Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần V Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27 (Hl 19-28)
“Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.
Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21
Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a
“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
12/05/2020 – THỨ BA TUẦN 5 PS
Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo
Ga 14,27-31a
“MỘT CÕI ĐI VỀ” VỚI CHÚA KI-TÔ
“Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.”(Ga 14,28)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc diễn tả nỗi niềm khắc khoải của mình: hết “lên non cao” lại “về biển rộng,” đi khắp cõi nhân gian “chưa từng độ lượng” này để đi tìm một chốn quê nhà vĩnh cửu:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Thế nhưng ông vẫn ngậm ngùi như đang lạc vào cõi hư vô:
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Để đáp lại nỗi niềm của những tâm hồn thao thức đó, Đức Kitô Phục sinh cho thấy ý nghĩa mới cho cuộc nhân sinh này. Ngài bộc lộ “cõi đi về” của Ngài là chính Chúa Cha, Đấng mà Ngài gọi tên với tất cả tình yêu mến: “Abba, Cha ơi!” Thật vậy Ngài “từ Chúa Cha mà đến thế gian,” và giờ đây Ngài “lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 17,28). “Cõi đi về” của Chúa Kitô cũng là “cõi” dành cho chúng ta, bởi vì: “Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).
Mời Bạn: Bạn có đang khắc khoải tìm về Đấng Phục Sinh không? Hay bạn đang gặp trở ngại trên con đường trở về của bạn: bất mãn chán nản vì gương xấu của ai đó? vì thất bại, vì rủi ro trong cuộc sống? vì một tật xấu cố hữu?
Sống Lời Chúa: Viếng Thánh Thể và đọc Tv 121 để cảm nghiệm niềm vui “Một Cõi Đi Về” với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi; đi về nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương ngập trời. (Trầm Hương)
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG NĂM
Mệnh Lệnh Cuối Cùng
“Mọi quyền hành trên trời và dưới đất đã được trao cho Thầy” (Mt 28, 18). Vào ngày thứ bốn mươi sau phục sinh, sự sống mới nơi Đức Kitô biểu hiện chiều kích thiêng liêng của nó vượt quá thời gian. Ngày Thăng Thiên, trọn vẹn uy quyền của Đức Kitô Phục Sinh đã được mở ra cho thấy. Đó là “uy quyền trên trời và dưới đất”. Sức mạnh và uy quyền đó, Đức Kitô đã có từ muôn thuở, vì Người là Con đồng bản tính với Chúa Cha. Giê-su Na-da-rét, trong tư cách là một con người, đã chiến thắng xuyên qua thập giá của Người; và Thiên Chúa Cha đã trao cho Người mọi quyền uy và sức mạnh. Quyền hành ấy đến từ sức mạnh cứu độ.
Và với quyền hành ấy, Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ mệnh lệnh cuối cùng của Người trên dương thế: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28, 19 – 20). Sứ mạng của các Tông Đồ là rao giảng Tin Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Khi chúng ta nghe những lời ấy, những lời chứa đầy sức mạnh cứu độ của Đức Kitô, chúng ta nghĩ ngay đến Nhóm Mười Hai là những người đầu tiên đã nghe lệnh truyền ấy.
Nhưng chúng ta không thể tách rời mệnh lệnh này trong biến cố Thăng Thiên ra khỏi hoa trái của nó trong đời sống Giáo Hội và trong lịch sử của các quốc gia và các dân tộc. Hoa trái đó là sự cứu rỗi các linh hồn.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 12/5
Thánh Nêriô và Thánh Achilêô tử đạo
Thánh Pancratiô, tử đạo
Cv 14, 19-28; Ga 14, 27-31a.
Lời Suy Niệm: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.”
Chúa Giêsu biết sau cuộc Thương Khó, Phục Sinh và Thăng Thiên của Người, các môn đệ của Người sẽ lâm vào cảnh đầy lo âu và xao xuyến; cần đến sự bình an, một sự bình an trong quyền năng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con vững tin vào tình yêu thương của Chúa mà vững bước trong bình an của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 Tháng Năm
Danh Dự Cho Ai
Văn sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường.
Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa. Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt được…
Nhà văn đang say với bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng trên đầu ông có một tượng thánh giá… Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt…
Khao khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa…
Chúa Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.
Chúa Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++