Ngày thứ ba (11-08-2020) – Trang suy niệm

10/08/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ed 2, 8 – 3, 4

“Người ban cho tôi cuốn sách ấy làm lương thực: nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa phán như thế này: “Phần ngươi, hỡi con người, hãy nghe các lời Ta sẽ phán cùng ngươi; ngươi chớ phản nghịch như loài phản nghịch kia. Hãy mở miệng mà ăn những sự Ta sẽ ban cho ngươi”. Tôi nhìn, thì có một bàn tay đưa về phía tôi, trong tay có cuốn sách cuộn lại. Người mở cuốn sách ra trước mặt tôi: sách viết cả mặt trong, mặt ngoài. Trong sách viết những lời than van, rên rỉ và kêu trách.

Người phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự ngươi tìm được. Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel”. Tôi mở miệng và Người cho tôi ăn cuốn sách ấy và bảo tôi rằng: “Hỡi con người, hãy lấy cuốn sách Ta ban cho ngươi làm lương thực mà ăn cho no”. Tôi ăn và nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi. Và Người phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, hãy đi đến nhà Israel và nói cho chúng nghe những lời của Ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Đáp: Các lời sấm của Chúa ngọt ngào trong cổ họng con là dường nào (c. 103a).

Xướng:

1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường bằng được mọi thứ giàu sang. – Đáp.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ của Ngài là những bậc cố vấn của con. – Đáp.

3) Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. – Đáp.

4) Các lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. – Đáp.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời: vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. – Đáp.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. – Đáp. 

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

“Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/08/2020 – THỨ BA TUẦN 19 TN

Th. Cla-ra, trinh nữ

Mt 18,1-5.10.12-14

NHỎ LẠI ĐỂ LỚN LÊN

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)

Suy niệm: Câu hỏi của các môn đệ: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” có vẻ thật vô ý và vô lý, vì ngoài Chúa Giê-su ra thì còn ai khác nữa. Chúa Giê-su đã cố ý trả lời các ông bằng một câu càng vô lý hơn: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Ngài đã chỉ cho các ông thấy giá trị của một người không hệ tại chức tước, địa vị mà người đó có, nhưng tuỳ thuộc những công việc người đó làm với tư cách một người bé mọn phục vụ tha nhân vì chức vụ là để phục vụ.

Mời Bạn: Là thành viên của một cộng đoàn (gia đình, hội đoàn, tổ chức, dòng tu… nào đó), chắc chắn rằng ít nhiều bạn đang giữ một địa vị với một công tác nào đó. Bạn được mời gọi là người phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Bạn sẽ là người “lớn” thật sự khi bạn biết cách “nhỏ” đi trong việc chu toàn bổn phận và phục vụ người xung quanh.

Chia sẻ: Bạn đã từng có cảm nghiệm được lớn lên khi hạ mình xuống chưa? Bạn là người có quyền trong gia đình, trong cộng đoàn, nhóm…, bạn đã bao giờ làm cho mình “nhỏ” lại chưa? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi không đòi mọi người phải cư xử với tôi như với một “người lớn”; trái lại, tôi muốn làm “người nhỏ” để phục vụ những người xung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám dỗ muốn làm lớn luôn làm cho con có những suy nghĩ và hành động đi ngược lại tình thần Phúc Âm, gây bất an trong tâm hồn con, gây đau khổ cho anh em con. Xin giúp con biết sống theo Lời Ngài để con trở nên bé nhỏ thực sự khi phục vụ anh em con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,
đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.
Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),
các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).
Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,
đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.

Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.
Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,
cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.
Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,
cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.
Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,
Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.
Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,
là phải trở nên như trẻ em (c. 3).
Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.
Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.
Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,
người ấy mới có thể vào Nước Trời.
Nước Trời là Nước của trẻ thơ,
và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.

Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).
Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,
cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,
không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.
như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.

Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,
Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.
Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.
Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.
Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.
Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,
và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).
Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.
Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên
để đi tìm một con chiên lạc.
Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về. “Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.
Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,
chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG TÁM

Thiên Chúa Đã Yêu Thế Giới Đến Nỗi …

“Thế giới ở đây là thế giới của con người, thế giới ấy, người Kitôhữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì. Thế giới ấy, đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn” (MV 2).

Định nghĩa ấy gồm tóm toàn bộ giáo thuyết về sự quan phòng, hiểu như kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, hoặc hiểu như sự hoàn thành chung cục của vũ trụ. Điều này đặc biệt đúng đối với thế giới con người theo như “được tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là trung tâm và là nguồn gốc của mọi sự.

Bằng cách này, Vatican II làm cho sắc bén giáo huấn tín lý của Công Đồng Vatican I: “Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển mọi loài Ngài đã dựng nên với sự quan phòng của Ngài, từ chân trời này tới chân trời kia (Kn 8,1). ‘Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ngài’ (Dt 4,13), ngay cả những gì xảy ra thông qua sáng kiến tự do của tạo vật” (Dei Filius, DS 3003).

Ngay từ đầu, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng tập chú đến một vấn đề vừa liên quan với chủ đề của chúng ta ở đây vừa bức thiết với con người hiện đại: Bằng cách nào sự phát triển của Nuớc Thiên Chúa và sự phát triển của thế giới có thể hòa điệu với nhau?

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/8

Thánh Clara, trinh nữ

Ed 2, 8-3,4; Mt 18, 1-5.10.12-14.

LỜI SUY NIỆM: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này, là tiếp đón chính Thầy.” (c.5) “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này’ (c10). “Cha của anh em. Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (c 14)

          Đây là những lời căn dặn của Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu cần phải lắng nghe để giữ mình trước mặt Chúa và người đời.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhớ đến những lời căn dặn của Chúa khi sống với người anh em đặc biệt đối với các trẻ nhỏ: phải biết nêu gương sáng, gương tốt, để không làm vẩn đục tâm hồn các em; và đối với những người nghèo khổ đang sống trong những hoàn cảnh phẩm giá bị coi thường; biết tôn trọng và năng đỡ, giúp họ tìm được niềm an ủi để vui sống.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-08: Thánh CLARA

Đồng Trinh (1193 – 1253)

Thánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria. Thuộc dòng họ danh gái Offreducciô. Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới chân Chúa Giêsu chịu đóng dinh. Nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của thánh nhân. Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến cuộc sống sám hối khiêm hạ. Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi tới quyết định.

Khi ấy thánh Clara 18 tuổi. Vào ngày Lễ Lá, 18 tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ. Theo thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức giám mục. Hôm ấy Clara quá xúc động, khiến chính đức giám mục phải rồi ghế đưa lá đến cho Ngài. Chiều về, Ngài đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp thánh Phanxicô tại Porsiuncola…

Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình, còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả tinh thần lẫn vật chất đối với cô. Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh đuốc của đoàn anh em. Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô cắt bỏ. Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không với một chút quyền hạn theo giáo luật. Phanxicô đã lãnh bản ly dị của Clara đối với thế gian, rồi gởi đi vào một nữ tu viện Benedicto gần đó.

Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động. Thế gian kết án Clara. Ong Monaldo, cậu thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về, nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi. Phanxicô dẫn thánh nữ tới một nữ tu tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê. Sau cùng Phanxicô thiết lập cho Clara và cộng đoàn đã tăng số một tu viện tại San Damianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng. Trong một thời gian cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ.

Dầu vậy, Clara con người đi xa hơn cả ước muốn của thánh Phanxicô. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêdictô. Nhưng một mục chương nói rằng sự đơn sơ và nhiệt tình của chị em khiến cộng đoàn tăng số rất nhanh.

Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên hệ với San Đômianô bị gián đoạn. Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không được chính xác lắm. Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Damianô, nơi Phaxicô trước tác bài ca mặt trời. Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porziuncola và qua đời tại đó. Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngã San Đamianô. Thánh Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân Ngài.

Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo thành Assisi. Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức nghèo khó tuyệt đối. Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa. Clara cưỡng lại và năm 1228 đã được hưởng đặc ân như sở nguyện. Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô: – Thưa Đức Cha, xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo lời Chúa.

Năm 1247, một lần nữa đức Innocentê IV kiểm soát lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo truyệt đối. Luật này được Đức Innocente chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời. Năm 1893 người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.

Cuộc sống còn được ghi nhớ bởi cuộc tàn phá năm 1241 của vua Frêdêrico II, nhờ lời cầu nguyện đắc lực của Ngài. Trong cơn bệnh của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là đức giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến trao mình Chúa và khuyyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời: – Từ khi nếm thử chén đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.

Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài nói với mình: – Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.

Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng năm 1253 và năm 1255 được tôn phong hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Tám

Cô Bạn Của Thánh Phanxicô Assisi

Một trong những cuốn phim có giá trị diễn tả về cuộc đời của thánh Phanxicô thành Assisi mới được thực hiện cách đây vài năm đa thi vị hóa vai trò của Clara, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ðạo diễn của cuốn phim đã giới thiệu Clara qua hình ảnh một nữ tài tử trẻ đẹp với mái tóc vàng óng ả, thích tung tăng chạy nhảy giữa cánh đồng hoa hướng dương chạy dài mút mắt.

Trong thực tế, quãng đời thanh xuân của Clara đã cống hiến nhiều chi tiết có thể được sử dụng làm chất liệu để quay phim. Vào tuổi trăng tròn 15, Clara đã từ chối kết hôn vì tâm hồn của nàng bị xúc động mãnh liệt qua lời rao giảng có chiều sâu của Phanxicô. Từ đó cho đến lúc Clara trút hơi thở cuối cùng, Phanxicô là một người bạn tinh thần, một cha linh hướng của nàng.

Lúc lên 18 tuổi, Clara thoát ly gia đình và trong một buổi lễ đơn sơ cử hành vào đêm, nàng đã cởi bỏ những xiêm y đắt tiền để mặc lấy một chiếc áo dòng bằng vải thô, đã thay chiếc dây nịt quý giá bằng một sợi dây thắt lưng đơn sơ và đã để cho Phanxicô cắt mái tóc óng ả của mình tượng trưng cho tinh thần từ bỏ.

Khi một số thiếu nữ khác cùng một chí hướng, kể cả Agnes, em gái của Clara, theo chân nàng vào tu viện, họ đã bắt đầu một cuộc sống nghèo nàn, khổ hạnh và ẩn dật, cắt đứt mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ đi chân không, ngủ trên nền nhà, không ăn thịt và giữ thinh lặng hầu như hoàn toàn. Ðó là những dấu hiệu bên ngoài biểu lộ ý hướng bên trong của họ muốn sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm như Ðức Giêsu đã dạy.

Ðế sống cuộc đời từ bỏ, các nữ tu dòng thánh Clara khước từ quyền sở hữu của bất cứ của cải nào, kể cả với tính cách là của chung.

Nhu cầu lương thực hằng ngày được giải quyết bằng của bố thí. Khi Ðức Thánh Cha khuyên họ giảm bớt cách thực hành sống nghèo cách tuyệt đối như vậy, Clara đã khẳng khái trả lời: “Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con cần cha tha tội, chứ chúng con không mong ước cha tha chúng con khỏi những bổn phận phải giữ để trung tín dõi theo chân Chúa Giêsu”.

Trong bốn bức tường tu viện tại San Ðamianô gần Assisi, Clara ân cần chăm sóc các bệnh nhân, khiêm nhượng hầu bàn và rửa chân cho các nữ tu sau khi họ đi cầu thực trở về và dành nhiều thời giờ để tâm hồn chìm sâu trong kinh nguyện. Các nữ tu đồng thời thuật lại rằng: Khi Clara cầu nguyện xong, mặt chị chiếu sáng làm chói mắt mọi người.

Trong 27 năm cuối đời, Clara bị đau ốm luôn, nhưng chị đã thu hút được nhiều Giám Mục, Hồng Y, kể cả các giáo chủ đến để tham khảo ý kiến của chị.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 19 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 2:8-3:4; Mt 18:1-5, 10, 12-14

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lãnh đạo theo kiểu của Thiên Chúa.

Nước mất nhà tan phần lớn là do tội của những nhà lãnh đạo không biết cách cai trị dân chúng. Thay vì phải cai trị dân chúng trong công bằng và thương yêu, họ đối xử bất công và gây chia rẽ trong mọi giới. Thay vì chú trọng đến việc phát triển quốc gia và nâng cao đời sống dân chúng, họ bằng lòng chỉ để ý đến lợi nhuận và hưởng thụ.

Các bài đọc hôm nay dạy cho con người biết cách lãnh đạo làm sao để mang lại hòa bình và cơm no áo ấm cho dân. Trong bài đọc I, Đức Chúa dạy cho ngôn sứ Ezekiel điều quan trọng nhất trong cách lãnh đạo là vâng lời Ngài. Cứng lòng và phản loạn chỉ chuốc lấy thiệt hại vào thân và mang đất nước đến chỗ thảm bại và lưu đày. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết người lớn nhất trong Nước Trời là người biết khiêm nhường như trẻ nhỏ để biết lắng nghe Lời Chúa và để phục vụ mọi người. Ông cũng phải có lòng thương yêu để đi tìm con chiên lạc.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ phải biết vâng lời nói những gì Thiên Chúa muốn.

1.1/ Thị kiến về cuốn sách: Vì vua quan cũng như dân chúng không chịu thờ phượng Đức Chúa và tuân giữ những điều Ngài truyền, nên tất cả phải lãnh hậu quả là nước mất nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, và toàn dân bị đem đi lưu đày. Trong thời gian bị lưu đày bên Babylon, các ngôn sứ của Đức Chúa đã không ngừng loan báo cho dân biết Chúa sẽ cứu đám tàn dân còn lại, và cho họ hồi hương trở về kiến thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Để được như thế, họ phải nghe lời các ngôn sứ.

Liên tiếp các trình thuật về ơn gọi làm ngôn sứ, một người có thể thấy sự quan trọng của Lời Chúa trong sứ vụ ngôn sứ. Trong ơn gọi làm ngôn sứ của Isaiah, sứ thần của Đức Chúa đã thanh tẩy ông bằng cách gắp một cục than hồng cho chạm vào miệng để thanh tẩy ông. Trong Jeremiah, Chúa truyền cho ông ăn cuốn sách nhỏ. Và hôm nay trong Ezekiel, Chúa truyền cho ông ăn cả cuộn sách: “Còn ngươi, hỡi con người, hãy nghe điều Ta sắp nói với ngươi, đừng phản loạn như nòi phản loạn ấy! Mở miệng ra mà ăn cái Ta sắp ban cho ngươi.”

Trong cuộn sách Thiên Chúa trao có cả qúa khứ đau buồn lẫn tương lai hy vọng. Những trang viết mặt trước có thể là những gì sắp tới trong tương lai, những trang viết mặt sau có thể là những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tiên tri tường thuật: “Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trước lẫn mặt sau, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa.”

1.2/ Ezekiel vâng lời Thiên Chúa ăn cuốn sách: Thái độ của ngôn sứ Ezekiel vâng lời ăn cuốn sách ngược lại với giống nòi phản loạn không chịu nghe lời Thiên Chúa. Lời của Chúa đã trở thành lời của Ezekiel. Cuốn sách ngọt như mật có ý muốn nói đến sự dịu ngọt của Lời Chúa. Khi đã thấm nhuần Lời Chúa rồi, ngôn sứ Ezekiel mới có thể đi rao truyền Lời Chúa cho nhà Israel được.

2/ Phúc Âm: Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

2.1/ Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời.

(1) Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.

(2) Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidíon) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.

2.2/ Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:

(1) Đừng khinh thường kẻ bé mọn: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Thế gian chú trọng đến những người có địa vị, quyền thế, và giầu có; Chúa dạy các môn đệ phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikros). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidíon), tĩnh từ này được dùng để chỉ:

– những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;

– những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.

Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).

(2) Phải đi tìm con chiên lạc: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.”

Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nhà lãnh đạo thành công trước hết là người biết lắng nghe Lời Chúa, sau đó phải tìm mọi dịp để rao truyền và áp dụng những lời này trong cuộc sống để sinh ích cho mọi người.

– Trở nên như trẻ thơ không phải làm tất cả những gì chúng làm, nhưng biết khiêm nhường hạ mình trước mặt Thiên Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài.

– Nhà lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa không phải là người đứng chỉ tay năm ngón, nhưng biết yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người cô thân cô thế. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************