Ngày thứ ba (13-10-2020) – Trang suy niệm

12/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:    Gl 4, 31b  –  5, 6  (Hl 5, 1-6)

“Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Đức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Đức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Đức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48

A+B=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

A=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa.       

B=Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài.                          

A=Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

B=Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.          

A=Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu.       

B=Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài.  

A+B=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

ALLELUIA:  Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM:  Lc 11, 37-41

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/10/2020 – THỨ BA TUẦN 28 TN

Lc 11,37-41

SẠCH TỪ TRONG LÒNG

Chúa Giê-su nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)

Suy niệm: Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; thế nhưng “hương đồng gió nội” ấy, ngày hôm nay đã “bay đi ít nhiều” (thơ Nguyễn Bính). Thời nay, người ta dễ dàng nhận ra những người có khi là quyền cao chức trọng, ăn mặc sạch sẽ bảnh bao, đi xe sang, dùng hàng hiệu, thế rồi một ngày bỗng dưng phải đứng trước vành móng ngựa nhận những bản án không hề nhẹ vì tội “ăn bẩn”, lạm dụng chức quyền, thâm lạm của công. Chúa Giê-su đặc biệt ghét lối sống chăm lo sạch đẹp bên ngoài nhưng trong lòng thì độc ác gian tà, điển hình nơi những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật; lối sống đó Ngài gọi tên là giả hình, đạo đức giả. Chúa dạy phải sạch từ bên trong trước, nghĩa là phải sống “công bằng và yêu mến Thiên Chúa” (x. Lc 11,42) thì lúc đó mọi sự mới trở nên trong sạch đích thực và hoàn hảo.

Mời Bạn: Để trở nên thanh sạch trước mặt Chúa, cái ngưỡng đầu tiên là thực thi công bằng với tha nhân. Chỉ khi đạt được hạn mức tối thiểu đó thì mới có thể vươn lên tới vô cùng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Có khi nào bạn nghĩ rằng trong việc làm ăn không thể không gian dối, và để bù lại, thỉnh thoảng ta làm những việc bố thí, từ thiện, công quả là đủ hay không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì bạn dành một phút xin Chúa giúp bạn làm việc với lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn làm việc với đầy lòng yêu mến, vì nếu không, mọi công việc con làm chỉ là tiếng phèng la inh ỏi mà thôi.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài.
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn.
Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu.
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi.
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn,
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó.
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,
giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.
Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ.
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết.
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,
nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó
được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu,
cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa.
“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).
Như thế cái bên trong của chén đĩa
tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người.
Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ.
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.
Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.
Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.

Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,
tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,
khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận.
Nhưng Thiên Chúa thì không.
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.”
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong.
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.

Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.
Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm, 
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.
Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?
Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,
đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình.
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG MƯỜI

Một Thời Đại Khẩn Trương

Thật bi đát là còn nhiều vùng trên thế giới, người ta vẫn chưa biết hoặc đã lãng quên Tin Mừng. Xã hội hiện đại vốn tự hào là một xã hội thông tin, nhưng có hàng triệu con người mong mỏi được nghe Tin Mừng mà chỉ mới được biết loáng thoáng hoặc chẳng biết gì cả về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Và trong thế giới cũ, vốn in đậm truyền thống đức tin Kitô giáo hàng bao thế kỷ, đang tồn tại những ý thức hệ sai lạc và tư tưởng duy vật quá tràn ngập đến nỗi nhiều người sợ rằng thế giới có nguy cơ bị nhận chìm vào trong vực thẳm đen tối của chủ nghĩa vô thần. Vì thế, song song với nhu cầu Phúc Aâm hóa, chúng ta nhận ra một nhu cầu cấp bách không kém, đó là tái rao giảng Tin Mừng.

Tất cả chúng ta – linh mục cũng như giáo dân – đều được mời gọi khơi lại ý thức trong Giáo Hội về nhu cầu khẩn thiết của việc Phúc Aâm hóa và tái Phúc Aâm hóa. Đặc biệt, chúng ta phải giúp cho thế hệ trẻ nắm bắt sứ điệp này. Tâm hồn các bạn trẻ thường bị phân tán bởi những hy vọng trống rỗng. Chúng ta phải nhấn mạnh với họ về tính khẩn thiết của công việc truyền giáo, là lời tiếng gọi thách đố tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa. Chúng ta cũng cần phải làm cho các cộng đoàn Kitô hữu trở nên liên đới mật thiết với những nhu cầu những thử thách của các anh em tại các vùng truyền giáo.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Thứ Ba Tuần 28 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 4:31-5:6; Lk 11:37-41.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?

Tiếp theo những gì chúng ta đã chia sẻ hôm qua về sự xung đột giữa người Do-Thái và thánh Phaolô về giao ước cũ và mới. Hôm nay, cả hai Bài đọc đều dẫn chứng sự xung đột này bằng những ví dụ cụ thể. Bài đọc I tranh luận về việc có nên cắt bì hay không? Phúc Âm tranh luận về việc có nên rửa tay trước khi ăn?

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?

1.1/ Lề Luật không thể làm con người nên công chính: Thánh Phaolô nhắc lại đạo lý căn bản của Kitô Giáo: “Chúng ta không phải là con của một người nô lệ (Hagar-Ismael), nhưng là con của người tự do (Sarah-Isaac). Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”

Ngài trưng ra một ví dụ, việc cắt bì: Theo lễ nghi nhập Đạo Do-Thái, người tân tòng phải làm 3 việc: cắt bì, dâng lễ vật, và chịu thanh tẩy. Một số người Do-Thái sau khi đã trở lại Công Giáo đòi các người tân tòng Dân Ngọai cũng phải chịu cắt bì như họ. Thánh Phaolô phản đối mạnh mẽ sự đòi hỏi này: “Phải, tôi đây, Phaolô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh em.”

Ngài cắt nghĩa lý do tại sao không nên cắt bì bằng việc dùng tam đọan luận:

– Tiền đề: Bất cứ ai chịu phép cắt bì, người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật. Nếu không giữ trọn vẹn Lề Luật, người ấy sẽ phải lãnh nhận hình phạt do tội gây nên;

– Phản tiền đề: Nhưng không ai trong con người có thể giữ trọn vẹn Lề Luật;

– Kết luận: Mọi người đều phải lãnh nhận hình phạt.

1.2/ Chỉ có niềm tin vào Chúa Kitô mới có thể làm cho con người nên công chính:

Hình phạt của tội bất trung với Thiên Chúa là cái chết. Làm sao con người có thể tránh khỏi cái chết? Chắc chắn không bằng việc giữ Lề Luật! Nhưng bằng việc tin vào lòng thương xót Chúa qua sự kiện Ngài đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần để chết thay cho con người. Chính bằng niềm tin vào Người Con này, con người được trở nên công chính và khỏi chết. Vì thế, “Nếu anh em tìm sự công chính trong Lề Luật, anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.”

Đối phương của Thánh Phaolô thách thức ngài: “Phải chăng Lề Luật của Thiên Chúa thành vô giá trị đối với các Kitô hữu?” Trong Thư Rôma, Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ hơn về vai trò của Lề Luật. Chúng ta chỉ trả lời cách vắn gọn ở đây: Điểm quan trọng chúng ta cần lưu ý là đích điểm và cách chính yếu làm sao để đạt đích. Theo Thánh Phaolô, đích mà mọi người nhắm tới là làm sao trở nên công chính trước Thiên Chúa để khỏi phải chết, và cách để đạt đích là tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa đã chịu chết thay cho con người.

Lề Luật, tuy không có giá trị cứu rỗi, nhưng giúp cho con người nhận ra những gì nên và không nên làm. Lề Luật chỉ giúp con người đáp ứng những điều kiện tối thiểu, nhưng không giúp con người tiến xa hơn trong lãnh vực hy sinh, yêu thương, và bác ái. Để có thể tiến xa trên con đường trọn lành, con người cần có một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa, đức tin này thể hiện qua việc làm chứng nhân bằng lời giảng dạy cũng như bằng các công việc bác ái xã hội.

Và Thánh Phaolô kết luận: “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.”

2/ Phúc Âm: Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai.

2.1/ Người Pharisêu sửng sốt Chúa vì không rửa tay trước khi ăn: Cũng tương tự như đối phương của Thánh Phaolô tranh luận về sự quan trọng của sự cắt bì, đối phương của Chúa Giêsu là một người Pharisêu sửng sốt vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Đối với người Do-Thái, việc rửa tay trước khi ăn không chỉ thuần túy là để cho hợp vệ sinh, nhưng là việc giữ Lề Luật. Người Pharisêu sửng sốt vì một người như Chúa lại không giữ các Lề Luật căn bản.

2.2/ Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai: Chúa Giêsu biết những gì ông đang tự hỏi, nên Người thẳng thắn nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các ngươi, bên ngoài chén đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Một câu Hy-Lạp rất khó dịch trong đọan này là “plh.n ta. evno,nta do,te evlehmosu,nhn.” Nhóm PVCGK dịch “Tốt hơn, hãy bố thí những gì bên trong.” Theo văn mạch của đọan này, điều Chúa Giêsu đang muốn nói là sự trong sạch của tâm hồn, và câu 39 đang nói tới những tật xấu bên trong của người Pharirêu: “nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” Tổng hợp tất cả, chúng ta có thể dịch: “hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc.”

Điều Chúa muốn họ lưu ý ở đây là sự thanh sạch trong tâm hồn mà Thiên Chúa muốn họ có, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người, và Ngài biết tất cả mọi sự: bên trong cũng như bên ngòai. Họ có thể đánh lừa được mọi người bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa vì Ngài thấu suốt mọi toan tính trong tâm hồn của họ. Một khi họ đã vất đi những toan tính thấp hèn, họ sẽ trở nên trong sạch thực sự và biết yêu thương tha nhân hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình qua việc cẩn thận giữ các Lề Luật, nhưng chỉ có thể trở nên công chính bằng lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tin tưởng vào Người Con của Ngài. Chính Người Con này đã chết thay cho chúng ta.

– Lề Luật của Thiên Chúa trong Cựu Ước vẫn có giá trị căn bản của chúng. Tuy nhiên, những giới răn của Chúa Giêsu dạy làm hòan hảo những Lề Luật của Cựu Ước. Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải giữ các giới răn của Người.

– Các Lề Luật đều tóm trong hai giới răn quan trọng nhất: “Mến Chúa, yêu người.” Sự thanh sạch trong tâm hồn cao trọng hơn sự thanh sạch bên ngòai.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************