Ngày thứ ba (13-02-2024) – Trang suy niệm

12/02/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 6 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gc 1, 12-18

“Chính Thiên Chúa không hề cám dỗ”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết.

Anh em thân mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 93, 12-13a. 14-15. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo (c. 12a).

1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ.

2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

3) Đang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui sướng hồn con.

ALLELUIA: Tv 118, 27

All. All. – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mc 8, 14-21

“Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/02/2024 – THỨ BA TUẦN 6 TN

Mc 8,14-21

VỮNG TIN VÀO CHÚA

Đức Giê-su răn bảo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” (Mc 8,15)

Suy niệm: Nhân vì sự cố các môn đệ vượt biển mà “quên đem theo bánh”, Chúa Giê-su ‘lái’ sang chuyện “đề phòng men Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê”; đó là tính kiêu căng, giả hình, nệ luật và lối sống xa hoa, hưởng thụ… là thứ ‘men xấu’ dễ lây lan và tác động xấu lên cộng đoàn, nhất là những người bé mọn. Nhưng các môn đệ mang nặng đầu óc thế tục, chỉ nghĩ đến nhu cầu vật chất mà “quên” rằng Thầy vừa “bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn” và còn thu được 12 thúng đầy mẩu bánh dư. Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết tín thác vào tình yêu và quyền năng quan phòng của Chúa để mặc lấy tinh thần siêu nhiên hướng về mục đích tối hậu của đời mình là hạnh phúc vĩnh cửu.

Mời Bạn: Lời quở trách của Chúa với các môn đệ hôm xưa, phải chăng cũng là lời trách cứ chúng ta hôm nay khi chúng ta mải lo toan, tính toán chuyện đời mà quên đặt niềm tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa? Chúa đã làm bao nhiêu điều để  quan phòng chăm sóc cho chúng ta mà chúng ta không nhận biết, không dám phó thác cuộc đời của mình cho Ngài hay sao? Khi cảm nghiệm được sự yêu thương của Chúa, bạn sẽ mạnh dạn loại bỏ loại bỏ tinh thần thế tục và sẵn sàng đặt niềm tín thác vào tình yêu thương và quan phòng của Chúa hơn .

Sống Lời Chúa: Cuối mỗi ngày, bạn dành ít phút cầu nguyện riêng tư để hồi tưởng lại những việc Chúa đã làm cho và đã thương mình, gia đình mình… như thế nào (x. Mc 5,19)

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát Tv. 22: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, người cho tôi nằm nghỉ…”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Tin Mừng Máccô kể ba câu chuyện về việc Thầy trò vượt Biển hồ.
Lần đầu, Thầy Giêsu đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng
khiến các môn đệ tự hỏi : Người này là ai…? (Mc 4, 35-41).
Lần thứ hai, sau khi hóa bánh ra nhiều, Thầy đã đi trên mặt nước mà đến với họ.
Nhưng lòng các môn đệ còn chai đá,
họ không hiểu được chuyện bánh hóa nhiều (Mc 6, 45-52).
Bài Tin Mừng hôm nay là lần cuối Thầy trò vượt biển qua bờ bên kia,
sau khi Thầy Giêsu đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10).

Có một sự cố xảy ra khiến các môn đệ lo âu.
Các ông quên mang bánh khi vượt biển.
Trên thuyền chỉ có một cái bánh duy nhất (c. 14).
Không rõ tại sao trong bối cảnh này Thầy Giêsu lại cảnh báo các ông
về thứ men xấu làm hư hỏng con người (x. 1 Cr 5, 6-8),
đó là thứ “men của người Pharisêu và men của người theo Hêrốt (c. 15).
Có lẽ vì cuộc đụng độ vừa qua với người Pharisêu (Mc 8, 11-13).
Nhưng lời cảnh báo của Thầy Giêsu có thể đã bị các môn đệ hiểu sai.
Các ông tưởng Thầy trách về chuyện họ không mang đủ bánh.
Từ đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa họ với nhau về chuyện này.

Thầy Giêsu chắc là giận lắm.
Chưa khi nào chúng ta thấy ngài đặt nhiều câu hỏi liên tiếp như vậy.
Tùy lối chấm câu, có thể có từ sáu đến chín câu hỏi.
Qua các câu hỏi, ngài bày tỏ sự thất vọng về các môn đệ.
Họ chậm hiểu, chậm nắm bắt; tim của họ bị chai (c. 17).
Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (c. 18).
Trí nhớ và lòng tin của họ khá kém,
vì dù đã chứng kiến hai lần phép lạ bánh hóa nhiều,
một lần, năm chiếc bánh cho năm ngàn người,
lần khác, bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người,
họ vẫn lo âu khi thấy trong thuyền chỉ có một chiếc bánh dự trữ.

“Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao ?” (c. 21).
Chúng ta cũng nghe Chúa hỏi câu hỏi này khi chúng ta xao xuyến âu lo
trước những khó khăn của cuộc sống.
Các môn đệ vượt biển mà không mang đủ lương thực cần dùng.
Họ lo âu vì sợ lỡ ra có bão hay sự cố gì thì làm sao đây.
Thực ra điều họ quên không phải là bánh,
mà là quên Thầy Giêsu đang ở cùng thuyền với họ.
Chúng ta cần ôn lại những điều lạ lùng Chúa đã làm cho đời ta từ nhỏ,
để sống mỗi ngày trong bình an.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,
Con phó mặc con cho Cha,
Xin dùng con tùy sở thích Cha.

Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sáng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
Và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
Thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
Lạy Chúa Trời của con,
Với tất cả tình yêu của lòng con,

Vì con yêu mến Cha,
Vì lòng yêu mến
Thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
Thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
Không so đo,
Với một lòng tin cậy vô biên,
Vì Cha là Cha của con.

(Chân phước Charles de Foucauld)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG HAI

Theo Đuổi Kỷ Luật Bản Thân

Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều” (1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.

Để trở thành một vận động viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác. Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý. Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp, lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta, chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho tất cả các giá trị của thể thao.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/2

Gc 1, 12-18; Mc 8, 14-21.

Lời Suy Niệm: Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ còn một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê.”

          Trên con thuyền các môn đệ và Chúa Giêsu đang qua bên kia sông, các môn đệ quên đem theo bánh và Chúa Giêsu đã cảnh báo họ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê.” Và sau đó Chúa Giêsu hỏi về chuyện Chúa hoá ra bánh nhiều để dân ăn và còn dư. Điều này Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải nhận ra Ngài là Đấng Mêssia, và đặt trọn niềm tin vào Người chứ đừng giống như nhóm Pharisêu, họ đòi Người phải làm một dấu lạ mới tin, hay như đảng phái Hêrôđê chỉ nghĩ đến thế lực vinh quang trần thế này mà thôi.

          Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ đang đi với Chúa mà quên đem theo bánh, các ông đã quá lo lắng. Trong cuộc sống của chúng con ngày hôm nay cũng đang gặp nhiều khó khăn và thử thách. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con vững đức tin: Tin Chúa đang sống trong chúng con và Chúa muốn chúng con được sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Hai

Mang Tên Một Vị Thánh

Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.

Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.

Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 6 – TN2

Bài đọc: Gen 6:5-8, 7:1-5, 10; Jam 1:12-18; Mk 8:14-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần sống đức tin trong cuộc đời.

Đức tin không phải chỉ là những hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng còn là áp dụng những hiểu biết này trong cuộc đời. Nếu chúng ta không sống những gì chúng ta tin, đức tin chỉ là điều trong trí óc và chẳng giúp được gì cho chúng ta (Jam 2:14). Ví dụ, nếu chúng ta tin lời Thiên Chúa nói về sự quan phòng của Ngài, chúng ta không được phép lo lắng thái quá về việc ăn gì, uống gì, và mặc gì? Hay nếu chúng ta tin điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho mọi người được cứu độ, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ cho việc tìm hiểu và rao giảng Tin Mừng.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những mẫu gương sống và không sống đức tin. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, Noah được đẹp lòng Đức Chúa vì ông tuyệt đối sống đức tin nơi Thiên Chúa; trong khi tất cả những người khác sống ngược lại. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác-giả Thư Giacôbê xác định cám dỗ không đến trực tiếp từ Thiên Chúa; nhưng cần thiết để thử luyện đức tin của con người. Trong Phúc Âm, Chúa nhắc nhở các tông-đồ “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!” Vì tuy các ông đã chứng kiến 2 phép lạ cả thể Chúa Giêsu đã làm để nuôi một lần 5,000, một lần 4,000 người ăn no nê; các ông vẫn bàn tán về việc không mang đủ bánh theo.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa muốn tiêu diệt con người.

1.1/ Tội lỗi và hình phạt: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng.”” Có nhiều điểm sai về thần học nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đen của đoạn văn này: Làm sao Thiên Chúa có thể “hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng.” Chẳng lẽ Thiên Chúa không biết trước con người sẽ tội lỗi như thế khi trao ban tự do cho con người xử dụng? Tác-giả không để ý đến thần học mà chỉ chú ý đến hai điểm chính:

(1) Tội lỗi con người là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy: Đã gây ra tội lỗi, con người phải chấp nhận hình phạt tương xứng với tội của mình. Sở dĩ Thiên Chúa chưa phạt vì giờ của Ngài chưa đến. Đừng có ai nghĩ mình cứ phạm tội và có thể trốn thoát hình phạt của Thiên Chúa.

(2) Thiên Chúa có uy quyền sáng tạo và cũng có uy quyền tái tạo mọi sự. Qua Lụt Hồng Thủy và những trận lụt khắp nơi trên thế giới, chúng ta cảm nhận được một điều: Nếu Thiên Chúa muốn xoá sạch trái đất, Ngài chỉ cần cho mưa liên tục trong vài chục ngày.

1.2/ Niềm tin và sự cứu thoát: Sống công chính là lý do tại sao Đức Chúa cứu gia đình Noah. Ông sống công chính vì ông tuyệt đối tin tưởng và thi hành những gì Đức Chúa truyền. Trong khi mọi người nhạo cười ông khi được ông cho biết Nạn Hồng Thủy sắp xảy ra, ông vẫn một mực tin tưởng nơi lời Đức Chúa phán và hoàn tất việc đóng tàu. Điều này chứng minh sự công bằng của Thiên Chúa: Cho dù chỉ có một gia đình ông Noah sống công chính, Ngài không tru diệt gia đình ông cùng với toàn thể nhân loại.

Kích thước của con tàu do Noah đóng là: 300 cubits chiều dài, 50 cubits chiều ngang, và 30 cubits chiều cao. Một cubit tương đương với khỏang 18 inches. Nếu tính ra đơn vị của Anh, con tàu có kích thước: 450 ft chiều dài, 75 ft chiều rộng, và 45 ft chiều cao. Đây là một con tàu vĩ đại nếu đem so sánh với những chiếc tàu lớn hiện đại. Ví dụ, chiếc tàu Anh Mayflower chỉ dài 90 ft, tàu Noah phải dài gấp năm lần. Cộng với việc lựa chọn tất cả các sinh vật Thiên Chúa đã tạo dựng để cho vào bong tàu; đây là công việc rất khó khăn cho Noah thực hiện.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng thử thách.

2.1/ Thiên Chúa để cám dỗ xảy đến cho con người.

(1) Nguồn gốc của cám dỗ: Con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khá hay hoàn cảnh đưa đến sự sa ngã của mình. Trong trình thuật về sự sa ngã đầu tiên của con người: ông Adong đổ tội cho bà Evà, người Thiên Chúa đã dựng nên và cho ông làm bạn. Bà Evà đổ lỗi cho con rắn đã lừa đảo và cám dỗ Bà. Câu hỏi được con người đặt ra: “Ai là nguyên nhân chính của cám dỗ?” Có ít nhất 4 ý kiến khác nhau:

+ Thiên Chúa: Ngài dựng nên mọi sự trong trời đất: thiên thần, quỉ thần, và con người với mọi dục vọng trong cơ thể. Tác giả thư Giacôbê phản đối ý kiến này: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ,” vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai.” Hơn nữa, trình thuật tạo dựng cũng xác tín: “mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành.”

+ Quỉ thần: Rắn cám dỗ bà Evà trong vườn Địa Đàng, và vẫn đang cám dỗ con người như lời Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ: “Thầy thấy Satan từ trời sa xuống, và sàng các con như sàng gạo.”

+ Thế gian: Những người sống chung quanh mình, và môi trường gia đình cũng như xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến tội lỗi của cá nhân. Ví dụ: nghèo đói sinh ra mọi tệ nạn xã hội như ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, và đĩ điếm. Tuy nhiên, con người vẫn có thể sống: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

+ Xác thịt: Không biết kiềm chế những dục vọng trong con người mình. Thánh Giacôbê qui chế cám dỗ cho con người: “Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt.”

(2) Trách nhiệm của con người: Thực ra, Thiên Chúa chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp vì Ngài dựng nên và điều khiển mọi sự; nhưng con người là nguyên nhân trực tiếp cho các hành động tội lỗi của mình. Thiên Chúa không dựng nên các điều xấu vì tội lỗi không bén mảng được vào Thiên Chúa. Ngài để những sự xấu xảy ra và ban cho con người có khôn ngoan để nhận ra các nguy hiểm và tự do để chọn lựa điều tốt giữa bao điều xấu xa. Cám dỗ cần thiết vì nó cung cấp thử thách cho con người để họ chứng minh niềm tin yêu của con người nơi Thiên Chúa. Tác giả Thư Giacôbê nhìn ra lợi ích của cám dỗ: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.” Nhưng nếu con người không biết dùng khôn ngoan để nhận ra những nguy hiểm của cám dỗ và sa ngã, họ là người phải chịu trách nhiệm cho mọi hình phạt sẽ xảy đến, hình phạt nguy hiểm nhất là cái chết, như tác giả nhận xét: “một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết.”

2.2/ Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Tác giả tin mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, như trình thuật tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, khi viết: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.” Tác giả nhấn mạnh đến tính bất biến của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ thay đổi: mặt trời, mặt trăng, và các tinh thể có thể lúc sáng lúc tối; nhưng nơi Thiên Chúa hoàn toàn là sự sáng.

Trách nhiệm của con người là biết tận dụng tất cả những gì Chúa dựng nên cho mục đích tốt lành mà Thiên Chúa mong muốn. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để con người lầm lũi bước đi trong tăm tối và bị rơi vào bẫy của ba thù (quỉ thần, thế gian, và dục vọng xác thịt); nhưng ban cho con người một nguồn sáng không bao giờ tối là Kinh Thánh. Con người phải biết chạy đến với nguồn sáng này để nhận ra các cám dỗ và cách thức để vượt qua, như tác giả khuyên: “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.”

3/ Phúc Âm: Lo lắng chuyện ăn uống.

3.1/ Lo lắng chuyện thế gian: Các môn đệ lo lắng vì quên đem bánh theo; các ông chỉ có một chiếc bánh trên thuyền. Chúa Giêsu răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!” Men là miếng bột cũ còn giữ lại từ khối bột làm bánh cũ; mục đích là để cho bột nổi lên trước khi nướng bánh. Chỉ cần một chút men cũng đủ làm dạy cả một khối bột lớn. Người Do-thái đôi khi đồng hoá công việc của ma quỉ với men.

(1) Men Pharisees: Niềm tin đặt trên việc nhìn thấy phép lạ để đem lại uy quyền và lợi lộc vật chất. Chúng ta đã nói về vấn đề này hôm qua, khi họ đến tranh luận và thách thức Chúa Giêsu làm phép lạ, trước khi họ có thể tin vào Ngài.

(2) Men Herode: Nhà Vua chú trọng đến uy quyền, danh vọng, và hưởng thụ các của cải vật chất. Vì thế, ông đã từ chối sự thật và chém đầu Gioan Tẩy Giả.

Khi khuyên các môn đệ phải đề phòng “men Pharisees và men Herode,” Chúa Giêsu muốn nói với các ông đừng quan tâm đến những chuyện thế gian như họ. Hơn nữa, Chúa đang chuẩn bị cho các ông chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.

3.2/ Các Tông-đồ đã không sống niềm tin: Mặc dù đã được Chúa Giêsu cảnh cáo, các ông vẫn không hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói, vì “các ông vẫn bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.” Chúa Giêsu cũng phải bực mình nên Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Chúa Giêsu soi sáng bằng cách đặt câu hỏi cho các ông phải suy nghĩ và trả lời:

– Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho 5,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.”

– Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho 4,000 người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”

Mục đích của phép lạ là để khai mở niềm tin. Các Tông-đồ không những được khai mở một lần, mà đến hai lần; các ông vẫn không tin Chúa Giêsu có thể làm phép lạ cho các ông có bánh ăn! Nếu các ông được chứng kiến tận mắt hai lần phép lạ liên quan đến bánh hoá nhiều như thế, mà vẫn cứ nói về chuyện không mang bánh, phép lạ Chúa Giêsu làm có ảnh hưởng gì đến niềm tin của các ông?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức tin phải đi đôi với hành động; đức tin không việc làm là đức tin chết (Jam 2:17). Nếu chúng ta thực sự tin Lời Chúa, chúng ta phải áp dụng những Lời của Ngài trong cuộc sống.

– Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisees và men Herode!” vẫn còn hiệu lực cho chúng ta ngày nay; vì rất nhiều lần chúng ta đã để cho những lo lắng thế gian làm chủ cuộc đời.

– Nếu chúng ta sống ngược lại với những gì chúng ta tin, chúng ta sẽ phải trả giá trước mặt Thiên Chúa. Hình ảnh Lụt Hồng Thủy nhắc nhở chúng ta thân phận yếu đuối và tội lỗi của con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************