Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Is 1, 10. 16-20
“Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Đáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng:
1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực. – Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? – Đáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 6, 64b và 69b
Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.
PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12
“Họ nói mà không làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
15/03/2022 – THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12
ĐỪNG GIẢ HÌNH
“Họ nói mà không làm.” (Mt 23,4)
Suy niệm: Đã nhiều lần Chúa Giê-su lên án thái độ giả hình của các kinh sư và Pha-ri-sêu. Vì họ nói mà không làm, hoặc họ nói một đằng làm một nẻo. Quả thật, nếu nói rằng giả hình là sự tách rời giữa lời nói và việc làm, thì cũng có thể nói rằng giả hình là sự tách rời giữa đức tin và cuộc sống. Và như thế có thể nói, giả hình là căn bệnh mà mọi Ki-tô hữu phải luôn cảnh giác, bởi vì mình cũng đang giả hình mà không hay.
Mời Bạn: Nhiều người nhận định rằng, nhiều anh chị em tín hữu Việt Nam có đời sống “nơi nhà thờ” khá phong phú, sôi động. Người ta có thể tham dự các buổi lễ, các cuộc hành hương, đọc kinh kính Đức Mẹ, gẫm đàng thánh giá… với sự sốt sắng hiếm có. Nhưng đồng thời, cũng có nhiều người nói mình tin Chúa mà vẫn ăn gian nói dối, buôn gian bán lận, lừa đảo, hối lộ, hay rượu chè say sưa… Có thể nói, họ là những Ki-tô hữu thường xuyên lui tới nhà thờ, nhưng rồi để Chúa ở lại đó, không mang Chúa vào trong đời sống thường ngày. Đó chẳng phải là sự giả hình mà ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải trong đời sống Ki-tô hữu đó sao? Trong Mùa Chay này, bạn được mời gọi hãy hoán cải, đừng chỉ là các Ki-tô hữu ở trong nhà thờ, nhưng còn phải là các Kitô hữu trong đời sống thường ngày nữa.
Sống Lời Chúa: Xét mình xem liệu bạn có sự tương hợp giữa đời sống đạo ở nhà thờ với đời sống thường ngày hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời sống thường ngày là sự cụ thể hóa đức tin của chúng con. Xin cho chúng con ý thức về điều đó để chúng con luôn biết thể hiện mình là Ki-tô hữu trong đời sống thường ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu,
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình.
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người.
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng.
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành.
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li,
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó.
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác.
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài :
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa,
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình,
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen.
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa.
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời.
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống :
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ.
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy.
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi.
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha.
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định :
“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8).
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô,
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời.
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em,
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy.
“Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…”
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức,
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền.
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu?
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất?
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG BA
Những Chuẩn Mực Rõ Ràng Để Sống
Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ…
Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng…,
Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh…,
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…,
Ngươi không được giết người.
Nguơi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, vợ người ta … hay bất cứ gì khác của người ta.
Xh 20,2.7-8.12-17
Giáo Hội rao giảng Thập Giới được trao cho con cái It-ra-en tại Núi Si-nai. Đây là Luật của Thiên Chúa, thể hiện những gì Thiên Chúa dạy bảo để con người sống một cách ngay chính. Những chuẩn mực sống này mở cho ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa về điều thiện và điều dữ luân lý. Những chuẩn mực này chính là luật luân lý.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15/3
Thánh Clementê Maria Hofbauer, linh mục
Is 1, 10. 16-20; Mt 23, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: Các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.”
Đây là điều Chúa Giêsu đang dạy cho những bậc thầy giảng dạy , vừa là cho những kẻ lắng nghe. Người giảng dạy, phải sống và tin vào những điều mình giảng dạy, còn những người nghe, thì cũng cần nghe và xác tín để thực hiện trong ngày sống của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con những chủ chăn, đạo đức thánh thiện và thông thái ddaayfb yêu thương, để dẫn đưa chúng con đến sự thật và để sống sự thật và làm chứng cho sự thật.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
15 Tháng Ba
Ðời Là Một Chuyến Ði
Một tác giả nọ đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau:
Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ nhà thờ có thói quen mà không ai có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến cho người tổng đài trong vùng và hỏi giờ. Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã đặt câu hỏi: “Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin cho ông biết lý do hỏi giờ như thế mỗi ngày?”. Ông từ nhà thờ mới giải thích: “Ồ, có gì đâu. Tôi là người phải kéo gác chuông mỗi ngày vào giờ ngọ. Tôi cần biết giờ chính xác”.
Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra. Ông nói với ông từ nhà thờ như sau: “Thật là buồn cười. Trong khi ông hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi lại điều chỉnh đồng hồ theo tiếng chuông của ông”.
Tác giả của câu chuyện trên đây kết luận rằng: cuộc sống quả là một bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời. Chúng ta cần một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, Chủ tế của sự sống.
Kinh thánh, Lời của Chúa, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Noe xuống tàu, qua Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Ðức Maria và cả cuộc đời không ngừng di động của Ðức Kitô: tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình Ðức Tin của người Kitô chúng ta.
Ðời là một cuộc hành trình… Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng những năng động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi; vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm… Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ…
Ðời là một cuộc hành trình. Ðức Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tị nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình… Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình.
Qua cuộc hành trình không nghỉ ngơi ấy, Ðức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: “Ta là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống”.
Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta… Ngài là Con Ðường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng Con Ðường của Ngài chính là Con Ðường của yêu thương và phục vụ… Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên Con Ðường của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần II – MC
Bài đọc: Isa 1:10, 16-20; Mt 23:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành đức tin.
Chúng ta thường phán xét con người theo những gì chúng ta thấy bên ngòai, vì chúng ta không thấy được những gì trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đóan và chọn lựa. Đến khi chúng ta phát giác ra đó không phải là con người thật của họ, nhiều lần chúng ta đã phải đau đớn thốt lên: “Thật! không thể nào ngờ được!” Hay, “bề ngòai thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm một bồ dao găm.”
Thiên Chúa phán xét rất khác chúng ta, vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Điều nguy hiểm cho chúng ta là vì quá quen với sự phán đóan bên ngòai, nên chúng ta cũng “quen thói đóng kịch” khi đến với Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta bị lên án nặng nề.
Các Bài Đọc hôm nay đề phòng chúng ta khỏi những thói quen nguy hiểm này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Israel hãy vứt bỏ các tội ác khi đến cầu xin với Thiên Chúa. Nếu muốn Ngài nhận lời cầu xin và chúc phúc, họ phải ăn năn xám hối và thực thi công bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách thái độ giả hình và kiêu ngạo của các kinh-sư và Biệt-phái. Ngài đề phòng các tông đồ đừng bắt chước những hành động của họ và dạy dỗ các ông chú ý đến thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ bên trong.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy sống thành thật và thực thi công bình.
1.1/ Phải thay đổi cuộc sống: Như đã nói nhiều lần, giao ước của Thiên Chúa với Israel là giao ước có điều kiện. Ngài sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân giữ Lề Luật; nếu họ bất tuân không giữ, Ngài sẽ để họ làm mồi cho quân dữ. Các tiên-tri được Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở dân biết xét mình và ăn năn trở lại. Tiên-tri Isaiah đưa ra 3 điểm chính:
(1) Trút bỏ tội ác: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” Hai tội chính được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi các tiên-tri: giả hình khi đến với Thiên Chúa và bất công xã hội.
(2) Xưng thú tội lỗi: Đức Chúa phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Thiên Chúa không chấp tội con người, nhưng sẵn sàng tha thứ khi con người nhận ra tội lỗi của mình và xám hối; không có tội gì là không thể tha thứ đối với Ngài.
(3) Tập làm điều thiện: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế vì những người này ít khi được bảo vệ bởi xã hội. Những người có quyền thế là những người dễ bị mua chuộc và đối xử bất công với những hạng người này.
1.2/ Hậu quả của hành động: Sống thế nào, phải chịu kết quả như vậy. Tiên-tri Isaiah chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa hứa khi làm giao ước với Moses, bằng cụm từ khác: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.” Nói cách khác, nếu họ vâng lời Thiên Chúa và thực thi công bằng, họ sẽ có hòa bình, đất đai sẽ sinh hoa quả để nuôi dưỡng họ; nếu họ bất tuân, chiến tranh sẽ xảy ra: ngọai xâm hay nội chiến, lúc đó họ sẽ chết vì gươm giáo hay phải lưu đày xa quê hương.
2/ Phúc Âm: Tri hành đồng nhất
2.1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:
(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.
Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: “Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”
(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.
Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.
2.2/ Sống thật với con người của mình:
(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “Rabbi”.” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.
– Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************