– Thiên Chúa muốn hiện diện cách hữu hình với con người trong Đền Thờ hay thánh đường. Chúng ta có thể cầu nguyện khắp nơi; nhưng phải vào thánh đường để lắng nghe Lời Chúa và cử hành các bí-tích.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************