Ngày thứ ba (14-12-2021) – Trang suy niệm

13/12/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm lẻ

Thánh Gioan Thánh Giá

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 1-2. 9-13

“Chúa hứa ban ơn cứu độ cho những người nghèo khó”.

Trích sách tiên tri Xôphônia.

Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nó không nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình.

Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta.

Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 6-7. 17-18. 19 và 23

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Ngài. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy vui mừng. – Đáp.

2) Hãy nhìn về Chúa, để các bạn sẽ vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Ngài đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

3) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Đáp.

4) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương tan nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Này đây Chúa đến để cứu dân Người; hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 21, 28-32

“Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/12/2021 – THỨ BA TUẦN 3 MV

Th. Gio-an Thánh giá, linh mục, tiến sĩ HT

Mt 21,28-32

AI XỨNG ĐÁNG?

“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)

Suy niệm: Phải chăng những người thu thuế và những cô gái điếm lại xứng đáng vào Nước Trời hơn là những người được coi là công chính như các kinh sư và biệt phái? Phải chăng Đức Giê-su cổ võ cho hành vi gian dối về tiền bạc thường thấy nơi giới thu thuế và thừa nhận việc ‘buôn phấn bán hương’ là một giá trị tốt đẹp cho xã hội? Câu trả lời của Chúa đã nằm trong dụ ngôn về hai người con. Xứng đáng vào Nước Trời không phải là kẻ tự cho mình là công chính mà không thực thi ý muốn của Chúa, như người con thưa vâng với cha mình rồi lại nuốt lời. Trái lại, được vào Nước Trời là những người vốn là tội lỗi nhưng biết khiêm tốn sám hối, nỗ lực hoán cải cuộc sống của mình, như người con lỡ nói không nhưng rồi nghĩ lại mà đi làm vườn nho cho cha.

Mời Bạn: Sự thật là tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nếu tự cho mình là công chính và lên mặt kiêu căng, coi khinh người khác, thì chúng ta không khác gì các kinh sư và Pha-ri-sêu. Nhưng nếu chúng ta hành xử như người thu thuế biết đấm ngực và thưa với Chúa rằng: “Xin thương xót con vì con là người tội lỗi” (x. Lc 18,13), thì chúng ta được tha thứ, đường hoàng trở nên con cái Chúa và xứng đáng hưởng phúc Nước Trời

Sống Lời Chúa: Xét mình hằng ngày để nhận ra tội lỗi của mình và thật lòng ăn năn sám hối, quyết tâm chừa cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn con; Chúa biết con là người tội lỗi. Xin giúp con luôn sống khiêm nhường để nhìn nhận đúng sự thật về mình, nhờ đó con biết sám hối ăn năn, và sống quảng đại bao dung với anh chị em của mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:  

Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ.
Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.
Một người cha có hai con trai.
Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho.
Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29).
Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc.
Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30).
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ:
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?”
Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng.
Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài
như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5).
Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi,
chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã
khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất
chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời
trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong.
Tại sao lại có chuyện oái oăm đó?
Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này.
Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy.
Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy,
nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32).
Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất,
lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29).
Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).

Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho,
có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại.
Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu.
Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai.
Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi.
Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính.
Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh.
Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa.
Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu.
Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định.
Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.

Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin,
vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn.
Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!,
thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh,
và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”

Cầu nguyện:  

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI HAI

Chúa Đang Đến Gần

Hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Hãy nhân hậu và từ tâm, hãy sẵn lòng tha thứ cho nhau.

Chúa gần đến. Nguyện xin Người ban bình an của Người cho bạn! Thánh Tông Đồ viết: “Sự bình an của Chúa, vốn vượt trên mọi trí hiểu, sẽ canh giữ lòng trí anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,7).

Sự bình an ấy thật là một hồng phúc lớn lao! Tiên vàn, đó là sự bình an của một lương tâm ngay thẳng. Chúa đang đến gần, điều đó thúc bách chúng ta khảo sát lại lương tâm mình, thúc bách ta dò xét các tư tưởng và hành động của ta trước mặt Người.

Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan là một minh họa tuyệt vời về sự thúc bách này. Đó là lý do tại sao phụng vụ mùa Vọng hơn một lần gợi cho chúng ta chú ý đến sứ vụ ấy. Gioan là vị sứ giả loan báo rằng Đấng Mêsia đang đến gần. Ông đề nghị người ta hoán cải để đón nhận Đấng ‘sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa’ (Lc 3,16).

Chính qua sứ vụ của Gioan trên bờ sông Gio-đan mà con cái Israel nghe biết rằng Chúa đang đến gần. Trong ánh sáng này, câu hỏi đầu tiên của dân chúng là: “Vậy chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3,10). Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách mời gọi người ta sống công chính đích thực. Ông mời gọi cả những người thu thuế và các binh lính. Thì ra, khi Chúa đến gần, Người kêu gọi người ta hoán cải, canh tân, thay đổi cách sống.

Vâng, Thiên Chúa đang đến thật gần. Người kêu gọi người ta qua tiếng nói lương tâm trong sâu thẳm lòng họ. Nếu tiếng lương tâm nơi một người không vang lên, thì nghĩa là đương sự chưa gặp gỡ Thiên Chúa, đương sự chưa cảm nếm được sự gần gũi của Thiên Chúa trong ”Tinh Thần và Sự Thật” (Ga 4,23). Đương sự đã hụt mất Thiên Chúa hoặc chính đương sự đã quay lưng tránh xa khỏi Người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/12

Thánh Gioan Thánh Giá, Lm

Tiến sĩ Hội Thánh

Xp 3, 1-2. 9-13; Mt 21, 28-32.

Lời Suy Niệm: “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”

          Các thượng tế và các kỳ mục đã không chân thật trước câu hỏi của Chúa Giêsu về phép rửa của Gioan. Nên Chúa Giêsu đã đưa ra Dụ ngôn hai người con, để đánh thức họ trong việc đón nhận Lời và cách thi hành Lời, và Người đã cho biết: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Họ vào được Nước Thiên Chúa bởi vì họ nhận ra bản thân họ tội lỗi, họ nhận biết để rồi sám hối và biết xưng thú tội lỗi của mình để đón nhận Tin Mừng Cứu độ của Thiên Chúa. Điều này, giúp cho mỗi người trong chúng ta luôn phải xét mình, để cầu xin sự tha thứ và tin vào sự tha thứ của Chúa, để cải thiện đời mình bằng Lời Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đưa ra hai mẫu người con trước lời mời gọi của cha mình. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết vâng phục và thi hành Lời Chúa với sự tác động của Chúa Thánh Thần, để chúng con được vào Nước Thiên Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-12: Thánh GIOAN THÁNH GIÁ

Linh Mục Tiến Sĩ (1542 – 1591)

Gioan de Yepes sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542. Cha Ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làmnghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn. Mẹ Ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh Gioan. Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

Trong mọi việc, Ngài có thói quen tự hỏi: – “Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì ?”

Ngài không trốn tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của Ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, Ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.

Năm1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567 Ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên Ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với Ngài: – “Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ”.

Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, Ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, Ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.

Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình: – “Cha là vị thánh”.

Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến Ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thày dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, Ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với Ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa Ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng Ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của Ngài. Đáp lại, Ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, Ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn “Thánh ca thiêng liêng” (cantiques spirituelles).

Được 9 tháng thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, Ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về “hạnh phúc của đau khổ” và bỗng Ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho Ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo… thánh Têrêxa nói: – “Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo”.

Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như muốn nâng Ngài lên. Khiêm tốn, Ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng Ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt Ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.

Đức Thánh cha và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, Ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính Ngài đã xây dựng một thủy lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, Ngài đã viết cuốn “ngọn lửa tình yêu sống động” (la vive flamme d’amour). Cuối cùng Ngài trở thành Tổng đại diện Andalousia.

Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho Ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát nhiều bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá Ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, Ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến Ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà Ngài gọi là “đêm tối của tâm hồn”. Nhưng Ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.

Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: – “Oi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm thương hại chúng ta”.

Lần kia, Ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi Ngài hỏi về phần thưởng Ngài muốn rằng: – “Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa”.

Và Ngài đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.

Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể Ngài. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia Ngài nói với người đối thoại: – “Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau nhức”.

Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta qúi mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với Ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho Ngài đau đớn thêm. Nhưng Ngài càng ôm chặt thánh giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin Ngài tha thứ.

Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, Ngài xin đọc sách Diễn tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, Ngài cầm thánh giá nói: – “Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa”.

Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: – “Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu”.

Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, đêm tối tâm hồn, Ngọn lửa tình yêu sống động, thánh ca thiêng liêng. Ngài được tuyên thánh năm 1726. Và Đức Piô XI đã đăt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1962.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười Hai

Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam

Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi… Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: “Tôi xin được chặt đứt một cánh tay…”. Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần III – MV 

Bài đọc: Zeph 3:1-2, 9-13; Mt 21:28-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống theo sự thật.

Khi con người phải đối diện với sự thật, có nhiều phản ứng khác nhau: Có những người dửng dưng với sự thật, vì không nhìn ra được sự quan trọng của nó. Có những người sợ sự thật, vì sự thật mất lòng. Nếu họ biết, họ phải thi hành sự thật. Ví dụ, nhiều người biết những gì Chúa nói là sự thật; nhưng họ không muốn tin, vì nếu tin họ phải giữ những gì Chúa dạy. Có những người muốn tiêu hủy sự thật, vì nó phơi bày những giả dối của họ ra ánh sáng cho mọi người nhìn thấy. Sau cùng, có những người yêu mến sự thật và nhiệt thành tìm kiếm; vì sự thật giúp họ nhận ra những lầm lỗi khuyết điểm để sửa chữa thành những người tốt đẹp hơn. Điều quan trọng con người cần biết là sự thật giải thóat. Dù con người không có tội vì không biết sự thật, họ vẫn phải lãnh nhận mọi hậu quả vì tội dửng dưng, quay lưng, hay tiêu diệt sự thật.

Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn đề cần biết và sống theo sự thật. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah vạch ra cho dân thấy tai hại của việc quay lưng lại với Thiên Chúa, nguồn gốc của sự thật; và chạy theo những ảo tưởng như tin vào sức mình hay các thần ngọai bang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết: Các người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước họ; vì mặc dù tội lỗi, nhưng họ biết ăn năn hối cải để lãnh nhận ơn tha thứ và làm lại cuộc đời. Nếu họ không chịu tin và thi hành những gì Gioan Tẩy Giả và chính Ngài nói với họ, họ sẽ không được hưởng Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giống nòi phản lọan không nghe tiếng kêu mời, cũng chẳng tiếp thu lời sửa dạy.

1.1/ Dân Israel không nghe lời Thiên Chúa: Tiên Tri Sophonia là tiên tri sống trong Thời Lưu Đày, ông cho dân biết lý do tại sao Jerusalem bị thất thủ và dân bị lưu đày: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình.” Thành Jerusalem là Thành Thánh của Thiên Chúa ngự; thế mà nay trở nên Thành phản lọan, ô uế, và tàn bạo. Lý do là vì dân Thành đã làm ngơ trước những lời kêu mời và sửa dạy của các tiên tri Chúa gởi tới. Họ không còn trông cậy vào Thiên Chúa nữa, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của mình, và chạy theo các thần ngọai bang.

1.2/ Chúa sửa sọan một dân mới: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh luyện làm cho dân biết nhận ra và sống theo sự thật, theo ý muốn và đường lối của Ngài. Dân mới Thiên Chúa sửa sọan để mang trở về Jerusalem sẽ gồm 2 lọai người: những người không phải là dân Do-Thái, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa và phục vụ Ngài; những người Do-Thái còn sót lại, họ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại với Ngài. TT viết: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Kush, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta. Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh của Ta nữa.”

1.3/ Dân còn sót lại sẽ nghe lời và làm theo ý Thiên Chúa: Thời gian Lưu Đày làm cho người Do-Thái nhận ra những sai trái của họ vì đã không tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa; đồng thời cũng khích lệ họ biết khiêm nhường và sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Khi dân đã nhìn ra điều này, Thiên Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc họ: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.”

2/ Phúc Âm: Nói nhưng không làm theo ý Thiên Chúa.

2.1/ Dụ ngôn hai người con: Để dạy cho các Kinh-sư và Biệt-phái một bài học về sự thật, Chúa Giêsu đưa ra cho họ một dụ ngôn: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.”

2.2/ Hai người con tượng trưng cho hai hạng người:

(1) Những người thu thuế và gái điếm: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ nhất. Nếu xét theo bề ngòai, họ là những người tội lỗi, và không để tâm đến những gì Chúa dạy bảo. Nhưng khi họ được cơ hội nghe những gì Gioan Tẩy Giả rao giảng hay được Chúa Giêsu kêu mời, họ lập tức thay đổi cuộc sống, và tin vào Tin Mừng. Như lời Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” Những người đã ăn năn và tin theo Chúa Giêsu cũng không thiếu. Tin Mừng kể ra những người như: Matthêu và Jachaeus là những người thu thuế; Mary Magdalene là gái điếm; người trộm lành tin vào Chúa Giêsu trong những giây phút cuối của cuộc đời anh ta.

(2) Những Biệt-phái và Kinh-sư: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ hai. Nếu chỉ xét bề ngòai: thẻ kinh và những tua áo họ đeo, thông biết Lề Luật, đọc kinh sách nhiều lần trong ngày; họ là những người tốt lành vì họ giữ cẩn thận những gì Chúa dạy. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nhìn và xét theo dáng vẻ bên ngòai, Ngài thấu suốt và phán xét theo tâm tình bên trong. Ngài nhìn thấy họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Thiên Chúa vạn dặm, đeo thẻ kinh lớn và mang nhiều tua áo để được tiếng khen, thông biết Lề Luật nhưng không thi hành, đọc kinh nhiều để nuốt trọn gia tài các bà góa. Gioan Tẩy Giả nghiêm khắc răn bảo họ hãy thật lòng ăn năn xám hối, vì cây rìu đã chờ sẵn dưới gốc cây; nhưng họ vẫn cứng lòng không chịu trở lại. Chúa Giêsu nhìn thấu tận đáy lòng và mắng họ như những mồ mả tô vôi, bên ngòai trông rất đẹp, nhưng bên trong tòan những giòi bọ rúc rỉa. Họ không những không ăn năn trở lại, mà còn tìm cách để giết luôn Chúa Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không chỉ cần biết sự thật, nhưng còn phải thi hành sự thật.

– Phải biết nhìn nhận tội lỗi và sửa sai kịp thời. Chúng ta đừng bao giờ có thái độ tự nhận mình là người công chính và khinh thường người khác; nhưng phải luôn biết khiêm nhường xét mình và thú nhận tội lỗi với Thiên Chúa.

– Chúng ta phải lãnh nhận mọi tai hại và thiệt thòi của việc khinh thường và không sống theo sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************