Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Dt 2, 5-12
“Đấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Đấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Đức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Đấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.
Đáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? – Đáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
15/01/2019 – THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28
THÁN PHỤC LỜI NGÀI
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… (Mc 1,22)
Suy niệm: Là Ki-tô hữu, chúng ta lãnh nhận ba chức năng: ngôn sứ, tư tế, vương đế. Công đồng Tren-tô, thế kỷ 16 đã đặt chức năng tư tế lên hàng đầu. Bốn trăm năm sau, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có sự hoán chuyển vị trí: chức năng ngôn sứ được ưu tiên hàng đầu. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ?! Chúa Giê-su đến trần gian, Ngài rao giảng cho dân chúng về Thiên Chúa, về tình thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Ngài. Ngài xác định, sứ mạng của Ngài ra rao giảng. “Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Lời rao giảng của Chúa Giê-su, lời đó có quyền năng; lời đó làm cho người ta sống. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mc 4,4). Lời hằng sống và uy quyền của Chúa Giê-su khiến thiên hạ sửng sốt.
Mời Bạn: Đối với bạn và tôi, Đức Giê-su là Chúa; chúng ta có cảm nhận thêm rằng: Ngài là “bậc Thầy” nơi lời nói, lời dạy của Ngài. Bạn đã sửng sốt khi nghe lời Ngài? Bạn có say mê, bị lời Ngài thu hút? Bạn có khao khát, ước muốn yêu mến lời của Ngài và rao giảng lời Ngài không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Lời Chúa và để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời của Chúa làm cho con sống, làm no thỏa tâm hồn con, nhưng vì nhiều lý do, con đã hạ giá lời Chúa, khi mà con nghe lời Chúa và chỉ dừng lại ở việc: rút ra bài học. Xin cho con sửng sốt mỗi khi nghe Lời hằng sống của Chúa và xin sai con đi loan báo Lời Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG GIÊNG
Đời Sống Gia Đình Củng Cố Cấu Trúc Xã Hội
Như chúng ta thấy, gia đình – trong tư cách là “xã hội thứ nhất” – có những đòi hỏi tự nhiên của riêng nó và không thể bị o ép bởi các ý thức hệ hoặc bởi những đòi hỏi cá biệt nào đó của xã hội. Thật vậy, trách nhiệm của xã hội là phải gìn giữ và hỗ trợ gia đình bằng cách thiết lập những khoản luật và chế định những giá trị luân lý để phục vụ cho thiện ích chung. Bất cứ điều luật hay chuẩn mực luân lý nào không hỗ trợ cho gia đình thì cũng không thể nào là tốt cho toàn xã hội, vì gia đình là nền móng của xã hội. Những gì phá hoại gia đình thì đồng thời cũng phá hoại tất cả xã hội. Xã hội nào sẵn sàng xé rách gia đình rốt cục cũng sẽ thấm thía sự thật ấy.
Các nhà cầm quyền và những người làm công tác khoa học cần nhận thức rằng những nhu cầu chính đáng của con người và của xã hội đòi phải có sự cộng tác giữa lĩnh vực xã hội trần thế và lĩnh vực tôn giáo để bênh vực cho quyền lợi của gia đình. Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu rỗi của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của sự sống thần linh ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩa sâu xa hơn.” (MV 40) Như vậy, trong khi bảo vệ quan điểm Kitô giáo về đời sống hôn nhân và gia đình, Giáo Hội cũng đang xây dựng và củng cố toàn thể cộng đồng xã hội trần thế bằng một nền nếp luân lý vững chãi và tốt lành.
Thật vậy, tinh thần vâng phục của các tín hữu đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình sẽ bảo đảm rằng các nhân đức luân lý vốn có khả năng vãn hồi sự công bằng, lòng trung tín, sự kính trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết lẫn nhau … sẽ được nhấn mạnh và đề cao vì ích lợi của toàn xã hội.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15/1
Dt 2, 5-12; Mc 1, 21-28.
LỜI SUY NIÊM: “Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày Sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”
Ngày Sabát Chúa Giêsu và các môn đệ vào hội đường, là nơi để cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải Lời đó. Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường, dân chúng trong hội đường nhận ra Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Bởi vì Người giảng dạy với một phương pháp lẫn bầu khí giảng dạy của Người như một mạc khải mới về Lời Chúa và Luật lệ; Một mạc khải đầy yêu thương với lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa, và Thiên Chúa còn luôn chờ đợi sự sám hối của các tội nhân để Ngài thứ tha và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn được ham thích đọc Lời Chúa và suy niệm trong lòng, để nhận ra thánh ý Chúa trong mọi sự mà sống trong sự vâng phục, làm đẹp lòng Chúa hơn.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
15 Tháng Giêng
Bình An Cho Các Con
Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an”.
Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con”.
Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.
Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.
Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.
Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 1 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 2:5-12; Mk 1:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền của Chúa Giêsu
Để có thể thuyết phục người khác, người rao giảng cần có uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Ngòai sự thông hiểu về đề tài và cách suy luận, người rao giảng còn phải biết cách trình bày sao cho sáng sủa, gọn gàng, và dễ hiểu. Tuy nhiên, “lời nói chỉ mới lung lay;” muốn hòan tòan thuyết phục khán giả, người rao giảng cần phải sống những lời mình rao giảng hay cần những người khác làm chứng cho mình.
Các Bài Đọc hôn nay tập trung trong uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu là lý do tại sao con người được phục hồi tình trạng nguyên thủy: con người có quyền trên mọi sự và mọi lòai. Trong Phúc Âm, khán giả của Chúa Giêsu nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Muôn loài muôn sự phải phục quyền con người.
Để hiểu tư tưởng của tác giả trong đọan văn này, chúng ta cần hiểu danh từ con người. Khi thì tác giả dùng để chỉ lòai người cách tổng quát, khi thì áp dụng cho Chúa Giêsu như là vị đại diện của lòai người. Trong trường hợp thứ hai, Con Người phải được viết hoa. Chúng ta có thể phân biệt 3 tình trạng của lòai người như sau:
1.1/ Phẩm giá cao trọng của lòai người trong ý định của Thiên Chúa: Tác giả quả quyết con người sẽ làm chủ thế giới tương lai: “Thật vậy, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến. Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng: Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người.”
– Đọan văn mà tác giả trích ở đây là Thánh Vịnh 8:5-7, nói về phẩm giá con người. Họ cao trọng hơn hết mọi lòai trong ý định của Thiên Chúa.
– Một điểm liên quan đến bản văn cần lưu ý: Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản Bảy Mươi của Hy-Lạp, dùng chữ “thua kém các thiên-thần.” Trong khi bản MT của Do-Thái dùng chữ “thua kém Thiên Chúa, Elohim.” Theo văn mạch, bản Bảy Mươi hợp lý hơn nếu chúng ta hiểu tình trạng của con người sau khi phạm tội, họ thua kém các thiên-thần. Bản MT của Do-Thái đúng trong ý định của Thiên Chúa và sau khi phẩm giá con người được phục hồi nhờ Đức Kitô.
1.2/ Tình trạng của lòai người sau khi phạm tội: “Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người.” Có lẽ đây là tình trạng của con người sau khi phạm tội và trước khi được cứu chuộc bởi Đức Kitô
1.3/ Tình trạng của lòai người sau khi đã được Đức Kitô cứu chuộc: Qua đau khổ, Đức Kitô đã chuộc lại phẩm giá nguyên thủy cho con người. Tác giả viết: “Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.”
Vì thế, trong ý định muôn đời của Thiên Chúa, con người chỉ thua kém Thiên Chúa, nhưng cao trọng hơn các mọi lòai, bao gồm cả thiên thần. Khi con người phạm tội, thứ tự bị đảo ngược, con người thua thiên-thần; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach phục hồi tình trạng nguyên thủy cho con người qua Đức Kitô: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.”
2/ Phúc Âm: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.
2.1/ Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người: “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh-sư.” Qua lời nhận xét này, khán giả đã nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư:
– Đấng có thẩm quyền: Người biết rõ vấn đề chứ không dựa theo người khác. Điều này dễ hiểu nếu chúng ta nhìn nhận Đức Kitô chính là sự khôn ngoan hay trí tuệ của Thiên Chúa. Ngài biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn sửa chữa sự hiểu sai của truyền thống: “Người xưa dạy… phần Thầy, Thầy dạy các con…”
– Các kinh-sư: Họ chỉ hiểu phần nào của vấn đề chứ không thông suốt tất cả. Họ phải dựa vào thẩm quyền của Kinh Thánh để biện minh cho những lời giải thích của họ, chứ không dám đưa ra một giáo lý gì mới cả.
2.2/ Chúa Giêsu có uy quyền trên các thần ô uế: Trình thuật kể: trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!””
Người Do-Thái tin có rất nhiều thần ô uế trong thế giới, và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất các thần ô uế khỏi con người, điển hình là trình thuật hôm nay. Các thần ô uế này có thể là oan hồn của các kẻ gian ác chưa được giải thóat, hay dựa trên trình thuật của Stk 6:1-4.
(1) Ông là “Đấng Thánh”của Thiên Chúa: Thần ô uế biết nguồn gốc và mục đích của Chúa Giêsu. Nguồn gốc: Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Mục đích: Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi và các kẻ gây ra tội lỗi. Không những thế, Ngài còn khôi phục lại sự thánh thiện của con người, làm cho họ xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa.
(2) Chúa Giêsu truyền lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
(3) Phản ứng của con người: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Vì Chúa Giêsu đã chịu chết để phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho con người, chúng ta cần bắt chước Chúa Giêsu để tiêu diệt và tránh xa ảnh hưởng của các thần ô uế.
– Để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta cần thông suốt những gì Chúa dạy trước khi có thể rao truyền Tin Mừng cho người khác.
– Một cuộc sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác tin vào Thiên Chúa hơn là chỉ thuần túy rao giảng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************